“Chiến tranh Emu” kỳ lạ nhất nước Úc: Quân đội thất trận trước loài chim khổng lồ ra sao?
Ở Úc, một con Kangaroo to khỏe thừa sức hạ gục một người trưởng thành. Tuy nhiên, quân đội Úc chưa bao giờ phát động cuộc chiến nào nhằm vào loài thú có túi to lớn này. Thay vào đó, những khẩu súng máy được chĩa vào emu – loài chim có vẻ ngoài thân thiện nhưng sức tàn phá lại vô cùng khủng khiếp.
Chuột túi và chim emu – 2 loài động vật xuất hiện trên quốc huy Úc (ảnh: Australiangeographic)
Sau Thế chiến I, hàng nghìn cựu binh Úc trở về đất nước trong tình trạng thất nghiệp. Chính phủ Úc giải quyết vấn đề này bằng cách cấp cho cựu binh đất nông nghiệp để họ trồng lúa mì và nuôi gia súc (chủ yếu là cừu). Tính đến tháng 9.1920, khoảng 90.000 ha đất đã được cấp, nhưng số cựu binh không có công ăn việc làm vẫn còn nhiều. Chính phủ Úc buộc phải cấp quyền khai hoang đất cho họ và hứa hẹn sẽ thu mua nông sản, gửi tới những khoản trợ cấp xứng đáng, theo Australiangeographic.
Năm 1929, cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra khiến giá lúa mì sụt giảm nghiêm trọng. Trong tình trạng suy thoái kinh tế, Úc không giữ được lời hứa thu mua nông sản ban đầu. Giá lúa mì vì vậy liên tục giảm. Tháng 10.1932, nông dân Úc (bao gồm nhiều cựu binh) hăm dọa, họ sẽ không bán một bông lúa nào cho chính phủ Úc.
Trong khi nông dân Úc nghĩ rằng mình đang rơi vào cảnh không thể tồi tệ hơn, thứ tồi tệ thực sự đã đến – chim emu.
Emu là giống chim to lớn bậc nhất thế giới. Con trưởng thành có thể cao tới 1,8 mét. Vì kích thước đồ sộ, loài chim này không thể bay. Bù lại, chúng chạy nhanh và ăn rất khỏe. Trước năm 1923, emu được coi là giống chim biểu tượng của Úc và được bảo vệ. Tuy nhiên, khi hàng chục nghìn con chim emu tụ lại thành đàn và phá phách mùa màng, chúng bị coi là động vật gây hại, theo Nomadsworld.
Trước khi nói đến sự tàn phá của emu, phải nói về sai lầm của những cựu binh thiếu kinh nghiệm làm nông dân của Úc. Họ đã không tính đến tập tính của emu. Loài chim này thường có xu hướng di cư tới các khu vực ven biển khi vùng nội địa cạn kiệt thức ăn. Khi vùng ven biển hết thức ăn, chúng lại quay về nội địa. Cuối năm 1932, nông dân Úc phải đối phó với sự xâm lấn của hơn 20.000 con chim emu.
Emu – giống chim khổng lồ của nước Úc (ảnh: Footnotinghistory)
Nông dân Úc rõ ràng rất không vui khi những cánh đồng lúa mì, hoa màu của họ bị chim emu phá hủy. Những con emu cũng phá hỏng hàng rào chống thỏ, khiến lũ thỏ xâm nhập các trang trại và tàn phá mùa màng.
Trước sức ăn của emu và thỏ, nhiều cánh đồng lúa mì ở Úc đang tươi tốt có thể trở thành đất hoang chỉ sau 1 đêm. Theo thống kê, emu – giống chim nổi tiếng vụng về – thường giẫm nát 100 cây lúa trước khi ăn được 1 cây. Sự tấn công của emu khiến nhiều nông dân Úc phá sản và phải cầu cứu sự giúp đỡ của chính phủ.
Theo History, tháng 11.1931, George Pearce – Bộ trưởng Quốc phòng Úc – ra lệnh cho Thiếu tá G. Meredith thuộc Lực lượng Hoàng gia Úc chỉ huy lực lượng tiêu diệt chim emu. Ông Pearce cho rằng, đây là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh quân đội và thu hút sự ủng hộ của các cử tri ở nông thôn. Với 2 súng máy và 1 máy quay phim, Meredith được lệnh chấm dứt mối họa emu và mang về 100 bộ lông chim để gắn vào mũ cho kỵ binh.
Nhiều nông dân Úc xuất thân là cựu binh rất hào hứng với quyết định của Bộ trưởng Quốc phòng Pearce. Là những cựu quân nhân, họ hiểu rõ hơn ai hết sức mạnh của súng máy.
Ngày 1.11.1931, Meredith cùng lực lượng của mình đến thị trấn Campion, bang Tây Úc “dẹp loạn”. Vũ khí chủ lực của họ là 2 súng máy Lewis có tốc độ bắn 500 – 600 viên đạn/phút cùng 10.000 viên đạn. Thời bấy giờ, Lewis còn được gắn trên máy bay chiến đấu. Chiến thuật của quân đội Úc rất đơn giản: Tiếp cận bầy emu và xả tự do cho tới khi hết đạn.
Một đàn emu có sức tàn phá khủng khiếp đối với mùa màng (ảnh: footnotinghistory)
Tuy nhiên, bầy emu “xảo quyệt” hơn các binh sĩ Úc nghĩ. Với tốc độ cao, chúng chạy né đạn một cách khéo léo và lẩn rất nhanh vào rừng. Một số con trúng đạn nhưng chỉ bị thương nhờ khối bắp rắn chắc và lớp lông dày. Bầy emu cũng có “chiến thuật riêng”. Khi ăn, chúng “cắt cử” một con cao lớn có nhiệm vụ canh cho cả bầy. Nếu phát hiện nhiều người áp sát, con chim cảnh giới phát tín hiệu và cả đàn emu đua nhau tháo chạy.
Ngày 2.11, Meredith và đồng đội diệt được 12 con emu. Ngày 4.11, nhờ chiến thuật mai phục, họ tiếp cận một đàn hơn 1.000 con emu, nhưng 2 khẩu Lewis bất ngờ bị hóc đạn.
Meredith nhanh trí mượn một chiếc xe tải, gắn súng máy lên thùng xe và tự khai hỏa. Tuy nhiên trong địa hình gồ ghề, xe tải không phải đối thủ của chim emu. Chiếc xe của thiếu tá Meredith nhanh chóng mất thăng bằng và đâm vào một hàng rào. Không có ai bị thương quá nặng sau vụ việc.
Đến ngày 8.11, Meredith báo cáo đã bắn hơn 2.500 viên đạn, nhưng số emu bị tiêu diệt không quá 200 con, Australiangeographic cho hay.
“Nếu Úc có lực lượng gồm những con emu được trang bị vũ khí, chúng ta có thể đánh bại mọi đội quân trên thế giới. Lũ chim này đủ sức đối phó với súng máy và khả năng chịu đựng ngang xe tăng”, Meredith nêu trong báo cáo với cấp trên.
Trước sự tốn kém và thiếu hiệu quả của “chiến dịch”, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Pearce đã ra lệnh rút quân. Truyền thông Úc cũng phản đối “cuộc chiến” này, cho rằng quân đội đang thảm sát loài chim biểu tượng của Úc.
Quân đội Úc chiến đấu chống lại chim emu (ảnh: History)
Đàn emu tiếp tục mặc sức tung hoành sau khi quân đội Úc rút lui. Nông dân Úc, bao gồm nhiều cựu binh có quan hệ tốt với quân đội, đã gây sức ép, buộc ông Pearce khởi động lại chiến dịch chống emu với lực lượng lớn hơn. Thiếu tá Meredith một lần nữa được điều động.
Cấp trên đánh giá Meredith là người duy nhất trong quân đội có kinh nghiệm đối phó với emu. Đến giữa tháng 12.1931, Meredith báo cáo đã bắn hạ 986 con chim bằng 9.860 viên đạn. Trung bình, cần 10 viên đạn để hạ một con emu. Meredith được lệnh rút quân vì làm việc thiếu hiệu quả. Bộ Quốc phòng Úc sau đó im lặng trước yêu cầu tiêu diệt đàn emu của nông dân, theo Scienceabc.
“Sự ảo tưởng của những tay súng máy khi chĩa hỏa lực vào mẹ thiên nhiên đã tan thành mây khói. Bộ chỉ huy emu rõ ràng đã thành công trong việc áp dụng lối đánh du kích, cơ động cao. Những binh sĩ emu nhanh chóng tản ra thành các nhóm nhỏ, khiến quân đội Úc thiệt hại nặng về vũ khí và tài chính. Chỉ trong khoảng 1 tháng, bộ chỉ huy emu đã đánh bại quân Úc”, Dominic Serventy – nhà điểu học người Úc bình luận một cách hài hước về “chiến tranh emu”.
Một bài báo viết về “chiến tranh emu” ở Úc (ảnh: ABC)
Thay vì sử dụng quân đội đối phó emu, chính phủ Úc chọn biện pháp hợp lý hơn: Để nông dân tự giải quyết vấn đề của chính họ. Hàng trăm khẩu súng được phát cho nông dân Úc. Trong 6 tháng đầu năm 1934, hơn 57.000 con emu đã bị hạ. Đàn emu rút chạy ra bờ biển và trật tự được khôi phục.
20 năm sau, chính quyền bang Tây Úc khởi động tự án xây hàng rào dài 217 km để ngăn lũ chim emu.
Giới sử học cho rằng, “chiến tranh emu” năm 1931 là lần đầu tiên trong lịch sử, có loài chim đánh bại quân đội con người.
Loài emu vẫn sống ổn định ở Úc cho đến ngày nay, với số lượng được kiểm soát. Chúng dường như đã quên “mối thù hằn” cũ và đang chung sống hòa thuận với con người.
Không thể áp dụng nguyên tắc phòng thủ tập thể của NATO cho Ukraine, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho hay.
Nguồn: [Link nguồn]