Chiến tranh Mỹ - Trung có thể nổ ra vì Đài Loan?
Quan hệ giữa Mỹ, Trung Quốc và Đài Loan hiện nay khiến người ta nhớ lại người Mỹ từng thảo luận có nên dùng chiến tranh hạt nhân với Trung Quốc để bảo vệ Đài Loan.
Người đứng đầu Đài Loan, bà Thái Anh Văn
Khi căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang, Đài Loan đang trở thành tâm điểm trong vòng tròn chính sách đối ngoại của Mỹ.
Về phần mình, Đài Loan có vẻ muốn khai thác cơ hội hiếm có này để củng cố quan hệ với Mỹ, “người giám hộ” quan trọng nhất của hòn đảo, để tăng cường vị thế quốc tế của mình.
Trong bài phát biểu mang tính bước ngoặt, báo hiệu một sự thay đổi cơ bản trong chính sách của Mỹ với Trung Quốc, ngày 4.10, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chỉ trích việc Bắc Kinh xua đuổi các đối tác ngoại giao của Đài Loan và ép các công ty nước ngoài ngừng gọi Đài Loan là một quốc gia.
Pence cũng ca ngợi sự phát triển dân chủ của Đài Loan. "Việc đi theo dân chủ của Đài Loan cho thấy một con đường tốt hơn cho tất cả người dân Trung Quốc", ông nói.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence
Vài ngày sau, người đứng đầu Đài Loan, bà Thái Anh Văn cũng có một bài phát biểu ở Đài Bắc, nhấn mạnh phát biểu của ông Pence.
Bắc Kinh đang ngày càng thắt chặt các mối quan hệ quốc tế của Đài Loan. Hòn đảo này đã mất năm đồng minh ngoại giao kể từ khi bà Thái lên nắm quyền vào tháng 5.2016. Nhưng Bắc Kinh càng siết chặt, Washington càng tăng cường hỗ trợ cho hòn đảo, theo SCMP.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện quyết tâm thách thức nguyên tắc “một Trung Quốc” của Bắc Kinh. Là tổng thống vừa đắc cử, Trump đã gây sốc khi đàm phán qua điện thoại với bà Thái. Và bây giờ, với cương vị tổng thống, Trump được vây quanh bởi một đội ngũ cố vấn và trợ lý ủng hộ Đài Loan tại Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc.
Năm nay, Trump đã ký hai đạo luật thể hiện sự hỗ trợ Đài Loan, cả hai đều nhận được sự ủng hộ áp đảo trong Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng kêu gọi gia tăng hỗ trợ quân sự cho Đài Loan trong khi Đạo luật Du lịch Đài Loan khuyến khích các quan chức nội các đến thăm lẫn nhau nhiều hơn. Cả hai đạo luật đều thách thức chính sách "một Trung Quốc".
Theo SCMP, Washington và Đài Bắc có nhiều điểm chung về lý tưởng, giá trị và niềm tin vì cả hai đều có chế độ dân chủ. Họ cũng có mối quan hệ không suôn sẻ với Bắc Kinh.
Về kinh tế, Đài Loan sẽ là kẻ thua cuộc nếu nằm giữa cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và các xung đột khác giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - cũng là các thị trường xuất khẩu và đối tác thương mại hàng đầu của Đài Loan. Tuy nhiên, về mặt chính trị, ngoại giao và chiến lược, chính phủ bà Thái có thể coi đây là cái giá đáng phải trả để đổi lại sự ủng hộ của Nhà Trắng, vì điều này có thể giúp cân bằng áp lực ngoại giao của Bắc Kinh.
Đây không phải lần đầu tiên Đài Loan trở thành vấn đề trọng tâm trong quan hệ Mỹ-Trung. Trong một cuộc tranh luận tranh cử tổng thống Mỹ năm 1960, hai ứng viên John Kennedy và Richard Nixon đã thảo luận về việc liệu Mỹ có nên khởi động một cuộc chiến tranh hạt nhân chống Trung Quốc để bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc dùng vũ lực để đoạt lại hòn đảo.
Trump hiện nay có thể coi vấn đề Đài Loan như một “quân bài” ngày càng có giá trị trong căng thẳng với Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp về vấn đề nhạy cảm về chính trị này vì nước này coi Đài Loan là “lợi ích cốt lõi”, theo SCMP.
Khi Mỹ và Trung Quốc tiến tới khả năng xung đột trực tiếp, Đài Loan nên thận trọng, SCMP cảnh báo. Eo biển Đài Loan nhỏ hẹp có thể là điểm bùng nổ cuộc chiến giữa các quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.
*Bài của Cary Huang, nhà báo cấp cao của tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, người đã viết về các vấn đề Trung Quốc từ những năm 1990.
Gần đây, Mỹ có nhiều động thái cho thấy rõ lập trường của nước này về quan hệ Đài Loan – Trung Quốc.