Chiến thuật hiệp đồng giúp Nga khắc chế pháo binh Ukraine
Nga dùng UAV kết hợp pháo binh trong hình thức tác chiến mới, giúp khắc chế chiến thuật "bắn rồi chạy" và phân tán lực lượng của Ukraine.
Trung tâm Phân tích Lịch sử và Nghiên cứu Xung đột (CHACR), có trụ sở tại Anh, tuần này công bố báo cáo cho rằng pháo binh Nga đã thay đổi đáng kể, không còn dựa vào ưu thế số lượng để đánh bại mục tiêu mà đã trở thành lực lượng tinh gọn và chính xác hơn.
"Kinh nghiệm từ hơn 3 năm chiến sự đã giúp Nga cải cách học thuyết quân sự, trong đó hoạt động phản pháo nhanh nhẹn và tinh vi hơn nhiều, làm giảm đáng kể hiệu quả tác chiến của pháo binh Ukraine. Những thay đổi này có thể đặt ra mối đe dọa với lực lượng NATO nếu hai bên xảy ra xung đột trong tương lai", Sam Cranny-Evans, thành viên CHACR, cho biết trong báo cáo.
Pháo tự hành Zuzana-2 Ukraine bị phá hủy sau khi trúng đạn của lựu pháo Nga trong video công bố ngày 13/4. Video: Telegram/The_Wrong_Side
Quân đội Nga suốt nhiều năm vẫn áp dụng học thuyết kế thừa từ Liên Xô, trong đó huy động lượng lớn hỏa lực pháo binh để chế áp đối phương, với các tiểu đoàn lựu pháo và pháo phản lực chuyên biệt cho nhiệm vụ này.
"Phương Tây gọi chiến thuật đó là phản pháo chủ động, nhằm mục tiêu gây áp lực liên tục lên pháo binh đối phương. Ưu thế hỏa lực là yếu tố cần thiết để bảo đảm chiến thuật thành công", Cranny-Evans giải thích.
Phương thức này phát huy tác dụng khi đối mặt với đối phương tập trung nhiều lực lượng ở một khu vực địa lý nhất định. "Cách tiếp cận ban đầu của Nga tương đối hiệu quả khi Ukraine tập trung các khẩu đội pháo và sở chỉ huy trong một khu vực. Pháo binh càng phát huy tối đa uy lực nếu mục tiêu tập trung trên đồng bằng rộng lớn như chiến trường Ukraine", đánh giá của CHACR có đoạn.
Quân đội Ukraine sau đó áp dụng chiến thuật phân tán pháo binh ở nhiều vị trí khác nhau rồi cùng khai hỏa nhằm vào một địa điểm. Điều này khiến Nga mất nhiều thời gian để xác định mục tiêu, cũng như đòi hỏi lượng đạn lớn hơn để tấn công các trận địa Ukraine.
"Một khẩu pháo đơn lẻ của đối phương không phải mục tiêu đáng giá để cả khẩu đội Nga đồng loạt khai hỏa, nhất là khi nguồn cung đạn bị hạn chế. Tuy nhiên, Moskva đã sớm tìm ra giải pháp đối phó chiến thuật này", chuyên gia Anh cho hay.
Theo Cranny-Evans, dân quân thân Nga ở vùng Donbass, gồm tỉnh Donetsk và Lugansk, hồi năm 2014 từng dùng máy bay không người lái (UAV) chỉ thị mục tiêu cho pháo binh, phá vỡ đội hình của ba lữ đoàn Ukraine.
Pháo tự hành 2S7M Nga tập kích mục tiêu Ukraine tại tỉnh Donetsk với hỗ trợ từ UAV Orlan-30. Video: BQP Nga
Các tổ trinh sát pháo binh của dân quân Donbass được coi là tiền thân cho đơn vị tương tự mà Nga đang triển khai. Những tổ trinh sát hiện nay dùng UAV và thiết bị bay không người lái (drone) cỡ nhỏ để cung cấp dữ liệu mục tiêu theo thời gian thực, giúp pháo binh và tên lửa Nga tấn công đối phương trước khi họ kịp sơ tán khỏi trận địa.
Trong những loại UAV Nga triển khai, Orlan-30 được đánh giá là phi cơ nguy hiểm nhất cho pháo binh Ukraine vì chúng được trang bị hệ thống laser để chỉ thị mục tiêu cho đạn pháo dẫn đường Krasnopol.
"UAV Orlan-30 có thể hoạt động liên tục trong 8 tiếng và truyền video ở khoảng cách đến 120 km. Điều này cho phép Orlan-30 hoạt động sâu trong hậu phương Ukraine hoặc quần thảo trong thời gian dài trên tiền tuyến", báo cáo của CHACR có đoạn.
Bên cạnh UAV liên tục quần thảo, pháo binh Nga còn triển khai nhiều radar phản pháo và cảm biến âm thanh để phát hiện vị trí khẩu đội Ukraine.
Quá trình phản pháo bắt đầu khi UAV Nga phát hiện tia lửa đầu nòng, tín hiệu nhiệt và khói thuốc súng từ trận địa pháo Ukraine, hoặc radar và cảm biến phát hiện những quả đạn đang lao tới. Lực lượng Nga có thể phóng UAV tự sát Lancet hoặc chuẩn bị đạn pháo dẫn đường để đối phó.
Nếu khẩu đội pháo Ukraine thực hiện chiến thuật "bắn và chạy" nhằm tránh bị phản pháo, họ sẽ bị Lancet tấn công trong lúc thu hồi khí tài hoặc trên đường di chuyển. Với trường hợp đối phương bám trụ trận địa, UAV Orlan-30 có thể dẫn đường cho đạn pháo Krasnopol hoặc chỉ thị cho UAV Lancet phá hủy công sự mục tiêu.
Lostarmour, trang phân tích thông tin tình báo dựa trên các nguồn công khai có trụ sở tại Nga, cho biết UAV Lancet đã tập kích hơn 3.100 phương tiện chiến đấu của Ukraine. Gần một nửa trong số này là khí tài pháo binh, gồm 566 pháo tự hành, 857 pháo kéo và 77 pháo phản lực.
"Điều này cho thấy số lượng vụ tập kích của Lancet đang gia tăng, cũng như tầm quan trọng của mẫu UAV này trong hoạt động phản pháo và tác động của nó đối với quân đội Ukraine", đánh giá của CHACR có đoạn.
Pháo binh Nga tập kích vị trí Ukraine tại tỉnh Donetsk tháng 12/2024. Ảnh: BQP Nga
Nga đã triển khai khoảng 5.000 khẩu pháo các loại cho xung đột, đủ để yểm trợ các chiến dịch tiến công và tiến hành những cuộc đấu pháo với Ukraine. Lực lượng Nga cũng đang tiếp tục phát triển năng lực phản pháo, trong đó cải thiện mức độ tự động hóa và kết nối dữ liệu để giảm thời gian phản ứng.
"Có bằng chứng cho thấy UAV và lựu pháo Nga đang tạo nên hình thức phản pháo mới, trong đó mỗi khẩu pháo riêng biệt có thể sử dụng đạn dẫn đường và UAV chỉ thị để chủ động tìm diệt đối phương", chuyên gia Cranny-Evans nêu quan điểm.
Cranny-Evans cảnh báo rằng pháo binh NATO rất dễ tổn thương khi phải đối mặt năng lực phản pháo kiểu mới của Nga. Khả năng đối phó UAV của quân đội các nước thành viên NATO chưa được kiểm chứng, đặc biệt khi đối mặt với lượng lớn phương tiện bay không người lái.
"Dù sở hữu sức mạnh lớn hơn nhiều lần so với Ukraine, không quân NATO cũng khó tự do săn lùng pháo binh Nga do lưới phòng không dày đặc. Khó khăn do phòng không gây ra đã thể hiện rõ trong xung đột Ukraine, trong đó không bên nào chiếm hoàn toàn ưu thế trên không và pháo binh vẫn đóng vai trò định hình chiến trường", Cranny-Evans nói.
Kinh nghiệm từ chiến sự Ukraine đã khiến pháo binh Nga chuyển sang cách tiếp cận linh hoạt và tinh vi hơn, đặc biệt trong nhiệm vụ phản pháo - dùng...
Nguồn: [Link nguồn]
-17/04/2025 01:00 AM (GMT+7)