Chiến tranh bán đảo Triều Tiên bùng nổ ngay đầu năm 2018?

Những diễn biến căng thẳng và liên tiếp trên bán đảo Triều Tiên khiến giới cố vấn Bắc Kinh dự đoán chiến tranh ở khu vực này có thể bùng nổ ngay đầu năm 2018 nhất là khi Trung - Mỹ chưa có sự đồng thuận.

Năm 2017 chứng kiến tốc độ phát triển tên lửa và hạt nhân nhanh chóng của Bình Nhưỡng, thậm chí vượt ngoài mức dự đoán của giới chuyên gia cũng như đẩy bán đảo Triều Tiên vào vòng xoáy căng thẳng lớn nhất trong nhiều thập niên qua.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), đây là lý do khiến giới cố vấn Bắc Kinh dự đoán chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có thể bùng nổ ngay đầu năm 2018.

Chiến tranh bán đảo Triều Tiên bùng nổ ngay đầu năm 2018? - 1

Giới cố vấn Bắc Kinh nhận định chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên có thể bùng nổ ngay đầu năm 2018.

Trong một năm qua, Triều Tiên đã tiến hành tới 16 vụ thử tên lửa và cho phóng 23 tên lửa các loại. Hồi tháng Chín, Bình Nhưỡng đã thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 liên quan tới bom nhiệt hạch (bom H) với sức nổ lớn nhất so với 5 vụ thử trước. Hành động của Triều Tiên đã buộc Liên Hợp Quốc (LHQ) liên tiếp gia tăng lệnh cấm vận. Đặc biệt, Trung Quốc, đồng minh thân thiết nhất của Triều Tiên cũng đã lên tiếng ủng hộ lệnh cấm vận sau khi Mỹ gia tăng sức ép yêu cầu Bắc Kinh có thêm động thái nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên cũng đã đẩy quan hệ Mỹ – Trung trở nên ngày càng phức tạp. Nhằm tăng cường hiệu quả thực thi các lệnh trừng phạt với Triều Tiên, trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã "dội bom" cáo buộc Trung Quốc không chịu giúp Washington kiềm chế Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, hành động này đã giúp Mỹ nhận được sự đồng thuận của Trung Quốc đối với vòng trừng phạt Triều Tiên đầu tiên mà Hội đồng Bảo an LHQ đưa ra dưới thời chính quyền của Tổng thống Trump và có hiệu lực thi hành hồi tháng Sáu. Theo đó, lệnh trừng phạt của LHQ nhắm tới các công ty Trung Quốc có mối liên hệ tài chính bị cáo buộc hỗ trợ chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Thậm chí, cuối tháng Sáu, Washington có thêm hành động gây hấn đối với mối quan hệ Mỹ – Trung khi đơn phương áp đặt lệnh trừng phạt với các cá nhân, các công ty và một ngân hàng Trung Quốc.

Về phần mình, Trung Quốc đã ủng hộ lệnh trừng phạt mà LHQ áp đặt với Triều Tiên. Cụ thể, Trung Quốc đồng thuận cấm xuất khẩu gần 90% các sản phẩm dầu mỏ tinh chế sang Triều Tiên. 

Hồi tháng Hai, Trung Quốc cũng đã cắt đứt hoạt động nhập khẩu than đá từ Triều Tiên. Trong khi đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Triều Tiên. Hoạt động nhập khẩu các mặt hàng của Triều Tiên vào Trung Quốc cũng giảm mạnh, tác động lớn tới doanh thu của các nhà buôn ở biên giới Trung – Triều.

Nhưng ngay cả khi phải hứng chịu hàng loạt sức ép từ cộng đồng quốc tế, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục thử nghiệm tên lửa bao gồm vụ thử thành công lần đầu tiên một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) hồi tháng Bảy và vụ phóng ICBM Hwangsong-15 hôm 29/11. Theo giới phân tích, ICBM Hwangsong-15 có tầm bắn lên tới 13.000 km. Với tầm bắn này, toàn bộ lãnh thổ Mỹ nằm trọn trong phạm vi tấn công của tên lửa Triều Tiên.

Trong bối cảnh các cuộc thảo luận liên quan tới phương án tấn công quân sự để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên ngày một nhiều, giới chuyên gia dự đoán tình hình căng thẳng có thể “leo thang thành chiến tranh” ngay trước khi Trung – Mỹ đạt được sự đồng thuận về phương án chung tay giải quyết các vấn đề liên quan tới Bình Nhưỡng. 

Tiếp sau lệnh cấm nhập khẩu than đá hồi tháng Hai, tới tháng Tám, Trung Quốc ra tuyên bố áp đặt thêm hàng rào cấm vận mới liên quan tới các mặt hàng sắt, quặng sắt và hải sản của Triều Tiên.

SCMP dẫn nguồn tin hải quan cho hay,hoạt động xuất khẩu điện, các sản phẩm dầu mỏ và khí đốt sang Triều Tiên đã giảm mạnh trong khi các mặt hàng thực phẩm như ngô và chuối từ Trung Quốc chuyển sang Triều Tiên vẫn tăng mạnh. Ngoài ra, Triều Tiên vẫn tăng cường xuất khẩu các mặt hàng dệt may sang Trung Quốc do lệnh cấm nhập khẩu than đá của Bắc Kinh đẩy kinh tế Bình Nhưỡng vào cảnh lao đao.

Các cơ sở kinh doanh của Triều Tiên tại Trung Quốc như nhà hàng cũng đã bị yêu cầu đóng cửa ngừng hoạt động. Thậm chí, lao động Triều Tiên tại Trung Quốc bị cho sẽ phải về nước vào tháng tới sau khi chính quyền Trung Quốc ra lệnh tất cả cơ sở kinh doanh Triều Tiên phải đóng cửa trong vòng 120 ngày kể từ ngày 11/9. Đây cũng chính là ngày Hội đồng Bảo an công bố loạt trừng phạt mới nhằm vào Bình Nhưỡng sau khi Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân.

Chiến tranh bán đảo Triều Tiên bùng nổ ngay đầu năm 2018? - 2

Dưới sức ép cấm vận của cộng đồng quốc tế, Triều Tiên vẫn không ngừng thử hạt nhân và tên lửa.

Trong bối cảnh bất ổn không ngừng leo thang trên bán đảo Triều Tiên, Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định không cho phép xảy ra chiến tranh hay tình trạng hỗn loạn ở khu vực này. Đây cũng chính là lý do giới học giả và quan chức Trung Quốc cho rằng, Bắc Kinh cần có phương án để đối phó trong tình huống xấu nhất. Về phần mình, do khẳng định phương án tấn công quân sự vẫn đang nằm trên bàn thảo luận, phía quân đội Mỹ hiện tăng cường liên lạc với đối tác Trung Quốc để kiểm soát tình hình nhằm tránh xảy ra xung đột đáng tiếc.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia phân tích cho rằng, lệnh trừng phạt của LHQ sẽ chỉ "chọc giận" thêm và càng khiến Triều Tiên quyết tâm tiến tới sở hữu vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh việc đồng thuận với cộng đồng quốc tế gia tăng lệnh trừng phạt với Triều Tiên, quân đội Trung Quốc còn cho tiến hành nhiều cuộc tập tận ở biển Hoa Đông và Hoàng Hải, khu vực nằm gần bán đảo Triều Tiên. Theo giới phân tích, các đợt diễn tập quân sự của Trung Quốc là “lời cảnh báo” tới cả Triều Tiên và Mỹ. 

Giới phân tích Trung Quốc cũng thừa nhận, Bắc Kinh đã mất khả năng kiểm soát quốc gia láng giềng và từng là đồng minh thân thiết một thời Triều Tiên. Đây là lý do hôm 6/12, nhật báo Cát Lâm đã cho đăng nguyên một trang nói về cách ứng phó trong một cuộc tấn công hạt nhân. Các nhà khoa học Trung Quốc còn cảnh báo khả năng bãi thử hạt nhân Punggye-ri nằm ngay sát biên giới Trung – Triều có thể bị sập, gây ra tình trạng phát tán phóng xạ sang tỉnh Cát Lâm. 

Ai là nạn nhân đầu tiên nếu chiến tranh Triều Tiên xảy ra?

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chia sẻ quan điểm của ông về vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thu - Lược dịch (Infonet)
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN