Chiến tranh Israel - Iran liệu có xảy ra?
Trong bối cảnh quan hệ Israel - Iran đang trở nên căng thẳng sau cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và hàng trăm máy bay không người lái của Iran vào bên trong lãnh thổ Israel hôm 13/4 vừa qua, vụ tấn công bằng máy bay không người lái gần căn cứ quân sự phía Tây Bắc thành phố Isfahan, miền Trung Iran hôm 19/4 đang khiến thế giới lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện lan rộng khắp Trung Đông.
Mặc dù Israel từ chối bình luận thông tin về vụ việc và Chính phủ Iran đã lên tiếng phủ nhận khả năng sẽ tiếp tục tấn công trả đũa của Israel, song bất kỳ động thái quân sự nào từ hai phía, dù vô tình hay cố ý trong thời điểm nhạy cảm hiện nay đều có thể châm ngòi một cuộc chiến khốc liệt, đẩy khu vực Trung Đông chìm sâu vào vòng xoáy bạo lực. Chiến tranh Israel - Iran liệu có thực sự xảy ra và bên nào có thể giành chiến thắng thì không ai có thể dự báo được, nhưng thiệt hại thì sẽ vô cùng to lớn cho cả hai bên.
Làn sóng biểu tình phản đối Israel vẫn sôi sục ở Tehran ngày 19/4.
Tương quan quân sự giữa Iran và Israel
Iran được coi là cường quốc quân sự tại khu vực Trung Đông, xếp ở vị trí thứ hai về sức mạnh quân sự trong tổng số 15 quốc gia Trung Đông và vị trí thứ 14 trên thế giới theo tổ chức phân tích quốc phòng Global Firepower. Hiện nay, Iran có quân đội thường trực khoảng 580.000 quân, trong đó bao gồm 230.000 quân tinh nhuệ thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng hồi giáo Iran (IRGC) và khoảng 200.000 quân dự bị để huy động trong trường hợp khẩn cấp.
Ngân sách quốc phòng năm 2024 ước tính khoảng 10 tỉ USD. Trong nhiều thập kỷ, Iran theo đuổi chiến lược quân sự răn đe, tập trung vào nghiên cứu, phát triển các loại tên lửa tầm xa và chính xác, máy bay không người lái và hệ thống phòng không. Iran cũng xây dựng được lực lượng hạm đội khoảng 101 tàu các loại, bao gồm 23 tàu ngầm chiến thuật, tàu ngầm tấn công lớp Kilo Type 877 và các tàu cao tốc đông đảo có khả năng kiểm soát hoặc làm gián đoạn giao thông vận tải và nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu đi qua vịnh Ba Tư và eo biển Hormuz.
Các loại tên lửa do Iran phát triển gồm tên lửa hành trình, tên lửa chống hạm và tên lửa đạn đạo có tầm bắn lên tới 2.000 km hoặc hơn 1.200 dặm, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, đủ sức tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Trung Đông, bao gồm cả Israel. Bên cạnh đó, Teheran cũng chế tạo được số lượng lớn máy bay không người lái với tầm hoạt động khoảng 1.200 đến 1.550 dặm, có khả năng bay thấp để tránh radar, tiêu biểu trong số đó là “Shahed 149 Gaza” được phát triển năm 2021 có khả năng mang theo 13 quả bom dẫn đường chính xác với tầm bay 2.500 km hoặc những chiếc UAV phổ biến hơn như các dòng Shahed 129, Shahed 136, Shahed 171 Simorgh, Shahed 191 Saegheh-2 đã từng được lực lượng Houthi sử dụng để tấn công các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia năm 2019 và triển khai tại chiến trường Syria.
Theo các chuyên gia, Iran hiện nay đang sở hữu kho tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái lớn nhất Trung Đông với cấu trúc phức tạp, nằm rải rác, chôn sâu dưới lòng đất và được tăng cường phòng không khiến chúng khó bị tiêu diệt bằng các cuộc không kích.
Tuy nhiên, lực lượng không quân Iran được đánh giá là điểm yếu lớn nhất của nước này khi chỉ sở hữu 366 máy bay chiến đấu các loại, trong đó chỉ có vỏn vẹn 28 chiếc Mig-29 được trang bị tiệm cận với thế hệ máy bay chiến đấu mới, còn lại phần lớn là các loại máy bay chiến đấu cũ có từ những năm 1941-1979 đã bị vô hiệu hóa vì thiếu phụ tùng thay thế và các phi đội 20 chiếc F5B, 60 chiếc F5E Tiger II già nua không được bảo dưỡng thường xuyên do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt.
So với Iran, Israel đứng thấp hơn 3 bậc trong bảng xếp hạng về sức mạnh quân sự, khi chỉ đứng thứ 4 tại khu vực Trung Đông và thứ 17 trên thế giới. Quy mô quân đội của Israel cũng khiêm tốn hơn với 170.000 quân chính quy và 465.000 quân dự bị. Với dân số 10 triệu so với 89 triệu của Iran, lực lượng dự bị của Israel để huy động tham gia cuộc chiến ít hơn rất nhiều so với đối thủ, chỉ có 3 triệu so với 41 triệu của Iran. Hải quân Israel chỉ có 67 tàu các loại, trong đó chỉ có 5 tàu ngầm lớp Dolphin, 7 tàu hộ tống, 8 tàu tên lửa, 45 tàu tuần tra và 2 tàu hỗ trợ.
Mặc dù có số lượng hạn chế, nhưng Israel đã đầu tư xây dựng được lực lượng quân đội tinh nhuệ với nhiều trang bị khí tài hiện đại nhất. Chỉ riêng chi ngân sách quốc phòng năm 2024 ước tính khoảng 24 tỉ USD, gấp 2,5 lần ngân sách quốc phòng của Iran. Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) gồm các quân đoàn bộ binh, thiết giáp, pháo binh với khoảng 126.000 quân tại ngũ được trang bị các loại khí tài chiến tranh hiện đại nhất như xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava, xe bọc thép chở quân Achzarit và hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt.
Theo ước tính, lực lượng tăng thiết giáp và pháo binh của IDF có quy mô lên đến 2.200 xe tăng, 56.000 xe thiết giáp và 1.200 hệ thống pháo các loại. IDF cũng được đánh giá thiện chiến và có nhiều kinh nghiệm do tham gia vào tất cả các hoạt động quân sự lớn do Israel tiến hành, trong đó có Chiến tranh Arab - Israel năm 1948, Khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, Chiến tranh 6 ngày 1967 và hiện nay là xung đột vũ trang với Hamas.
Israel có ưu thế hơn hẳn so với Iran về không quân, với quy mô lực lượng không quân khoảng 34.000 quân nhân tại ngũ và sở hữu 684 máy bay thuộc các loại hiện đại nhất hiện nay như A-4 Skyhawk, F4 Phantom II, F15 Eagle, F-16 Fighting Falcon và F35 Lightning II. Cán cân này cho thấy không quốc gia nào nắm giữ lợi thế hoàn toàn, mỗi bước tính sai lầm và vội vàng từ Iran - Israel đều có thể dẫn đến một cuộc xung đột trực diện giữa hai bên mà cái giá phải trả có lẽ sẽ nặng nề, khốc liệt hơn mọi dự tính.
Hệ thống Vòm Sắt của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Dải Gaza.
Cả hai bên thực sự muốn phát động cuộc chiến?
Một cuộc xung đột trực diện giữa Iran - Israel có thể khiến chiến tranh lan rộng ra toàn khu vực Trung Đông, khi mà cả hai bên đều xây dựng được các mối quan hệ, liên minh quân sự, hậu thuẫn chặt chẽ tại khu vực. Lực lượng Quds thuộc IRGC của Iran đã xây dựng được nhiều đội quân ủy nhiệm có tên gọi “trục kháng chiến” bao gồm nhiều lực lượng nổi bật như Hezbollah ở Lebanon, phiến quân Houthi ở Yemen, phiến quân Hamas ở Gaza, mặc dù các lực lượng dân quân ủy nhiệm này không được chính thức công nhận là một phần của lực lượng vũ trang Iran, nhưng các nhà phân tích cho rằng họ là một lực lượng đồng minh quan trọng trong khu vực, trung thành về tư tưởng, được trang bị vũ khí mạnh mẽ và sẵn sàng chiến đấu, hỗ trợ Iran nếu bị tấn công. Trong khi đó, Israel có sự hỗ trợ hiệu quả từ đồng minh Mỹ, có thỏa thuận hòa bình với một số quốc gia Arab thông qua Hiệp định Abraham, trong khi nhiều nước Arab khác có quan hệ không mấy tốt đẹp với Iran.
Trên thực tế, Chính phủ Israel và Iran dường như đều cố gắng kiềm chế, lựa chọn hành động phản ứng ở mức độ vừa phải nhằm giữ thể diện và tránh một cuộc leo thang căng thẳng có thể dẫn đến nguy cơ xung đột toàn diện. Theo ông Afshon Ostoav, phó giáo sư về các vấn đề an ninh quốc phòng tại trường đào tạo sau đại học của hải quân Mỹ: “Có lý do mà đến nay Iran vẫn chưa bị tấn công. Không phải do các đối thủ của Iran sợ họ, mà là vì các nước ấy nhận ra cuộc chiến với Iran sẽ là một cuộc chiến cực kỳ nghiêm trọng”. Đó là lý do tại sao Mỹ và Israel trong những năm qua tránh những cuộc tấn công quân sự trực tiếp vào Iran. Xung đột với Iran lúc này có thể khiến Israel lâm vào tình thế “lưỡng đầu thọ địch”, thậm chí nhận thất bại vì đối đầu với một đội quân có năng lực quân sự cao như Iran sẽ khác xa hoàn toàn so với phiến quân hồi giáo Hamas.
Đối với Iran, sa lầy vào cuộc chiến với Israel trong bối cảnh hiện nay có lẽ không phải là một lựa chọn khôn ngoan, nhất là trong bối cảnh Iran đang bị Mỹ và đồng minh áp đặt lệnh bao vây, cấm vận mạnh mẽ liên quan đến các chương trình hạt nhân, bằng chứng là việc Iran đã có tính toán kỹ lưỡng khi lựa chọn phương án đáp trả cuộc không kích của Israel nhằm vào Lãnh sự quán Iran tại Syria hôm 1/4 khiến 7 người thiệt mạng. Theo đó, Iran đã phát động chiến dịch trả đũa mang tên “Lời hứa chân thật” để tập kích Israel vào đêm 13 rạng sáng 14/4 với hơn 300 máy bay không người lái tự sát và tên lửa đạn đạo, tuy nhiên nước này đã chủ động thông báo trước 72 giờ cho phía Mỹ và một số nước láng giềng xung quanh. Điều này giúp Israel và đồng minh đánh chặn được hầu hết các tên lửa và máy bay không người lái, hạn chế tối đa thương vong ngoại trừ một bé gái 10 tuổi bị mảnh vỡ tên lửa rơi vào đầu. Thông qua phái đoàn tại Liên hợp quốc, Iran cho biết cuộc tấn công nhằm mục đích trừng phạt tội ác của Israel và được coi là đã kết thúc “trừ khi Israel có thêm động thái nào khác”.
Giới quan sát cho rằng, động thái của Iran đã đạt được nhiều mục đích khi vừa giữ được thể diện trong việc “đáp trả cứng rắn các hoạt động của Israel”, vừa răn đe, ngăn chặn Israel có những hành động tương tự trong tương lai, đồng thời gây áp lực lên các cường quốc phương Tây để ngăn chặn phản ứng quy mô lớn của Israel dẫn đến vòng xoáy bạo lực. Chính phủ Iran cũng đã chính thức lên tiếng bác bỏ khả năng tập kích trả đũa từ phía quân đội Israel liên quan đến cuộc tấn công bằng máy bay không người lái tại căn cứ quân sự Isfahan, miền Trung Iran hôm 19/4 vừa qua. Điều này cho thấy Iran và Israel đang phản ứng hết sức thận trọng trước các động thái quân sự từ cả hai phía.
Giải pháp nào để hạ nhiệt căng thẳng?
Chưa thể xác định được lựa chọn đáp trả từ phía Israel và liệu kịch bản chiến tranh Israel - Iran có trở thành sự thật. Tuy nhiên, các giải pháp đàm phán nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước đang được được cộng đồng quốc tế kêu gọi thực hiện. Tổng thống Mỹ kêu gọi Israel kiềm chế và cho biết sẽ không tham gia vào bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào lãnh thổ Iran. Ngoại trưởng Italy kêu gọi các bên “hạ nhiệt triệt để” và cẩn trọng không để xảy ra leo thang căng thẳng, trong khi Thứ trưởng Ngoại giao Pháp Jean Noel Barot đưa ra thông điệp tương tự.
Bắc Kinh khẳng định sẵn sàng “tiếp tục đóng vai trò xây dựng để giảm căng thẳng” tại Trung Đông, nhấn mạnh Trung Quốc phản đối mọi hành động leo thang căng thẳng. Thay vì tấn công quân sự, việc giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp ngoại giao, đàm phán là giải pháp khả thi mà các bên cần tính đến trong bối cảnh hiện nay và phù hợp với yêu cầu từ cộng đồng quốc tế. Nếu thực sự phải xảy ra một cuộc chiến tranh, dù Israel hay Iran thắng cuộc, thiệt hại nhiều nhất vẫn thuộc về những người dân Trung Đông vô tội.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhìn lại những sự kiện "châm dầu vào lửa" đẩy căng thẳng Iran-Israel leo thang.