Chiến sự Nga - Ukraine: Diễn biến ngày thứ 10
Tính đến ngày 5/3, chiến sự Ukraine đã bước qua ngày thứ 10. Đôi bên tiếp tục giao tranh với nhau sau khi lệnh ngừng bắn tại 2 thành phố ở đông nam Ukraine bị phá vỡ.
Chiến sự Ukraine đã qua ngày thứ 10. Ảnh minh họa: Sky News
Theo Sky News, kỳ vọng vào một hành lang nhân đạo có thể giúp sơ tán hơn 200.000 người ở 2 thành phố Mariupol và Volnovakha, đông nam Ukraine đã đổ bể sau khi lệnh ngừng bắn giữa hai bên bị phá vỡ.
Giao tranh vẫn tiếp diễn ở vùng ngoại ô thủ đô Kiev, Ukraine, khi các lực lượng Nga tiến công từ phía đông. 2 thành phố Kharkiv và Chernihiv cũng tiếp tục trở thành mục tiêu không kích, trong khi giao tranh đã lan tới ngoại ô thành phố Mykolaiv, miền nam Ukraine.
Phía nam
Biểu tình đã diễn ra sáng 5/3 (giờ địa phương) ở các thành phố phía nam như Kherson và Melitopol - 2 thành phố lớn của Ukraine mà các lực lượng Nga đã kiểm soát.
Giao tranh cũng tiếp tục diễn ra gần thành phố Mykolaiv, miền nam Ukraine. Xa hơn về phía đông, một hành lang nhân đạo đã được thiết lập để dân thường được phép di chuyển an toàn từ 2 thành phố bị bao vây là Mariupol và Volnovakha. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn bị phá vỡ sau đó, khiến việc sơ tán dân qua hành lang nhân đạo bị tạm hoãn.
Phía bắc
Gần thủ đô Kiev, diễn biến đáng chú ý nhất là việc các lực lượng Nga tiến công về phía đông thành phố này, tiến thêm một bước để bao vây thủ đô.
Các lực lượng này di chuyển tương đối nhanh trên vùng dân cư thưa thớt nhưng giờ đây, họ có thể gặp khó khăn hơn khi tiến đến khu vực đông dân cư ở các vùng ngoại ô phía đông Kiev.
Ở phía tây bắc Kiev, các lực lượng Nga vẫn vấp phải sự kháng cự quyết liệt ở nhiều nơi như thành phố Irpin.
Giáo sư Michael Clarke, cựu giám đốc viện nghiên cứu chiến lược quốc phòng RUSI (Anh), cho biết: "Người Ukraine không thể tổ chức một cuộc phản công chiến lược, nhưng họ có thể tấn công cục bộ. Rất nhiều bằng chứng cho thấy họ đang làm điều đó".
Rời Ukraine
Ngày càng có nhiều người Ukraine tìm đến tị nạn ở các nước láng giềng. Liên Hợp Quốc ước tính, trong 10 ngày (từ 24/2 đến 5/3), có gần 1,4 triệu người đã rời khỏi Ukraine.
Ông Filippo Grandi, người đứng đầu Cơ quan Tị nạn của Liên Hợp Quốc, cho biết: "Đây là cuộc khủng hoảng tị nạn diễn biến nhanh nhất mà chúng tôi từng thấy ở châu Âu, kể từ khi Thế chiến II kết thúc".
Hành lang nhân đạo được thiết lập ở thành phố Mariupol nhằm đưa nhiều người sơ tán hơn tới thành phố Zaporizhzhia, đông nam Ukraine. Tổ chức Di cư Quốc tế dự đoán, khoảng 6,7 triệu người Ukraine sẽ phải sơ tán khỏi nơi ở.
Đây là lí do vì sao viện trợ nhân đạo rất quan trọng, nhưng giáo sư Clarke lưu ý: "Các hành lang nhân đạo vẫn chưa thể thành hiện thực vì các lệnh ngừng bắn chỉ giữ được trong vài giờ".
Một số diễn biến khác
Theo Guardian, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo có thể phê duyệt khoản hỗ trợ khẩn cấp 4,1 tỷ USD vào đầu tuần tới và cảnh báo về "tác động nghiêm trọng" của chiến tranh với nền kinh tế toàn cầu.
Nga và Ukraine dự kiến có vòng đàm phán lần 3 vào ngày 7/3 (giờ địa phương). Các cuộc đàm phán trước đó chưa có những kết quả rõ rệt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tình trạng của Ukraine sẽ bị đe dọa nếu các nhà lãnh đạo của Ukraine tiếp tục chống lại chiến dịch quân sự của Moscow. Ông chủ điện Kremlin còn mô tả các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga được xem như một lời tuyên chiến.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine hôm 5/3 tuyên bố, NATO đã "bật đèn xanh cho việc không kích vào Ukraine" khi không thiết lập vùng cấm bay. Trước đó một ngày, NATO cảnh báo, việc thiết lập vùng cấm bay có thể kích động chiến tranh toàn diện với Nga - quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky kéo dài 30 phút.
Nguồn: [Link nguồn]