Chiến lược “Zero-Covid” của Trung Quốc đứng trước thách thức lớn nhất
Trung Quốc đã phần nào thành công với chiến lược “Zero-Covid” trong thời gian qua, nhưng biến thể Omicron đặt ra thách thức lớn, đặc biệt khi sự kiện Olympic Bắc Kinh đang đến rất gần.
Olympic Bắc Kinh sẽ khai mạc vào ngày 4.2.2022.
Trung Quốc trong nhiều tháng qua đã áp dụng các biện pháp mạnh nhằm ngăn chặn các đợt địch do biến thể Delta, bao gồm phong tỏa các khu dân cư, xét nghiệm và truy vết trên diện rộng.
Các biện pháp đã giúp Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero-Covid”. Các đợt dịch hầu hết được chặn đứng trong một tháng. Nhưng biến thể Omicron lây lan ở Trung Quốc đang tạo ra thách thức lớn nhất, khi chỉ còn vài tuần nữa khai mạc Olympic Bắc Kinh 2022.
Hôm 25.12, Trung Quốc ghi nhận 158 ca nhiễm tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, tăng mạnh so với con số 87 ca mắc trong 1 ngày trước đó. Đây là số ca nhiễm cao ở mức kỷ lục trong 21 tháng qua ở Trung Quốc.
Sự kiện Olympic Mùa đông diễn ra ở Trung Quốc nghĩa là nước này phải nới lỏng các hạn chế nhập cảnh, thứ vốn là lá chắn giúp ngăn chặn các ca nhiễm tiềm năng. Hàng ngàn vận động viên và phái đoàn các nước sẽ tới Trung Quốc mà không phải cách ly, miễn là đã tiêm chủng đầy đủ.
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây cho thấy việc tiêm 2 mũi vaccine tiêu chuẩn chưa đảm bảo khả năng ngăn ngừa biến thể Omicron.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh gần đây thừa nhận các đợt bùng phát dịch trong sự kiện Olympic là điều đã được dự báo trước, nhưng tự tin rằng có thể sớm kiểm soát chuỗi lây nhiễm.
Dù thế nào, hạn chế đà lây lan của biến thể Omicron là một thách thức với Trung Quốc, giáo sư Kwok Kin-on đến từ Đại học Hong Kong, nói.
“Trung Quốc sẽ phải mở cửa ở mức nhất định để các vận động viên tới tranh tài. Đây là cơ hội để virus lây lan nhanh”, ông Kwok nói.
Trong một số trường hợp, các ca nhiễm nhập cảnh không được phát hiện sớm, lây lan ra cộng đồng.
Theo ông Kwok, biến thể Omicron có khả năng gây ra gấp đôi số ca nhiễm chỉ trong 2-3 ngày, cũng là một thách thức lớn với chiến lược tích cực truy vết của Trung Quốc.
“Trung Quốc sẽ mất rất nhiều nguồn lực để kiểm soát các ổ dịch lây lan do biến thể Omicron”, ông Kwok dự đoán.
Cộng đồng dân cư ở Trung Quốc cũng rất dễ bị tổn thương nếu biến thể Omicron lây lan mạnh. Ước tính 85% dân số Trung Quốc đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine. Nhưng như vậy là chưa đủ để ngăn chặn biến thể Omicron, theo các nghiên cứu mới nhất.
Theo SCMP, bên cạnh các biện pháp y tế công cộng và xã hội, Trung Quốc dường như đã “hết cách” để ngăn chặn dịch bệnh. Ngoài các biện pháp phong tỏa, xét nghiệm và tiêm chủng diện rộng, Trung Quốc khó có thể siết chặt hơn nữa, trong khi công chúng đã tỏ rõ sự mệt mỏi vì dịch bệnh kéo dài.
Nguồn: [Link nguồn]
Ben Krishna, một nhà nghiên cứu miễn dịch học của Trường ĐH Cambridge (Anh), cho biết virus SARS-CoV-2 không thể tiến hóa mãi...