Chính khách Campuchia đăng một bài viết trên mạng, 15.000 người ùn ùn đổ về nông trại

Sự kiện: Tin tức Campuchia

Giới chức một tỉnh ở Campuchia gặp khó khăn trong việc giải tán hơn 15.000 người tập trung tại một nông trại sau khi chủ nông trại cũng là chính khách địa phương đăng bài cảnh báo trên mạng xã hội. 

Hơn 15.000 người đổ về một nông trại sau khi tin vào bài đăng vô căn cứ của một chính khách địa phương trên mạng xã hội. Ảnh: Khmer Times

Hơn 15.000 người đổ về một nông trại sau khi tin vào bài đăng vô căn cứ của một chính khách địa phương trên mạng xã hội. Ảnh: Khmer Times

Khmer Times hôm 29/8 đưa tin, chính quyền tỉnh Siem Reap đang thúc giục đám đông hơn 15.000 người giải tán khỏi một nông trại gần núi Phnom Kulen. 

Đám đông này ùn ùn kéo về nông trại sau khi Khem Veasna, chủ tịch đảng Liên minh vì dân tộc (LDP), đăng một bài viết sai sự thật trên Facebook hôm 23/8. 

Trong bài đăng trên Facebook, Veasna cảnh báo thế giới đang chuẩn bị đối mặt với trận lụt thảm khốc nhất và chỉ có nông trại của chính khách này mới đủ cao để tránh lũ. Sau 4 ngày kể từ khi Veasna đăng bài, có hơn 15.000 người đã tập trung về nông trại của chủ tịch đảng LDP.  

Khim Finan, chủ tịch huyện Banteay Srei, tỉnh Siem Reap, cho biết, chính quyền địa phương đã tới thăm nông trại hôm 27/8 và đề nghị Veasna giải tán đám đông và ngừng phát tán thông tin vô căn cứ. 

Tuy nhiên, Veasna từ chối làm theo đề nghị của chính quyền địa phương và nói rằng chỉ giải tán đám đông vào ngày 30/8. 

Ly Somreth, phó chủ tịch huyện Banteay Srei, cho biết, Veasna đã khiến số lượng lớn người dân hoảng loạn. 

"Khi tiếp nhận các thông tin đăng tải trên mạng xã hội, mọi người nên cân nhắc và kiểm chứng độ chính xác của thông tin. Tôi rất bất ngờ khi có quá nhiều người tin vào lời nói dối kiểu này", ông Somreth nói. 

Phó chủ tịch huyện Banteay Srei cũng bày tỏ sự thất vọng khi nhiều người bỏ bê việc kinh doanh, dừng việc học của con cái, rời bỏ nhà cửa để tới nông trại.

"Việc tụ tập với số lượng lớn như vậy sẽ để lại hậu quả gì nếu họ bị mắc bệnh tật như Covid-19", ông Somreth lưu ý. 

Thông tin vô căn cứ thậm chí còn vượt ra khỏi biên giới Campuchia và lan tới cộng đồng người Campuchia ở Hàn Quốc. Một số lao động Campuchia ở Hàn Quốc bắt đầu thu dọn hành lý để cùng gia đình về nước. 

Heng Suor, phát ngôn viên Bộ Lao động Campuchia, cho biết: "Tôi kêu gọi các lao động Campuchia đang làm việc tại Hàn Quốc không nên tin lời vô căn cứ của một cá nhân. Bỏ việc và trở về Campuchia đột ngột sẽ ảnh hưởng tới uy tín của người lao động Campuchia, vốn được các nhà tuyển dụng Hàn Quốc đánh giá cao". 

"Hãy tin tôi. Nếu thế giới sắp đối mặt với một trận lụt thảm khốc, tình trạng khẩn cấp sẽ được ban bố trên toàn thế giới", ông Suor nói. 

Chin Malin, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Campuchia, cho biết, chủ tịch đảng LDP có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý nếu bị chứng minh có hành vi phạm tội. 

Nguồn: [Link nguồn]

Cận vệ bị Thủ tướng Campuchia sa thải nói gì?

Một ngày sau khi bị Thủ tướng Campuchia sa thải, San Bunthoeun, người trước đó là cận vệ của ông Hun Sen, đã lên mạng xã hội nói về vụ việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Khmer Times ([Tên nguồn])
Tin tức Campuchia Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN