Chính quyền Afghanistan thất thủ, Mỹ - Nga nói gì?
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi "Taliban và tất cả các bên khác kiềm chế tối đa”, trong khi Anh kêu gọi cộng đồng quốc tế không công nhận chính phủ của Taliban.
Chiến binh Taliban. Ảnh: CNN
Liên Hợp Quốc
“Tổng thư ký kêu gọi Taliban và tất cả các bên khác đảm bảo tôn trọng và bảo vệ luật nhân đạo quốc tế, quyền và sự tự do của người dân”, phát ngôn viên Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết.
Cùng lúc đó, theo Al Jazeera, Estonia và Na Uy đã yêu cầu Hội đồng Bảo an họp khẩn về tình hình Afghanistan càng sớm càng tốt.
Mỹ
Trong một loạt các cuộc phỏng vấn với báo giới Mỹ hôm Chủ nhật, Ngoại trưởng Antony Blinken một lần nữa bảo vệ quyết định của Tổng thống Joe Biden về việc rút quân ra khỏi Afghanistan, bất chấp những lời chỉ trích rằng việc Mỹ rút quân nhanh chóng đã góp phần làm cho tình hình an ninh ở Afghanistan xấu đi nhanh chóng.
“Chúng tôi đến Afghanistan cách đây 20 năm với một nhiệm vụ, là đối phó với những kẻ đã tấn công chúng tôi vào ngày 11/9/2001 - và chúng tôi đã thành công trong nhiệm vụ đó.”
Nga
Đại sứ quán Nga tại Kabul nói với TASS hôm Chủ nhật rằng Nga sẵn sàng hợp tác với chính phủ lâm thời của Afghanistan.
Tuy nhiên, đặc phái viên Nga ở Afghanistan - Zamir Kabulov nhấn mạnh Moscow sẽ không vội vàng công nhận chính phủ của Taliban. “Chúng tôi sẽ đợi và xem Taliban hành xử như thế nào”.
Về việc Taliban hi vọng sẽ có một cuộc chuyển giao quyền lực hoàn toàn, ông Kabulov nói: “Đó là lỗi của Tổng thống Ashraf Ghani khi trì hoãn và từ chối tổ chức các cuộc đàm phán trong cả năm. Ông ấy đã mất tất cả.”
Đặc phái viên Kabulov khẳng định Moscow không có kế hoạch sơ tán đại sứ quán Nga ở Kabul.
Anh
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết không quốc gia nào nên công nhận Taliban là chính phủ của Afghanistan. Ông đồng thời nhấn mạnh rằng sẽ có một chính quyền mới ở Afghanistan trong thời gian tới.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab bày tỏ quan ngại sâu sắc đến tương lai của Afghanistan và kêu gọi Taliban chấm dứt bạo lực khi tiến vào Kabul.
“Quan trọng là cộng đồng quốc tế phải đoàn kết trong việc yêu cầu Taliban chấm dứt bạo lực, bảo vệ nhân quyền.”
Pháp
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Jean-Yves Le Drian cho biết Pháp đang chuyển đại sứ quán ở Afghanistan đến gần sân bay Kabul.
Bộ Ngoại giao khẳng định cơ quan này vẫn sẽ hoạt động để sơ tán tất cả các công dân Pháp có thể còn mắc kẹt ở Afghanistan đến nơi an toàn.
NATO
NATO vẫn duy trì hiện diện ngoại giao ở Kabul và sẽ giúp duy trì hoạt động của sân bay thành phố, một quan chức NATO nói với Reuters.
Quan chức này cho biết: “NATO liên tục đánh giá các diễn biến ở Afghanistan. Việc đảm bảo an ninh cho các nhân viên của chúng tôi là tối quan trọng. Và chúng tôi sẽ điều chỉnh khi cần thiết. Chúng tôi ủng hộ các nỗ lực của Afghanistan nhằm tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột. Việc này đang cấp bách hơn bao giờ hết.”
Thổ Nhĩ Kỳ
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cùng Pakistan nỗ lực vì sự ổn định ở Afghanistan nhằm ngăn chặn làn sóng di cư ngày càng tăng.
Theo ông Erdogan, người Afghanistan đang tìm cách di cư sang Thổ Nhĩ Kỳ thông qua Iran. Do đó, ông thúc giục một nỗ lực quốc tế nhằm mang lại sự ổn định cho Afghanistan, ngăn chặn tình trạng di cư ồ ạt.
Qatar
Qatar kêu gọi quá trình chuyển giao quyền lực một cách hoà bình ở Afghanistan, mở đường cho một giải pháp chính trị toàn diện bao gồm tất cả các bên của Afghanistan, nhằm đảm bảo an ninh và ổn định.
Bộ Ngoại giao Qatar cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Afghanistan để bảo vệ tính mạng của dân thường.
Nepal
Chính phủ Nepal đã kêu gọi sơ tán khoảng 1.500 người Nepal làm nhân viên an ninh tại các đại sứ quán và với các nhóm viện trợ quốc tế ở Afghanistan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nepal, Sewa Lamsal, nói với Reuters tại Kathmandu: “Chúng tôi đã chính thức viết thư cho các đại sứ quán yêu cầu cho họ sơ tán.”
Bà Lamsal cho biết chính phủ Nepal cũng đã thành lập một hội đồng để xác định chính xác số lượng người Nepal đang làm việc ở thủ đô Kabul cũng như các nơi khác ở Afghanistan.
Nepal không có cơ quan ngoại giao ở Afghanistan nhưng hàng nghìn người Nepal đang làm nhân viên bảo vệ tại các khu ngoại giao ở Afghanistan.
Hơn 60 quốc gia kêu gọi công dân nước ngoài và người Afghanistan rời đi an toàn
Hơn 60 quốc gia đã đưa ra một tuyên bố chung vào tối Chủ nhật với lý do “tình hình an ninh đang xấu đi” ở Afghanistan.
Tuyên bố nói rằng những người nắm quyền và có thẩm quyền trên khắp Afghanistan phải “chịu trách nhiệm về việc bảo vệ tính mạng con người và tài sản, cũng như lập tức khôi phục an ninh và trật tự dân sự.”
Tuyên bố nói thêm: “Người Afghanistan và công dân quốc tế phải được phép rời đi nếu muốn; đường sá, sân bay và lối qua lại tại biên giới phải thông thoáng, và sự yên bình phải được duy trì. Người dân Afghanistan xứng đáng được sống trong sự an toàn, an ninh và sự tôn trọng. Cộng đồng quốc tế sẵn sàng hỗ trợ họ."
Tổng thống Mỹ Joe Biden và chính quyền Mỹ đã phải chật vật hôm 16/8 (giờ Việt Nam) để lên kế hoạch trong bối cảnh...
Nguồn: [Link nguồn]