Chiến sự Ukraine bước sang tháng thứ 3, không ít thuận lợi, vô vàn khó khăn
(PLO)-
Chiến sự Ukraine-Nga bước sang tháng thứ 3 với những thay đổi thế trận trên thực địa. Những nỗ lực ngoại giao của các bên trực tiếp lẫn gián tiếp liên quan xung đột vẫn đang được xúc tiến. Mặc dù vẫn có những triển vọng cho hòa đàm Moscow - Kiev nhưng đường dẫn tới việc chấm dứt xung đột vẫn còn nhiều chông gai.
Tình hình chiến sự
Giữa tháng 4, Nga chuyển sang giai đoạn 2 của chiến dịch quân sự ở Ukraine. Theo đó, Nga đã rút hết phần lớn lực lượng từ miền bắc Ukraine để tập trung hỏa lực vào mặt trận Donbass, miền đông Ukraine. Hai mục tiêu công khai của Nga giai đoạn này là đảm bảo an toàn cho khu vực phía đông của Ukraine như Donetsk và Luhansk và đánh bại các lực lượng Ukraine đang kháng cự ở thành phố cảng Mariupol, theo đài CNN.
Hiện tại, giao tranh ở miền đông Ukraine vẫn đang diễn ra căng thẳng, đặc biệt là ở thành phố cảng Mariupol. Hôm 24-4, giới chức Mariupol cho biết quân Nga vẫn tiếp tục thả bom, nã đạn pháo từ tàu chiến và lực lượng xe tăng, bộ binh vẫn tích cực tác chiến. Nhà máy thép Azovstal là một trong những “pháo đài” còn lính Ukraine cố thủ và có một số người dân Ukraine vẫn còn mắc kẹt tại đây.
Người dân đi trên đường trong TP Mariupol (Ukraine). Ảnh: REUTERS
Trước đó, Moscow đã tuyên bố kiểm soát hoàn toàn Mariupol nhưng Kiev phủ nhận, nói rằng mặc dù Nga đã kiểm soát phần lớn thành phố nhưng vẫn còn lực lượng Ukraine đang chống cự ở đây.
Hôm 24-4, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) thông tin rằng kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, đã có khoảng 5,2 triệu người Ukraine phải rời khỏi đất nước do ảnh hưởng của chiến sự, theo tờ Kyiv Independent.
Nỗ lực ngoại giao của phương Tây và Liên Hợp Quốc
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kiev vào tối ngày 24-4 (giờ địa phương). Đây là chuyến thăm đầu tiên của quan chức cấp cao Mỹ đến Kiev kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24-2, theo hãng tin AP. Trước đó, nhiều lãnh đạo châu Âu, trong đó có Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đã đến thăm và làm việc tại Kiev.
Trước cuộc gặp, Tổng thống Zelensky hy vọng cuộc gặp với quan chức Mỹ sẽ có những kết quả nhất định, cụ thể là Mỹ sẽ gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine và sẽ có đảm bảo an ninh cho Ukraine. Theo đài NPR, chuyến thăm của quan chức Mỹ cũng có thể nhằm “mở đường” cho một cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden với ông Zelensky trong tương lai.
Phái đoàn Mỹ gặp Tổng thống Ukraine tại Kiev hôm 24-4. Ảnh: CNN
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres sẽ bắt đầu lên đường tới thăm các nước có liên quan cuộc xung đột Ukraine-Nga vào ngày 25-4. Điểm dừng chân đầu tiên của ông là Thổ Nhĩ Kỳ - một bên hòa giải quan trọng trong chiến giữa Nga và Ukraine, trước khi đến Moscow để hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov và sang Kiev gặp Tổng thống Zelensky sau đó. Dự kiến trong các cuộc gặp này, ông Guterres sẽ thảo luận với các bên về những biện pháp cấp bách cần làm để tái lập hòa bình tại Ukraine.
Ngoài ra, hôm 24-4, Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ thông báo Tổng thống Recep Tayyip Erdogan của nước này tuyên bố Ankara sẵn sàng hỗ trợ mọi điều có thể trong tiến trình đàm phán giữa Kiev và Moscow.
Không ít thuận lợi nhưng cũng rất nhiều khó khăn
Hiện Ukraine đang thảo luận về việc bảo đảm an ninh với các nước đối tác. Theo đó, các nước như Anh, Pháp, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ đã bày tỏ thái độ sẵn sàng cung cấp các đảm bảo an ninh cho Kiev. Trong chuyến thăm của quan chức cấp cao Mỹ lần này, Kiev cũng hy vọng sẽ đạt được những bước chuyển tích cực trong vấn đề đảm bảo an ninh cho mình. Do đảm bảo an ninh là một trong những yêu cầu quan trọng của Ukraine trên bàn đàm phán với Nga, nên việc một số nước sẵn lòng đảm bảo an ninh cho Ukraine thì cánh cửa thoát khỏi xung đột hiện tại sẽ rộng mở hơn.
Mặc dù các nước phương Tây và LHQ nỗ lực đàm phán với các bên liên quan trực tiếp nhưng quá trình xúc tiến hoà đàm Nga - Ukraine vẫn không mấy suôn sẻ vì hai bên có những nhận định không mấy tích cực về nhau.
Đoàn xe bọc thép Nga đi trên đường phố Mariupol. Ảnh: REUTERS
Cụ thể, hôm 22-4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Moscow chưa nhận được bất kỳ câu trả lời nào từ Ukraine về các đề xuất đàm phán hòa bình gần đây của Moscow, đồng thời cho rằng Kiev không quan tâm đến một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột quân sự đang tiếp diễn, theo RT. Trước đó 2 ngày, Moscow cho biết đã chuyển một dự thảo về chuyện giải quyết xung đột với những điều khoản cụ thể cho Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Zelensky lại tuyên bố ông chưa nhận được đề xuất nào từ Nga khiến Moscow băn khoăn về điều này, theo đài RT.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Kiev đưa ra hình ảnh mộ tập thể được đào ở thị trấn Manhush, TP Mariupol và cáo buộc Nga thảm sát dân thường, ông Zelensky hôm 23-4 tuyên bố sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán hòa bình với Nga nếu lực lượng Nga tiếp tục tấn công thường dân của nước này. Tổng thống Ukraine nói: “Nếu người dân của chúng tôi ở Mariupol bị sát hại, nếu một cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp được diễn ra ở bất kỳ khu vực ly khai nào của Ukraine, chúng tôi sẽ rút khỏi mọi tiến trình đàm phán”.
Sau khi nhận được thông tin Tổng thư ký LHQ sẽ thăm Moscow rồi sang Kiev, ông Zelensky tỏ ý không hài lòng về việc này và nói rằng “không có công lý và logic nào về thứ tự này”. Ông nói: “Cuộc xung đột diễn ra ở Ukraine, không có thi thể trên đường phố Moscow. Sẽ hợp lý nếu (ông Guterres) đến Ukraine trước để quan sát người dân ở đó cũng như hậu quả của cuộc xung đột " - nhà lãnh đạo Ukraine nói.
Như vậy, mặc dù các bên vẫn nỗ lực xúc tiến hòa đàm Nga-Ukraine những vẫn còn không ít thách thức cản trở tiến trình đàm phán này.
Điểm tin Nga-Ukraine 25-4: Mariupol tiếp tục nóng, ông Biden tuyên bố ủng hộ dân Ukraine 'bảo vệ quê hương'
Nguồn: [Link nguồn]
Áo bày tỏ sự hoài nghi về việc Ukraine có thể gia nhập Liên minh châu Âu (EU).