Chiều cao của nhà lãnh đạo qua góc nhìn của chuyên gia tư vấn hình ảnh

Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Tổng thống đắc cử Brazil Lula da Silva, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và thậm chí cả Tổng thống Nga Vladimir Putin đều thấp hơn mức trung bình - một đặc điểm mặc dù không liên quan đến quản trị, nhưng vẫn tiếp tục thách thức những quan điểm cũ về hình thức bề ngoài của nhà lãnh đạo.

Nhiều nhà lãnh đạo đương thời có chiều cao khiêm tốn nhưng rõ ràng dáng vóc không nói lên năng lực chính trị cá nhân

Nhiều nhà lãnh đạo đương thời có chiều cao khiêm tốn nhưng rõ ràng dáng vóc không nói lên năng lực chính trị cá nhân

Emil Ludwig, một trong những người viết tiểu sử của Napoléon Bonaparte lưu ý rằng, xung quanh Hoàng đế Pháp thường là những người đàn ông rất cao, chẳng hạn như các thành viên của Đội cận vệ Hoàng gia. Điều này khiến Napoléon trông có vẻ nhỏ nhắn, cho dù ông cao 1m54, cao hơn khoảng 10cm so với người Pháp trung bình thời ấy. Thậm chí 2 thế kỷ sau, ông vẫn bị công chúng coi là người tí hon và lý giải sự mặc cảm về tầm vóc là lời giải thích cho tính cách hung hăng, hoài nghi, tự ái của vị hoàng đế này.

Cách đây vài ngày, nhà báo người Australia Tom Gara trên Twitter đã khởi xướng chủ đề thú vị có liên quan đến một loạt các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu, những người hầu như không vượt qua được chiều cao của Napoléon. Đó là tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak cùng với hàng loạt tên tuổi cũ như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin... “Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên Napoléon mới” - một bình luận viết. Có người nhắc lại tiền lệ cho việc này, đó là các Tổng thống Pháp François Hollande, Nicolas Sarkozy, Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi…

Ông Jorge Francisco Santiago - chuyên gia về tư vấn hình ảnh và chính trị tại Đại học Camilo José Cela ở Madrid (Tây Ban Nha) cho rằng, không có mối tương quan đáng kể nào giữa “dáng vóc và năng lực chính trị” của nhà lãnh đạo, nhưng ông thừa nhận chắc chắn “có những quan niệm ăn sâu vào xã hội, trong đó liên kết chiều cao với sự tham vọng, hung hăng, hoặc xảo quyệt ở những người đàn ông thấp bé”. Ông Santiago cho rằng, chiều cao không quyết định thắng hay thua trong các cuộc bầu cử, bởi vì đại đa số cử tri hiểu rằng năng lực chính trị, sự trung thực, sự đồng cảm hoặc thậm chí là sức hút không phụ thuộc vào vẻ bề ngoài, cụ thể là chiều cao.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm chuyên môn, ông Jorge Francisco Santiago tiết lộ, trong các cuộc tranh luận trên truyền hình, các nhà quản lý chiến dịch và các nhà tư vấn hình ảnh đều cố gắng tìm ra các điều kiện có lợi nhất có thể cho ứng viên của họ. Nhiều thứ được thảo luận, từ việc họ sẽ ngồi hay đứng đến chiều cao và kích thước của bục phát biểu… Mặc dù ông Santiago lưu ý đây có lẽ không phải là những chi tiết quá quan trọng, nhưng lại rất có ý nghĩa nhìn từ quan điểm của chiến lược chính trị và truyền thông.

Còn nhớ, tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2004, Tổng thống đương nhiệm lúc đó là ông George W. Bush phải cạnh tranh với ứng viên cao hơn nhiều, đó là Thượng nghị sĩ John Kerry. “Các cố vấn của ông Bush đã rất nỗ lực để làm cho sự khác biệt này không quá rõ ràng. Thật tình cờ, họ phát hiện sự trợ giúp bất ngờ trong ngôn ngữ cơ thể của ông John Kerry. Vì ông ấy quá cao nên có xu hướng gù lưng. Cử chỉ khiêm tốn vô thức này lại khiến ông mất điểm, vì dáng người lúc nào trông cũng không thoải mái”.

Hay tại Pháp, ông Nicolas Sarkozy đã thất bại trong việc vô hiệu hóa các cuộc thảo luận về chiều cao của mình có lẽ vì ông quá bị ám ảnh bởi điều đó. Trên các phương tiện truyền thông, ông để lộ việc đi giày cao gót và kiễng chân lên trong các bức ảnh chụp với các nhà lãnh đạo thế giới khác, càng tạo cảm giác ông có mặc cảm tự ti về chiều cao. Theo ý kiến của chuyên gia Santiago, “bất kỳ đặc điểm bất thường nào, có thể là thấp quá hay cao quá, nhút nhát hoặc thiếu sức hấp dẫn về thể chất, đó là một thách thức trong xây dựng hình ảnh, nhưng có thể ứng phó một cách tự nhiên và thông minh, ví như làm việc chăm chỉ hơn để thể hiện tính cách của họ một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu Napoléon ứng cử ở thời đại châu Âu dân chủ ngày nay, và nếu ông có một đội ngũ tư vấn hình ảnh, có lẽ ông sẽ suy nghĩ kỹ trước khi vây quanh mình bằng những vệ sĩ cao lớn như vậy.

Nguồn: [Link nguồn]

Các lãnh đạo thế giới không xét nghiệm PCR do Nga thực hiện vì sợ lộ DNA?

Lo sợ lọt DNA khi xét nghiệm là một trong những tin đồn xung quanh việc các lãnh đạo thế giới phải giữ khoảng cách khi hội đàm với lãnh đạo Nga.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Chi - El Pais ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN