Chiến trường Ukraine cùng chu kỳ ngày và đêm...

Chu kỳ ngày và đêm ở Ukraine đối với tốc độ tác chiến còn quan trọng hơn bất kỳ học thuyết quân sự nào... Vì sao?

Trong bài viết mới đây cho tạp chí Foreign Policy, chuyên gia Franz-Stefan Gady thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) nhận định xung đột Nga - Ukraine đã rơi vào thế bế tắc khi không bên nào giành được ưu thế trên chiến trường. Chiến dịch phản công của Ukaine được phương Tây đặt nhiều kỳ vọng cũng không đem lại đột phá đáng kể.

Để thay đổi cục diện, ông Gady cho rằng cả Nga và Ukraine cần nhận thức được khác biệt rõ rệt về mặt bản chất của cuộc chiến này với tất cả cuộc chiến trước đó, khi các công nghệ quân sự mới hơn và sự có mặt của thiết bị bay không người lái (UAV) được sử dụng rộng khắp trên chiến trường.

Không còn điểm mù trên chiến trường

Theo ông Gady, việc UAV liên tục hoạt động đã tạo ra một chiến trường rõ ràng hơn cho hai bên. UAV nâng cao khả năng trinh sát và thu thập thông tin tình báo thời gian thực khiến việc ẩn giấu các hoạt động chuyển quân, tập trung cơ giới quy mô lớn trước đối thủ gần như bất khả thi.

Binh sĩ Ukraine phóng UAV về các vị trí của Nga ở vùng Donetsk (Ukraine) hồi tháng 7. Ảnh: AP

Binh sĩ Ukraine phóng UAV về các vị trí của Nga ở vùng Donetsk (Ukraine) hồi tháng 7. Ảnh: AP

Sự phổ biến của các thiết bị do thám như UAV cũng đồng nghĩa việc một lực lượng khi đã bị phát hiện sẽ ngay lập tức bị đạn pháo, tên lửa và UAV cảm tử của đối phương tấn công. Các đợt đột phá và tiến công cự ly dài giờ trở thành một trong những nhiệm vụ nguy hiểm và tổn thất cao nhất. Nếu đối phương có thể thấy mọi thứ tại và sau tiền tuyến, trong đó có các đơn vị và thậm chí từng binh sĩ đang di chuyển phía sau thì một cuộc tấn công truyền thống với bộ binh di chuyển, xe bọc thép yểm trợ chắc chắn sẽ gặp thất bại lớn.

Để tránh UAV, binh sĩ Nga và Ukraine nếu không tham gia các chiến dịch lớn thường sẽ tiến công bằng các đơn vị bộ binh nhỏ, di chuyển linh hoạt dọc chiến trường với pháo binh yểm trợ. Dĩ nhiên một khi bị phát hiện thì vẫn chịu tổn thất nhưng ít hơn so với một đợt tấn công quy mô lớn.

Bài toán khắc chế “mắt thần” UAV

Rõ ràng điều cần làm lúc này là làm sao để thu hẹp khả năng do thám của UAV đối phương hoặc thậm chí là vô hiệu hóa chúng. Trong cách làm đơn giản nhất, binh sĩ có thể ẩn nấp nhờ tận dụng các yếu tố như địa hình, ánh sáng ban ngày và điều kiện thời tiết.

Trên thực tế, chuyên gia Gady cho rằng sự xuất hiện các công nghệ mới trên chiến trường càng khiến phẩm chất cá nhân của binh lính như kỷ luật cao, linh hoạt và sự hiểu biết sâu sắc về địa hình, môi trường quan trọng hơn trước đây.

Chẳng hạn, thời điểm trong ngày mà một bên lựa chọn tấn công có ý nghĩa đáng kể. Hầu hết cuộc tấn công của Ukraine đều diễn ra trước bình minh hoặc tối muộn. Nếu không có đủ ánh sáng, UAV của Nga sẽ khó phát hiện bên tấn công hơn.

Bộ Quốc phòng Ukraine trong một bài đăng trên mạng xã hội ngày 7-12 cho biết lực lượng Ukraine đã tấn công và phá hủy một hệ thống phòng không S-350 của Nga với sự hỗ trợ từ UAV. Nga chưa bình luận về thông tin này.

Dù các UAV với camera hồng ngoại có thể quan sát trong bóng tối và được sử dụng rộng rãi nhưng chúng có chi phí cao hơn so với các UAV thông thường, vì vậy có số lượng ít hơn, tạo nên những khoảng trống dọc tiền tuyến có thể khai thác.

Ukraine sử dụng các tốp binh lính 10-16 người tấn công vào các chiến hào của Nga. Những binh sĩ này được đưa tới mạng lưới chiến hào của đối phương bằng 2-3 phương tiện chiến đấu bộ binh hoặc xe bọc thép với sự hỗ trợ của hai hoặc nhiều hơn các xe tăng chiến đấu chủ lực. Khi các binh sĩ Ukraine ở trong chiến hào Nga, các xe bọc thép sẽ lui về.

Nếu binh sĩ chiếm được chiến hào trong một cuộc tấn công lúc bình minh thì họ sẽ cần phải giữ chiến hào trước các cuộc phản công cho đến tận đêm, khi mà họ có thể di chuyển trở lại hoặc nhận quân tiếp viện.

“Do đó, chu kỳ ngày và đêm ở Ukraine đối với tốc độ tác chiến còn quan trọng hơn bất kỳ học thuyết quân sự nào. Những loại hoạt động này không chỉ đòi hỏi tính kỷ luật và sự tập trung cao độ của từng binh sĩ và người chỉ huy của họ mà còn cả thể lực” - ông Gady nói.

Điều kiện thời tiết cũng đóng vai trò quan trọng. Lý do rất đơn giản: Nhiều UAV không thể hoạt động trong điều kiện thời tiết mưa to, gió lớn hay nhiệt độ xuống dưới 0 độ C. Trong một ngày nhiều mây, có gió mạnh hơn và mưa nhỏ sẽ có ít UAV hoạt động hơn, dẫn đến phạm vi do thám ít hơn và tốc độ khai hỏa thấp hơn. Trong một cuộc xung đột bị chi phối bởi pháo binh như xung đột Nga - Ukraine, thời tiết xấu có thể mang đến cơ hội cho bên biết tận dụng cơ hội khi phạm vi thám sát của UAV bị thu hẹp.

Điều đó không có nghĩa là thời tiết tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh tấn công, vì việc di chuyển trên mặt đất do bùn lầy hoặc tuyết sẽ trở nên khó khăn hơn. Mặt đất trơ trụi vào mùa đông cũng khiến binh sĩ có ít cơ hội ẩn náu hơn. Do đó, bên nào có quân đội được chuẩn bị tốt hơn để đối phó với nhiệt độ thấp và thời tiết khắc nghiệt sẽ có lợi thế lớn hơn.

“Bất chấp tình trạng bế tắc hiện nay, chiến trường Ukraine vẫn xuất hiện những cơ hội như vậy để đạt đột phá và tiến công thắng lợi nếu các lực lượng có sự phối hợp ăn ý và có thể khai thác các nhân tố môi trường xung quanh” - ông Gady cho biết.•

Chiến tranh điện tử cũng góp vai trò quan trọng

Về mặt công nghệ, việc sử dụng các hệ thống gây nhiễu và công nghệ tác chiến điện tử cũng giúp giảm hiệu quả hoạt động của UAV. Cuộc chạy đua loại công nghệ này giữa Nga và Ukraine đang diễn ra quyết liệt. Cả hai bên ngày càng phụ thuộc vào những thiết bị gây nhiễu nhỏ được lắp đặt trên các phương tiện hoặc bên cạnh các chiến hào để tạo ra “chiếc ô bảo vệ” cho vị trí của mình, đồng thời khiến UAV đang tấn công đi chệch hướng hoặc bị rơi.

Hiện nay, dường như Nga được đánh giá là đang giữ lợi thế về thiết bị gây nhiễu và tác chiến điện tử, cả về số lượng và chất lượng các hệ thống mà họ triển khai.

Nga tiết lộ vũ khí có khả năng 'hạ gục' F-16 của phương Tây ở Ukraine

Truyền thông Nga cho biết, máy bay chiến đấu F-16 mà Ukraine chuẩn bị nhận từ phương Tây có khả năng sẽ bị tiêu diệt bởi tên lửa tầm xa 40N6, được phóng từ hệ thống tên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN