Chiến trường Thế chiến I hóa "mồ chôn lỏng" vì hiện tượng thời tiết trăm năm có một

Hiện tượng thời tiết trăm năm có một này còn góp phần khiến đại dịch cúm Tây Ban Nha lan nhanh, dẫn đến cái chết của 50 - 100 triệu người trên khắp thế giới.

Các khoảng thời gian mà hiện tượng thời tiết này hoạt động mạnh nhất trùng khớp hoặc xảy ra ngay trước thời điểm các trận chiến đẫm máu nhất của Thế chiến I diễn ra, theo nghiên cứu. Ảnh: Harvard and Climate Change Institute

Các khoảng thời gian mà hiện tượng thời tiết này hoạt động mạnh nhất trùng khớp hoặc xảy ra ngay trước thời điểm các trận chiến đẫm máu nhất của Thế chiến I diễn ra, theo nghiên cứu. Ảnh: Harvard and Climate Change Institute

Theo Daily Mail, các nhà khoa học tới từ Đại học Harvard, Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Maine và Đại học Nottingham, mới đây phát hiện một hiện tượng thời tiết bất thường góp phần làm "gia tăng đáng kể" thương vong trong Thế chiến I và những năm sau đó.

Tổng cộng, khoảng 8,5 triệu binh sĩ đã chết trong các cuộc chiến diễn ra vào giai đoạn 1914 - 1918, với thiệt hại nặng nề nhất ở các chiến trường Verdun, Somme hay Ypres, do binh lính bị chìm trong bùn hoặc chết vì bệnh dịch.

Theo nghiên cứu, hiện tượng thời tiết bất thường trăm năm có một đã gây mưa và khiến thời tiết lạnh lẽo hơn kéo dài 6 năm, từ năm 1914 đến cuối năm 1919.

Nghiên cứu cho thấy sự bất thường của thời tiết là do một hệ thống áp thấp tồn tại ở Iceland trong nhiều năm, làm thay đổi sự lưu thông của không khí trong khí quyển.

Điều này khiến hơi ẩm bị đẩy qua khắp nơi từ Đại Dây Dương và không khí lạnh bị kéo xuống từ Bắc Cực, gây ra những trận mưa dữ dội và nhiệt độ giảm xuống.

Các khoảng thời gian mà hiện tượng thời tiết này hoạt động mạnh nhất trùng khớp hoặc xảy ra ngay trước thời điểm các trận chiến đẫm máu nhất của Thế chiến I diễn ra, theo nghiên cứu.

Để có bằng chứng, các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều mẫu vật lấy từ sông băng trên dãy Alps, nơi được cho là lưu lại dấu vết của các hiện tượng thời tiết trong băng đá. 

Các nhà khoa học cho rằng thời tiết bất thường bắt đầu khoảng cuối năm 1914, khi Trận chiến Champagne lần thứ nhất và Trận Festubert đang diễn ra, và kéo dài mãi tới năm 1919, một năm sau khi Thế chiến I kết thúc. 

Trong suốt Trận chiến Champagne lần thứ nhất và Trận Festubert, các binh sĩ được cho là phải hứng chịu cảm giác tê cóng của thời tiết giá lạnh. Các rãnh đầy bùn ngập nước "làm chậm sự di chuyển của binh sĩ và các đơn vị pháo binh". 

Tổng hợp lại, các trận đánh này gây ra hơn 165.000 thương vong. Con số này chưa là gì so với các trận chiến sau đó trong Thế chiến I, nhưng nó cho chúng ta biết những gì sắp xảy ra. 

Các nhà nghiên cứu nhận thấy, khoảng thời gian mưa lớn nhất trùng với các đợt gió Bắc Cực mạnh nhất, xảy ra giữa mùa hè năm 1915 và cuối mùa đông năm 1916. Đây cũng là thời điểm trùng với các trận chiến đẫm máu nhất của Thế chiến I. 

Trận Somme và Trận Verdun, 2 trận đánh ác liệt khiến hơn 2 triệu người thương vong, đều diễn ra trong giai đoạn này. Thời tiết xấu kéo dài ở châu Âu tới Gallipoli, Thổ Nhĩ Kỳ - nơi cũng ghi nhận 500.000 người thương vong. 

Chiến trường Trận Somme. Ảnh: Getty Images

Chiến trường Trận Somme. Ảnh: Getty Images

Trận Verdun. Ảnh: Getty Images

Trận Verdun. Ảnh: Getty Images

Binh sĩ Úc Edward Lynch, trong cuốn sách Somme Mud (Tạm dịch: Bùn lầy tại Somme), đã ghi chép lại những điều kiện thời tiết "gần như không thể tin nổi" mà các binh sĩ phải trải qua trong chiến đấu.

"Chúng tôi sống trong một thế giới ngập tràn bùn lầy ở Somme: ăn ngủ, làm việc, chiến đấu hoặc thậm chí là chết cũng gắn với bùn. Chúng tôi thấy tận mắt và nguyền rủa bùn lầy nhưng không thể thoát khỏi nó, ngay cả khi chết", Edward viết. 

Các nhà nghiên cứu lưu ý, "rãnh và hố bom đầy bùn và nước đã "nuốt chửng" mọi thứ từ xe tăng, ngựa cho tới các binh sĩ. Chúng biến chiến trường trở thành cái mà nhiều người vẫn "lạnh sống lưng" khi nhắc tới: "Mồ chôn lỏng". 

Trận Ypres lần thứ ba, hay còn gọi là Trận Passchendaele, (7/1917 - 10/1917) cũng trùng với một đợt mưa lớn. Hình ảnh về trận chiến này thể hiện cho điều kiện chiến đấu thảm khốc trong chiến tranh. 

Các binh sĩ chiến đấu ở chiến trường với địa hình chủ yếu là vũng lầy và gặp vô vàn khó khăn. Cuối cùng, người Anh phải chấp nhận dừng cuộc chiến mà không đạt được lợi ích chiến lược nào. Cuộc chiến khiến các bên tham gia hứng chịu 800.000 thương vong. 

Chiến trường Trận Passchendaele. Ảnh: DM

Chiến trường Trận Passchendaele. Ảnh: DM

Nghiên cứu còn kết luận, hiện tượng thời tiết bất thường còn góp phần làm đại dịch cúm Tây Ban Nha thêm trầm trọng, khiến 3 triệu người chết ở châu Âu và khoảng 50 - 100 triệu người chết trên thế giới thời điểm đó. 

Các nhà khoa học cho rằng, giai đoạn thời tiết giá lạnh, mưa nhiều và chiến tranh vẫn diễn ra là tiền đề cho giai đoạn nguy hiểm nhất của đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. 

Nguyên nhân của đại dịch được cho là xuất phát từ những người lính được chiêu mộ ở châu Á, nơi virus cúm xuất hiện đầu tiên, và lây lan ra khắp các chiến trường. 

Đai dịch cúm Tây Ban Nha khiến khoảng 50 - 100 triệu người chết trên thế giới. Ảnh: DM

Đai dịch cúm Tây Ban Nha khiến khoảng 50 - 100 triệu người chết trên thế giới. Ảnh: DM

Nhưng các nhà nghiên cứu còn cho rằng, một nguyên nhân khác của đại dịch cúm Tây Ban Nha có thể do thời tiết giá lạnh làm gián đoạn việc di cư của loài vịt trời - vật trung gian chính mang virus cúm - khiến chúng ở lại châu Âu. Số vịt trời này làm ô nhiễm nguồn nước, khiến khả năng virus lây lan tăng cao. 

Giáo sư Christopher Loveluck, tới từ Khoa Khảo cổ thuộc Đại học Nottingham, cho biết: "Chúng tôi nhận thấy mối liên hệ giữa các điều kiện ẩm ướt và lạnh giá tỷ lệ thuận với tỷ lệ tử vong, nhất là từ giữa năm 1917 tới giữa năm 1918".

Nghiên cứu kết luận: "Sự phát triển của đại dịch H1N1 trong giai đoạn 1915-1917 mang đến lời cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn của các vùng chiến sự, điều kiện mất vệ sinh, buôn bán động vật hoang dã và các cuộc khủng hoảng nhân đạo như những ổ dịch bệnh, được thúc đẩy bởi yếu tố thời tiết. 

Vai trò của các hiện tượng thời tiết bất thường như mô tả trong nghiên cứu này phải được đánh giá liên quan tới các đại dịch gần đây hơn như Covid-19, lây lan rộng ở Anh trong mùa đông ẩm ướt".

Nguồn: [Link nguồn]

Loại virus từng khiến 50-100 triệu người tử vong và nguyên nhân gây hại khủng khiếp

Một so sánh nhỏ nhưng đủ để thấy mức độ nguy hiểm của đại dịch này: Số người chết do dịch bệnh trong một tháng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - Daily Mail ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN