Chiến lược nào cho biến thể Delta?

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Làn sóng ca mắc biến thể Delta đang thách thức chiến lược phong tỏa tốn kém từng giúp Trung Quốc thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 hồi năm ngoái

Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế đi lại trong bối cảnh có hơn 500 ca mắc biến thể Delta tại ít nhất 17 tỉnh chỉ trong vòng 2 tuần. Giao thông công cộng và taxi bị cắt giảm ở 144 khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất trong khi các chuyến tàu lửa và tàu điện ngầm ở Bắc Kinh, nơi có 3 ca mắc mới hôm 4-8, cũng bị hạn chế.

Giới chức y tế Trung Quốc hôm 5-8 đã ghi nhận 94 ca mắc mới trong cộng đồng, bao gồm 32 trường hợp không triệu chứng. Bất chấp 61% dân số đã được tiêm phòng, Trung Quốc - một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm phòng cao nhất thế giới - vẫn tiến hành xét nghiệm quy mô lớn và phong tỏa nghiêm ngặt trước làn sóng dịch Covid-19 lớn nhất tại nước này kể từ sau đợt bùng phát đầu tiên ở TP Vũ Hán vào cuối năm 2019.

Khác với "cách tiếp cận không khoan nhượng" của Trung Quốc, các nền kinh tế lớn ở phương Tây chủ yếu dựa vào tiêm chủng nhằm duy trì tỉ lệ nhập viện và tử vong ở mức thấp dù các đợt dịch mới vẫn xảy ra.

Nhà phân tích Sam Fazeli tại bộ phận nghiên cứu Bloomberg Intelligence cho rằng: "Vấn đề đối với Trung Quốc là vắc-xin của họ có nguy cơ giảm hiệu quả đáng kể đối với biến thể Delta. Điều này đồng nghĩa với việc để ngăn chặn Delta, Trung Quốc sẽ phải thực hiện nhiều đợt phong tỏa hơn, dẫn đến tác động nghiêm trọng đối với kinh tế".

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc hôm 3-8. Ảnh: REUTERS

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc - Trung Quốc hôm 3-8. Ảnh: REUTERS

Thay vì phong tỏa, Mỹ đẩy mạnh chương trình tiêm phòng để đối phó biến thể Delta. Mỹ hôm 5-8 ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng cao nhất 6 tháng qua, lên hơn 100.000 ca trong vòng 24 giờ. TS Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, cảnh báo trong những tuần tới, số ca mắc mới có thể tăng gấp đôi lên 200.000 ca trong ngày do biến thể Delta.

Theo Nhà Trắng, số người chưa tiêm chủng chiếm gần 97% ca mắc Covid-19 nặng. Tại Israel, đã có hơn 5,3 triệu người được tiêm đủ hai liều vắc-xin và hơn 262.000 người tiêm liều thứ 3. Tương tự Mỹ, Bộ trưởng Bộ Y tế Israel Nitzan Horowitz hôm 4-8 cho rằng phong tỏa là biện pháp cuối cùng và vẫn có thể tránh được nếu người dân tuân thủ quy định phòng dịch và có nhiều người tiêm phòng hơn.

Reuters cho biết số ca nhiễm toàn cầu đã vượt mốc 200 triệu hôm 4-8 và hơn 4,2 triệu người tử vong. Sự lây lan của biến thể Delta đã đẩy ngưỡng miễn dịch cộng đồng lên hơn 80% và thậm chí 90%, cao hơn nhiều so với ước tính từ 60% đến 70% trước đây, theo Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Mỹ.

Để đạt được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng nói trên là thách thức quá lớn đối với nhiều nước. Theo thống kê của trang Our World in Data, Thái Lan chỉ mới tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 5% dân số trong khi tỉ lệ này ở Philippines là 7,2% và Indonesia là 7,6%.

Úc đến nay chỉ có khoảng 20% số người trên 16 tuổi được tiêm phòng đầy đủ. Sydney, thành phố bị phong tỏa gần 6 tuần qua, hôm 5-8 ghi nhận 5 ca tử vong và 262 ca mắc mới - số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ khi bùng dịch. Cơ quan y tế bang New South Wales cho biết 4 trong 5 ca tử vong tại Sydney chưa được tiêm chủng.

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đã quyết định mở rộng tình trạng khẩn cấp ra thêm 8 tỉnh, có hiệu lực từ ngày 8 đến 31-8. Nhật Bản hôm 5-8 ghi nhận hơn 15.000 ca mắc mới trong một ngày, mức cao chưa từng có, trong khi thủ đô Tokyo cũng chứng kiến số ca mắc kỷ lục là 5.042.

Sau cuộc khủng hoảng vào tháng 4 và 5 vừa qua, Ấn Độ lại đang có xu hướng tăng số ca mắc mới, với gần 43.000 ca ghi nhận hôm 5-8, nâng tổng số ca nhiễm lên 31,8 triệu. Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các bang hạn chế phòng dịch trước sự kiện lễ hội trên toàn quốc. 

Hàn Quốc quyết đột phá

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 5-8 tuyên bố nước này đã lên kế hoạch đầu tư 2.200 tỉ won (1,9 tỉ USD) để trở thành 1 trong 5 trung tâm sản xuất vắc-xin Covid-19 lớn nhất thế giới trước năm 2025. Theo ông Moon, vắc-xin Covid-19 sẽ là một trong ba công nghệ chiến lược của quốc gia bên cạnh chất bán dẫn và pin.

Phát biểu của tổng thống Hàn Quốc được đưa ra trong cuộc họp của một ủy ban công - tư, bao gồm các chuyên gia y khoa và vắc-xin, các quỹ đầu tư và công ty dược hàng đầu trong nước như SK Bioscience, Samsung Biologics, ST Pharm, Ecell..., theo Reuters.

Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Kwon Deok-cheol cho biết kế hoạch bao gồm hỗ trợ phát triển các loại vắc-xin nội địa. Theo ông Kwon, 7 hãng dược trong nước sắp bước vào giai đoạn thứ ba của các cuộc thử nghiệm lâm sàng riêng biệt và Hàn Quốc có thể bắt đầu phân phối các loại vắc-xin "cây nhà lá vườn" vào năm sau.

Thực trạng thiếu hụt vắc-xin Covid-19 khiến Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 4-8 kêu gọi các nước giàu dừng việc tiêm bổ sung liều thứ ba ít nhất là đến cuối tháng 9, thay vào đó ưu tiên chia sẻ vắc-xin cho các nước nghèo.

Ước tính 4,3 tỉ liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm trên toàn thế giới. Tại những quốc gia được Ngân hàng Thế giới xếp loại thu nhập cao, số liều vắc-xin trên mỗi 100 người là 101 liều. Số liệu này rớt xuống còn 1,7 liều trên mỗi 100 người ở 29 nước có thu nhập thấp nhất thế giới. WHO mong muốn mọi quốc gia tiêm chủng ít nhất 10% dân số mình vào cuối tháng 9 tới, ít nhất 40% vào cuối năm nay và 70% vào giữa năm 2022.

Trong khi đó, để đối phó biến thể Delta, Israel, Nga và Hungary đã triển khai tiêm bổ sung, còn Đức và Pháp dự định làm tương tự từ ngày 1-9. Cùng với Anh, Mỹ vẫn đang xem xét về vấn đề tiêm bổ sung song nước này đã đặt thêm 200 triệu liều Pfizer-BioNTech hồi tháng trước.

Thế nhưng, theo chuyên gia bệnh truyền nhiễm của tổ chức "Bác sĩ không biên giới" Elin Hoffmann Dahl, tiêm bổ sung là "tư duy thiển cận". "Với sự xuất hiện của các biến thể mới, nếu phần lớn thế giới vẫn không được tiêm chủng, chúng ta gần như chắc chắn phải điều chỉnh vắc-xin trong tương lai" - ông Dahl phân tích.

Hải Ngọc

Nguồn: [Link nguồn]

Tình hình đối phó biến chủng Delta ở TQ 

Trung Quốc hôm 5/8 ghi nhận 62 ca Covid-19 cộng đồng khi biến chủng Delta tiếp tục lây lan và hàng chục triệu người trên cả...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo XUÂN MAI ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN