Chiến thắng vĩ đại nhất lịch sử hải quân Nga

Thế kỷ 18 đánh dấu những cuộc giao tranh khốc liệt giữa đế quốc Nga và đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong một cuộc giao chiến trên biển, một hải đội Nga đã đánh tan hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ, tạo nên cảnh tượng hãi hùng trên biển.

Dưới thời nữ hoàng Catherine II, đế quốc Nga gặt hái nhiều thành công trong các cuộc chiến với đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh minh họa hình tượng nữ hoàng Catherine II trong phim truyền hình Nga.

Dưới thời nữ hoàng Catherine II, đế quốc Nga gặt hái nhiều thành công trong các cuộc chiến với đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh minh họa hình tượng nữ hoàng Catherine II trong phim truyền hình Nga.

"Nước hòa lẫn với máu và tro, tạo nên cảnh tượng khó coi. Xác chết cháy trôi nổi trên biển nhiều đến mức các chiến thuyền rất khó khăn trong việc di chuyển”, một nhân chứng mô tả thất bại của hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ sau trận hải chiến Chesme năm 1770, theo báo Nga RBTH.

Chiến lược táo bạo

Năm 1768, một cuộc chiến mới nổ ra giữa hai đối thủ đầy duyên nợ, người Nga và người Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến trường chính tập trung ở vùng Balkan, phía bắc Biển Đen và vùng Caucasus.

Ở thời điểm đó, nữ hoàng Nga Catherine II muốn giáng đòn mạnh từ phía sau lưng quân Thổ.

Ngay sau khi xung đột nổ ra, một hải đội Nga dưới sự chỉ huy của Đô đốc Grigory Spiridov, khởi hành từ biển Baltic hướng ra Địa Trung Hải.

Sau khi đi vòng qua hầu hết châu Âu, hải đội này có ý định đột phá thẳng tới Hy Lạp, ủng hộ cuộc nổi dậy của những người ái quốc địa phương chống lại đế quốc Ottoman, với mục đích phân tán lực lượng chủ lực của Thổ Nhĩ Kỳ ở tiền tuyến phía bắc Biển Đen.

Hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nghênh chiến.

Hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nghênh chiến.

Trước đây, hạm đội Nga chưa bao giờ chiến đấu cách xa quê nhà như vậy. Bất cứ thất bại nào trong hoàn cảnh này đều có thể dẫn tới thảm họa thực sự. Cuối cùng, đội tàu Nga không những không thất bại mà giành còn được chiến thắng vĩ đại nhất trong lịch sử hải quân, theo RBTH.

Cuộc giao tranh đầu tiên

Hải đội tiếp cận bờ biển Hy Lạp vào tháng 2.1770. Cư dân ở khu vực này đã bắt đầu nổi dậy chống lại sự cai trị của đế quốc Ottoman. Trong suốt mùa hè, quân Nga và đồng minh Hy Lạp đã phát động nhiều cuộc giao tranh với quân Thổ trên bán đảo Peloponnese, tung ra những đòn tiến công bất ngờ, bao vây các pháo đài, và chặt đứt các tuyến liên lạc.

Tháng 5.1770, hải đội của Đô đốc Spiridov hội quân với lực lượng của Chuẩn Đô đốc John Elphinston – một sĩ quan hải quân người Anh được hải quân Nga tuyển dụng. 

Hải đội của John Elphinston rời Biển Baltic muộn hơ. Khi đó, lực lượng Nga gồm 9 tàu chiến, 3 tàu hộ vệ, và 1 tàu oanh tạc (chuyên bắn phá các pháo đài, công sự) và 20 tàu hậu cần.

Toàn bộ đoàn viễn chinh quân sự tới Địa Trung Hải này nằm dưới quyền chỉ huy của Bá tước Alexei Orlov.

Ngày 5.7.1770, các tàu chiến Nga phát hiện hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ ở eo biển Chios, ngoài khơi bờ biển phía tây khu vực Tiểu Á.

Lực lượng này nằm dưới quyền chỉ huy của hai Đại Đô đốc Ibrahim Husayeddin và Cezayirli Gazi Hasan, gồm 16 tàu chiến, 6 tàu hộ vệ, 19 tàu tay chèo và thuyền buồm, 32 tàu hậu cần.

Dù có lợi thế về số lượng, các thủy thủ Thổ Nhĩ Kỳ yếu kém hơn hẳn thủy thủ Nga về mặt huấn luyện. Quân Thổ cũng thiếu sự gắn kết và thường xuyên rơi vào tình trạng hỗn loạn, mất phương hướng.

Sử gia Nga thế kỷ 19, Viktor Golovachev từng chép: “Phía Thổ Nhĩ Kỳ bắn pháo không thành thạo, thường trượt mục tiêu”

Soái hạm Thổ Nhĩ Kỳ và Nga giao tranh ác liệt.

Soái hạm Thổ Nhĩ Kỳ và Nga giao tranh ác liệt.

Hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ dàn trận theo 2 đường cong. Tuy nhiên, đội hình tập trung quá gần nhau nên chỉ có các chiến hạm ở tuyến trước mới có thể sử dụng hiệu quả đại bác. 

Hải đội Nga hiểu rằng do chênh lệch lực lượng, không thể đấu pháo trực diện với các tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian dài. Các đô đốc quyết định phải nhanh chóng áp sát và đổ quân lên tàu đối phương.

Hải đội Nga thiết lập đội hình nối đuôi nhau, từng tàu chiến nối đuôi tàu kia, tiếp cận đội hình tàu chiến Thổ Nhĩ Kỳ theo góc vuông. Các tàu Nga di chuyển một cách kỷ luật, nhanh lẹ, đủ để hứng chịu tổn thất ở mức thấp nhất trước khi kịp tiếp cận các tàu đối phương.

Đô đốc Spiridov cho soái hạm Saint Eustathius công kích soái hạm Real Mustafa của phía hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ. Khi hai tàu này đan chéo vào nhau trên biển, quân hai bên đánh giáp lá cà dữ dội ngay trên boong. Một trong các thủy thủ Nga quyết tâm đoạt lấy lá cờ Ottoman. Do bị thương ở cả hai tay, anh này dùng răng để ngoặm chặt lá cờ.

Lửa từ tàu Nga đang bốc cháy lan sang tàu Real Mustafa, khiến cả hai soái hạm bị thiêu rụi.

Hầu hết thủy thủ 2 tàu này tử trận, riêng các chỉ huy kịp sơ tán.  Vụ soái hạm Real Mustafa bị đánh chìm để lại một dấu ấn không thể phai mờ đối với hải quân Thổ. Người Thổ quyết định rút về vịnh Chesme, nơi có hỏa lực mạnh của pháo bờ biển. Nhưng đây lại là một sai lầm chết người, theo RBTH.

Đòn cảm tử thiêu rụi hạm đội hùng mạnh

Tập trung đông đảo tại vịnh Chesme có không gian hẹp, các chiến hạm Thổ Nhĩ Kỳ không có không gian để xoay xở. Bộ chỉ huy Nga lợi dụng gió thổi từ biển vào để dùng lửa thiêu rụi chiến thuyền địch.

Bước sang ngày 6.7.1770, các tàu chiến Nga đấu pháo dữ dội với tàu Thổ Nhĩ Kỳ.

Trận hải chiến vịnh Chesme là thắng lợi vĩ đại nhất của hải quân Nga trong lịch sử.

Trận hải chiến vịnh Chesme là thắng lợi vĩ đại nhất của hải quân Nga trong lịch sử.

Sử gia Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmed Vassaf Effendi chép về sự kiện này: “Bề mặt biển rực ánh lửa đạn đại bác”. Phía hải đội Nga có bước đi táo bạo, chuyển đổi 4 tàu hậu cần thành 4 tàu chất đầy thuốc nổ.

2 giờ sáng ngày 7.7.1770, 4 tàu trên tiến vào vịnh Chesme, nhưng chỉ có một chiếc xâm nhập thành công. Tàu cảm tử này cố gắng xông thẳng vào một tàu lớn có 84 khẩu pháo và nổ tung, tạo nên phản ứng nổ dây chuyền khủng khiếp. Các mảnh cháy rải rác khắp vịnh, khiến các tàu khác cũng bị bén lửa.

Phó Đề đốc Samuel Greig, một sĩ quan người Anh trong hải quân Nga, kể lại: “Quân Thổ ngừng kháng cự, kể cả trên các tàu chưa bắt lửa. Tất cả thủy thủ trên tàu cháy lao xuống nước trong sợ hãi, bề mặt vịnh đầy người đang tìm mọi cách để sinh tồn, nhiều người tự làm nhau chết đuối”.

Đến lúc này, các tàu Nga ngừng bắn, bắt đầu cứu hộ những người lính Thổ còn sống.

Hoàng tử Yuri Dolgorukov, người tham gia hải chiến mô tả: “Nước hòa lẫn với máu và tro, tạo nên cảnh tượng khó coi. Xác chết cháy trôi nổi trên biển nhiều đến mức các chiến thuyền rất khó khăn trong việc di chuyển”.

Sau trận hải chiến Chesme, hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh tan. 15 tàu chiến, 6 tàu hộ vệ và nhiều tàu khác bị chìm. Trong số 15.000 thủy thủ, khoảng 11.000 người thiệt mạng. Hải quân Nga cũng thu giữ 5 tàu chiến của hải quân Thổ.

Sau chiến thắng vang dội này, hải đội Nga tiếp tục sứ mệnh chiến đấu ở phía đông Địa Trung Hải, tham gia vào hoạt động cắt đứt các tuyến liên lạc của người Thổ, chặn eo biển Dardanelles và mở chiến dịch đánh chiếm cảng Beirut.

Cuộc chiến giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài 7 năm, đến năm 1774 thì kết thúc với chiến thắng quyết định thuộc về người Nga. Đế quốc Nga xác lập chắc chắn vị thế bên bờ biển Đen, từng bước cô lập và kiểm soát bán đảo Crimea. Kể từ đó, ảnh hưởng của Nga trên bán đảo Balkan (phía đông nam châu Âu) không ngừng gia tăng.

_________________

Nhiều lần thất bại trước đế quốc Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đáp trả một đòn mạnh chưa từng thấy nhờ sự hỗ trợ của hai thế lực hàng đầu giai đoạn thế kỷ 19. Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản 10h ngày 3.5 trên mục Thế giới để hiểu thêm về chiến thắng lịch sử này của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nguồn: [Link nguồn]

Quốc gia từng có hơn 10 lần giao tranh với Nga

Nước Nga trong lịch sử nổi lên từ thế kỷ thứ 9, từng giao tranh với nhiều thế lực hùng mạnh như đế quốc Đông La Mã, đế quốc Mông Cổ, vương quốc Thụy Điển, Đại công...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN