Chiến lược trở thành “ắc quy châu Á” gây tranh cãi của Lào

Là một quốc gia không có biển, Lào dựa vào chiến lược xây dựng hàng loạt đập thủy điện để đem về nguồn thu khổng lồ, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chiến lược trở thành “ắc quy châu Á” gây tranh cãi của Lào - 1

Lào chủ chương cho xây dựng hàng loạt đập thủy điện để tối ưu hóa nguồn điện tạo nên từ sức nước.

Một trong các con đập thuộc dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy ở tỉnh Attapeu, đông nam Lào đã bị vỡ vào ngày 23.7. Lượng nước khổng lồ đổ xuống hạ lưu nhấn chìm 7 ngôi làng, khiến hơn 6.000 người mất nhà cửa.

Dự án xây đập Xe Pian-Xe Namnoy hơn 1 tỉ USD thể hiện tham vọng xây hàng loạt thủy điện theo hình thức BOT để trở thành “ắc quy của châu Á” của Lào.

Hàng loạt các đập thủy điện đã và đang được xây dựng ở Lào nhằm khai thác tối đa tiềm năng thủy điện trên sông Mekong. Lượng điện khổng lồ sau đó được xuất khẩu sang các nước láng giềng như Việt nam, Campuchia, Trung Quốc và Thái Lan.

Nhưng đánh đổi nguồn lợi về thủy điện là những rủi ro thường trực, làm thay đổi cảnh quan môi trường và đời sống của người dân xung quanh.

Vì sao Lào xây hàng loạt đập thủy điện?

Lào là một quốc gia không giáp biển, có lượng khoáng sản dồi dào và hệ thống sông ngòi lớn nhưng lại chỉ có gần 7 triệu dân.

Trong bối cảnh nguồn lợi từ gỗ, mỏ vàng và đồng không ngừng suy giảm, Lào và các nhà đầu tư nước ngoài đã chi hàng tỉ USD cho dự án phát triển thủy điện.

Lào hiện có 46 nhà máy thủy điện với tổng sản lượng 6.400MW và 54 nhà máy thủy điện khác đang có kế hoạch được xây dựng từ nay cho đến năm 2020.

Nếu đúng theo kế hoạch, Lào sẽ tạo ra 28.000MW từ các nhà máy thủy điện. Lượng điện khổng lồ này đủ dùng cho cả nước Thái Lan với 70 triệu dân trong cả năm. Nguồn tiền thu về từ việc bán điện cho các nước láng giềng được kỳ vọng sẽ làm tăng GDP, đưa Lào thoát khỏi danh sách các nước có thu nhập trung bình thấp.

Chiến lược trở thành “ắc quy châu Á” gây tranh cãi của Lào - 2

Lào hiện đang vận hành 46 đập thủy điện và xây dựng thêm 54 thủy điện mới cho đến năm 2020.

"Nếu Lào muốn thoát khỏi tình trạng kém phát triển nhất vào năm 2020, việc phát triển các dự án đập thủy điện ở sông Mekong là lựa chọn duy nhất", Thứ trưởng Năng lượng và Mỏ Lào Viraphonh Viravong từng tuyên bố.

Ước tính 85% sản lượng điện tạo ra từ thủy điện được xuất sang nước ngoài, chủ yếu là Thái Lan. Hai phần ba lượng điện Thái Lan nhập từ Lào để phục vụ nhu cầu ở thủ đô Bangkok.

Ngược lại, vẫn còn nhiều nơi ở Lào chưa có điện, đặc biệt là những khu vực hẻo lánh. “Lào tạo ra quá nhiều điện nhưng chủ yếu dùng để xuất khẩu. Vì cơ sở hạ tầng hạn chế khiến nhiều khu vực ở nước này vẫn chưa có điện”, Vanessa Lamb, giảng viên địa lý tại Đại học Melbourne, Úc nói.

Những hệ lụy khó lường

Lào và các nhà đầu tư nước ngoài xây hàng loạt nhà máy thủy điện như vậy nhưng nguồn tiền thu về không hoàn toàn chảy vào ngân sách quốc gia. Đó là bởi Lào chủ trương xây thủy điện theo hình thức BOT.

Các công ty nước ngoài, chủ yếu là Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc chi tiền để xây đập thủy điện và chỉ bàn giao lại cho chính phủ theo hợp đồng đã ký, thường là sau 20-30 năm.

Như vậy, chính phủ Lào chỉ được hưởng nguồn lợi hoàn toàn từ thủy điện trong vài thập kỷ tới.

“Lào cho xây nhiều nhà máy thủy điện như vậy nhưng nguồn ngân sách thu về cũng không được là bao”, Keith Barney, chuyên gia tại Đại học Quốc gia Úc nhận định. “Cần một thời gian dài để chính phủ Lào thực sự hưởng lời từ thủy điện”.

Lợi ích chưa đến ngay lập tức, nhưng Lào đã phải đối mặt với những mối lo ngại về môi trường, đời sống của người dân tại các khu vực xung quanh dự án thủy điện.

Trong nhiều năm qua, các nhóm hoạt động như Tổ chức Sông ngòi Quốc tế có trụ sở ở Mỹ đã cảnh báo rằng các con đập ở Lào có thể không chống chịu được với các điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt.

Chiến lược trở thành “ắc quy châu Á” gây tranh cãi của Lào - 3

Người dân Lào đứng trên nóc nhà chờ cứu hộ.

Nếu tiếp tục xảy ra thảm họa vỡ đập như vừa qua, Lào sẽ tốn rất nhiều tiền của để khắc phục sự cố, bồi thường cho người dân.

Chủ thầu Hàn Quốc SK Engineering & Construction, một trong những đơn vị xây dựng đập đập Xe Pian-Xe Namnoy, cho biết họ phát hiện vết nứt trên đập vào sáng ngày 22.7, nhưng đến 21 giờ cùng ngày mới phát cảnh báo tới chính quyền địa phương.

Sau nỗ lực gia cố vết nứt bất thành, nhà thầu bắt đầu cho xả nước một đập chính lúc 3h sáng 23.7. Đến 12 giờ, chính quyền địa phương mới ra lệnh cho người dân ở hạ lưu sơ tán. Đến 20 giờ cùng ngày, đập phụ bị vỡ, nhấn chìm các ngôi làng, cuốn trôi hàng trăm người.

Bên cạnh đó, khi nhà nước tiến hành xây dựng thủy điện, người dân Lào sống trong khu vực phải chuyển đến định cư ở nơi khác mà không được hưởng nguồn tiền thu về từ xuất khẩu điện.

Các nông dân phàn nàn rằng thủy điện nắm quyền điều tiết lượng nước, khiến ruộng đồng của họ có thể bị ngập nước bất cứ lúc nào. Hoạt động xây đập ngăn nước cũng gây ảnh hưởng đến ngành nghề đánh bắt thủy sản.

Báo cáo hồi tháng 4 của Ủy ban sông Mekong cảnh báo, khoảng 40% lượng cá trên sông Mekong sẽ giảm sút ở vùng hạ lưu vì hàng loạt dự án xây đập.

“Người dân sống xung quanh dự án xây đập chỉ càng nghèo đi, chứ không hề được hưởng lợi”, Ian Baird trợ lý giáo sư địa lý tại Đại học Wisconsin-Madison ở Mỹ nói.

“Nguồn thu từ thủy điện không được chia cho người dân là một trong những vấn đề nhức nhối”, ông Baird nói.

Vỡ đập ở Lào: Tiếng nổ hãi hùng và âm thanh kỳ lạ?

7 ngôi làng ở tỉnh Attapeu đã bị nước nhấn chìm hoàn toàn, và làng của cô Chantamart bị ngập tới 9m.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Thảm họa vỡ đập thủy điện ở Lào Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN