Chiến sự Ukraine: Đã đến lúc Mỹ, NATO nói chuyện với Nga
Không thể để chiến sự ở Ukraine kéo dài hơn nữa, đã đến lúc Mỹ và NATO cần chủ động đối thoại với Nga, cùng nhân nhượng nhau để kết thúc chiến tranh.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine đã kéo dài sang tuần thứ ba nhưng chưa có dấu hiệu kết thúc. Trong bối cảnh này giới quan sát và phân tích bắt đầu bàn đóng góp phương án giúp sớm kết thúc xung đột.
Trên tạp chí Forbes, ông Mark Cancian, đại tá về hưu từ lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, cố vấn cấp cao của Chương trình An ninh quốc tế của tổ chức Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), đã có bài phân tích tình hình và đề xuất về các nội dung có thể có trong thỏa thuận giúp kết thúc xung đột Nga - Ukraine.
Quân đội Ukraine đốt lửa sưởi ấm ở vùng Luhansk (đông Ukraine) ngày 3-3. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES
Xe bọc thép Nga bị phá hủy ở TP Bucha, phía tây thủ đô Kiev (Ukraine) ngày 4-3. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES Đã đến lúc Mỹ và NATO chủ động
Theo đánh giá của đại tá Cancian, mong muốn của Ukraine, Mỹ và NATO là Nga rút quân khỏi Ukraine và khôi phục tình trạng trước chiến tranh. Tuy nhiên, nếu Ukraine và phương Tây cứ cương quyết thế này thì xung đột khó mà kết thúc, ít nhất trong vài tuần nữa, mà theo tình hình chiến sự chưa chắc Ukraine sẽ là bên chiến thắng.
Dù không nhanh nhưng các lực lượng Nga vẫn đang tiến sâu vào bên trong Ukraine. Nga xác định đây sẽ là chiến dịch lâu dài, theo ba trục: Ở phía bắc hướng tới Kiev; ở phía đông bắc bao vây TP Kharkiv và tiến về phía Kiev; ở phía nam theo ba hướng: Về phía Odesa ở phía tây, về phía Mariupol ở phía đông và phía bắc dọc theo sông Dnepr. Điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 3-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin cương quyết sẽ không dừng chiến dịch chừng nào chưa đạt được các mục tiêu.
Phần lớn các nhà quan sát quân sự đều dự đoán nếu cuộc chiến kéo dài thì Nga cuối cùng sẽ kiểm soát Ukraine, lập ra nhà nước do Nga kiểm soát, khi đó chắc chắn sẽ có làn sóng kháng chiến lâu dài bên trong Ukraine. Nhiều nhà quan sát đánh giá làn sóng này nếu càng kéo dài thì quyết tâm của Nga sẽ càng suy giảm và có khả năng cuộc kháng chiến sẽ thành công về lâu dài. Tuy nhiên, hậu quả chiến tranh là kinh tế và xã hội Ukraine sẽ bị hủy hoại. Theo đại tá Cancian, bất kể viễn cảnh nào, người dân Ukraine cũng sẽ phải chịu một cái giá khủng khiếp, bằng cái chết, sự đau khổ và sự tàn phá.
Chưa kể khủng hoảng ở Ukraine còn có nguy cơ leo thang rộng thêm. Mặc dù Mỹ và NATO đã thận trọng tránh mọi cuộc đối đầu trực tiếp với Nga nhưng những lời kêu gọi về vùng cấm bay, sự ủng hộ tích cực và ngày càng nhiều của các nước với Ukraine sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột dù không cố ý. Nguy cơ xung đột NATO - Nga vẫn còn rất xa nhưng không phải hoàn toàn không có và sẽ có sức hủy diệt lớn, đặc biệt khi ông Putin đã báo động các lực lượng hạt nhân của Nga.
Đối mặt với viễn cảnh chiến tranh hủy diệt kéo dài với kết quả không chắc chắn, đại tá Cancian cho rằng đã đến lúc Ukraine và phương Tây chủ động đưa ra lời đề nghị chấm dứt chiến sự với phía Nga, cùng một phương án trong đó Ukraine sẽ trung lập nhưng độc lập.
Nhiều người ở phương Tây dường như muốn chiến đấu đến cùng nhưng người dân Ukraine sẽ phải trả giá đắt, vì thế tốt hơn là nên thỏa thuận với Nga ngay bây giờ. Đại tá MARK CANCIAN |
Thỏa thuận thế nào mới thuyết phục được ông Putin?
Theo đại tá Cancian, Mỹ, NATO và Ukraine nên đề nghị với Nga một thỏa thuận có sự nhân nhượng hợp lý của các bên mới có thể thuyết phục được Nga và ông Putin.
Thứ nhất, Ukraine và NATO cam kết rằng Ukraine sẽ không trở thành thành viên NATO, trong một khoảng thời gian, ví dụ trong 10 năm. Điều này trông giống một nhượng bộ lớn từ phía Ukraine và NATO nhưng trên thực tế sự nhượng bộ này rất ít. Các thành viên châu Âu của NATO lo lắng rằng việc đưa Ukraine vào liên minh sẽ khiến các nước này xung đột với Nga. Có thể thấy điều này qua việc các nước trì hoãn chuyện xem xét kết nạp Ukraine, ngay cả trước khi xung đột xảy ra và theo đại tá Cancian thì không có chuyện Ukraine trở thành thành viên NATO sau cuộc xung đột hiện nay.
Thứ hai, các mối quan hệ giữa Ukraine với NATO sẽ bị cắt đứt. Ukraine hiện có nhiều ràng buộc với NATO dù không phải là thành viên. Một Ukraine trung lập có nghĩa là cắt đứt những ràng buộc đó - không lực lượng huấn luyện, không hoạt động liên lạc và đặc biệt là không có lính NATO trên lãnh thổ Ukraine. Đây là một sự nhượng bộ khó khăn của Ukraine và phương Tây vì nó sẽ làm suy yếu năng lực sẵn sàng về quân sự của Ukraine. Tuy nhiên, nếu không có sự nhượng bộ này thì sẽ không thuyết phục được ông Putin vốn vẫn bất an với việc NATO mở rộng quân sự về phía đông.
Thứ ba, Ukraine tiếp tục là một quốc gia độc lập với một chính phủ do chính người dân lựa chọn. Đây là yêu cầu tiên quyết của người Ukraine và sẽ là sự nhượng bộ quan trọng của Nga. Sau trải nghiệm về chiến tranh, người dân Ukraine sẽ không chấp nhận một chế độ liên kết với chính phủ của ông Putin hoặc có những thay đổi lớn đối với thể chế của chính Ukraine.
Thứ tư, các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk ở Donbass không được công nhận là các quốc gia độc lập. Các bên đồng ý gia hạn các thỏa thuận Minsk nhằm chấm dứt giao tranh ở các tỉnh đông Ukraine, tiến tới đạt được một thỏa thuận giải quyết chung cuộc.
Nga sẽ không từ bỏ các khu vực ly khai này và Ukraine không thể chấp nhận nền độc lập của các khu vực này. Biện pháp tạm thời, dàn xếp để các khu vực ly khai này hủy bỏ tuyên bố độc lập hoặc đàm phán về một cơ chế mà Nga công nhận hai khu vực này nhưng không nước nào khác công nhận. Có thể dàn xếp điều này bằng một nghị quyết của Liên Hợp Quốc và Nga đồng ý bỏ phiếu trắng. Các thỏa thuận Minsk đã không thành công trong việc chấm dứt xung đột ở đông Ukraine nhưng sẽ mang lại một cơ chế để trì hoãn việc giải quyết xung đột cục bộ này, từ đó không ngăn cản việc kết thúc cuộc chiến lớn hơn hiện tại giữa Nga và Ukraine.
Thứ năm, Nga rút toàn bộ lực lượng khỏi Ukraine, không để lại bất kỳ “lực lượng gìn giữ hòa bình” nào. Song song đó, Mỹ và NATO rút lực lượng vừa triển khai đến Đông Âu gần đây về căn cứ thường trực.
Theo đại tá Cancian, ưu điểm của cách tiếp cận này là giao tranh và tàn phá sẽ kết thúc ngay lập tức. Điều quan trọng là phương Tây không thể đơn phương áp đặt thỏa thuận như vậy lên Ukraine, mà người Ukraine phải ủng hộ và chủ động trong việc đàm phán. Với mong muốn kết thúc cuộc chiến, ông tin Ukraine có thể sẵn sàng thực hiện thỏa thuận dạng này.
“Không ai chắc được Nga sẽ đi xa đến đâu ở Ukraine” Không yên tâm nếu không có sự can thiệp từ bên ngoài thì liệu Tổng thống Vladimir Putin và Nga sẽ còn đi xa đến đâu trong chiến dịch quân sự ở Ukraine. Về thực địa, thế trận giữa Nga và Ukraine hiện vẫn giằng co dù Nga có phần lợi thế hơn. Đài ABC News nhận định rằng quân Nga được trang bị tốt hơn, thắng thế hơn, không có dấu hiệu giảm leo thang, tuy nhiên đà tiến công có phần bị chậm lại vì sự kháng cự của phía Ukraine. Còn theo đài CBS News thì các lực lượng của Nga vẫn bị đình trệ ở phía bắc thủ đô Kiev và chỉ tiến được chút ít ở các TP lớn khác. Về ngoại giao, Nga và Ukraine đã kết thúc ba vòng đàm phán mà không có bất kỳ đột phá đáng kể nào, ngoại trừ chút tiến triển về chuyện mở hành lang nhân đạo do dân thường thoát khỏi các khu vực chiến sự. Điện Kremlin nói rằng sẽ ngừng “ngay lập tức” chiến dịch quân sự nếu Ukraine đồng ý với ba điều kiện: Ngừng hoạt động quân sự và sửa đổi Hiến pháp theo chủ trương trung lập; công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga; công nhận độc lập các khu vực Donetsk và Luhansk. Tuy nhiên, đáp ứng hết ba điều này là đòi hỏi quá khó với Ukraine, theo giới quan sát. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông không kỳ vọng sẽ có một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh trong nhiều tuần tới. Thủ tướng Ý Mario Draghi cũng không hy vọng nhiều rằng các cuộc đàm phán sẽ giúp kết thúc chiến tranh. Thậm chí ông còn nghĩ tới viễn cảnh Nga sẽ tiếp tục chiến dịch đến khi Ukraine “đầu hàng”, khi đó Moscow có thể thành lập một chính phủ thân Nga và đánh bại quân kháng chiến. Có thể thấy thực địa, ngoại giao lẫn các động thái trừng phạt nặng Nga của phương Tây đến nay vẫn chưa cho thấy tác dụng chặn xung đột. Theo ý kiến của tướng quân đội về hưu Robert Abrams, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc trên ABC News thì rất khó dự đoán thời điểm kết thúc cuộc xung đột. Theo ông, trong bối cảnh phương Tây trừng phạt nặng “chưa từng có” và Ukraine phản kháng mạnh ngoài dự kiến, “có vẻ ông Putin thậm chí đang trở nên quyết liệt hơn” và rất khó để đánh giá vị tổng thống Nga sẽ “đi bao xa nữa” ở Ukraine. THIÊN ÂN |
Nguồn: [Link nguồn]
Bộ Quốc phòng Anh đánh giá Nga đang tăng lực lượng bao vây Kiev, rút bớt quân ở các khu vực khác.