Chiến thuật giúp Nga tạo đà tiến công ở miền đông Ukraine
Trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine đang ngày càng tập trung vào các cuộc đấu pháo tầm xa, quân đội Ukraine ngày càng lép vế hơn các lực lượng Nga.
Pháo binh Nga khai hỏa.
Quân đội Nga những tuần qua đẩy mạnh tiến công, đồng thời củng cố các khu vực kiểm soát ở miền đông Ukraine bằng chiến thuật "tiến chậm mà chắc", tận dụng tối đa ưu thế về hỏa lực để tạo bước tiến.
Các đơn vị pháo binh Nga vừa đông đảo hơn pháo binh Ukraine, vừa có thể sử dụng số lượng đạn lớn gấp nhiều lần đối thủ, đặc biệt là trong giao tranh ở Donbas, miền đông Ukraine.
Kết quả là cuộc xung đột giờ đây đã biến thành một cuộc chiến tranh tiêu hao, trong đó Nga được cho là muốn kéo dài giao tranh cho đến khi quân đội Ukraine trở nên kiệt quệ.
Theo định nghĩa chính thức, chiến tranh tiêu hao là một chiến thuật quân sự được một bên sử dụng để thắng cuộc chiến bằng cách làm suy yếu đối phương tới mức sụp đổ khi thiệt hại liên tục về người và trang thiết bị. Phe sở hữu lượng tài nguyên lớn hơn thường là phe chiến thắng.
Cho đến nay, thương vong của Nga và Ukraine vẫn chưa được công bố chính thức. Nga và Ukraine từng tuyên bố rằng đối phương chịu thiệt hại lớn hơn về người nhưng thông tin này chưa thể được kiểm chứng độc lập.
Nhưng cuối tuần qua, giới chức Ukraine lần đầu tiên xác nhận rằng quân đội nước này đang ngày càng lép vế về hỏa lực ở vùng Donbass, đặc biệt là tình trạng cạn kiệt đạn pháo.
Nga sử dụng pháo tự hành lớn nhất thế giới 2S7 Pion trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Theo báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ), trong chiến dịch quân sự giai đoạn 2, quân đội Nga cũng đổi cách đánh, tập trung hỏa lực pháo binh để từng bước đạt mục tiêu trên thực địa, thay vì dàn trải lực lượng trên phạm vi chiến trường rộng lớn.
Chiến thuật này được thể hiện rõ nét trong trận đánh ở Severodonetsk, thành phố chiến lược ở tỉnh Lugansk.
Trong trận đánh ở Severodonetsk, lực lượng Nga không còn sử dụng đội hình xe tăng làm mũi nhọn. Pháo binh Nga mới là mũi tiến công chính, liên tục nã hỏa lực xuống các mục tiêu nghi ngờ có lực lượng Ukraine phòng thủ.
Sau mỗi loạt đạn pháo, bộ binh Nga với xe tăng yểm trợ từ từ tiến lên phía trước. Nếu bị đối phương bắn trả, bộ binh Nga liền rút lui, thông báo tọa độ cho các đơn vị pháo binh để tiếp tục nã pháo.
Chỉ khi nào các lực lượng Ukraine ngừng kháng cự, bộ binh Nga mới tiến lên chiếm giữ cứ điểm. Trong bối cảnh lực lượng Ukraine thua kém Nga về hỏa lực pháo binh, chiến thuật này được cho là đang phát huy hiệu quả rõ rệt.
Đại tá Margo Grosberg, tư lệnh lực lượng phòng vệ Estonia (EDF), nói quân đội Nga đang nhận được sự hỗ trợ rất tốt từ lực lượng hậu cần. Kết quả là Nga luôn có sẵn đạn dược, còn quân đội Ukraine càng ngày kiệt quệ.
“Thời gian qua, hai bên chủ yếu đấu pháo và giữ vững các cứ điểm. Bên nào hụt hơi trước sẽ phải rút lui. Có thời điểm, hai bên không đạt bước tiến quá 1km/ngày”, đại tá Grosberg nói trên báo Mỹ 19fortyfive.
Quân đội Ukraine giờ đây phụ thuộc hoàn toàn vào vũ khí phương Tây cung cấp.
“Điều này phản ánh sự khốc liệt của chiến sự ở vùng Donbass. Hai bên bắn hàng ngàn quả đạn pháo mỗi ngày. Đó không phải là vấn đề với quân đội Nga, nhưng rõ ràng là Ukraine đang cạn kiệt đạn dược”, đại tá Grosberg nhận định.
Theo đại tá Grosberg, Nga đang kéo Ukraine vào một cuộc chiến tiêu hao, trong đó Kiev sử dụng vũ khí và đạn dược lớn hơn so với tốc độ hỗ trợ của phương Tây.
“Để đánh bại lực lượng Nga, Ukraine cần nhận được sự hỗ trợ gấp nhiều lần so với hiện nay”, đại tá Grosberg nói.
Các chuyên gia phương Tây đánh giá, Nga đang áp dụng học thuyết quân sự truyền thống, trong đó lấy pháo binh làm nòng cốt. Khi đối đầu với lực lượng đối phương có hỏa lực thua kém, chiến thuật này có thể đạt hiệu quả lớn, từ đó giúp Nga mở rộng quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ Ukraine.
Theo nhận định của Robert Farley, chuyên gia tại Đại học Kentucky, chiến thuật chiến tranh tiêu hao thường kéo dài, chỉ chấm dứt khi cán cân quân sự chênh lệch đến mức đủ để một trong hai bên phát động chiến dịch tấn công quyết định đánh bại đối phương.
Trong cuộc xung đột ở Ukraine, thời khắc này đối với cả Nga và Ukraine vẫn chưa tới. “Mặc dù chúng ta đang ở giai đoạn của một cuộc chiến tiêu hao, không phải là không có điều gì quan trọng xảy ra. Nga có thể bất ngờ phát động tổng tấn công khi tác động của cuộc chiến tiêu hao trở nên rõ rệt”, chuyên gia Farley nói.
Tỉnh Lugansk ở miền đông Ukraine sẽ sớm nằm trong quyền kiểm soát hoàn toàn của các lực lượng Nga, một quan chức Mỹ đánh giá.
Nguồn: [Link nguồn]