Chiến lược miễn dịch cộng đồng chống đại dịch Covid-19 của Thụy Điển
Không phong tỏa, không cách ly, chỉ đưa ra lời khuyên, Thụy Điển dường như không công khai nhưng đã thể hiện chiến lược miễn dịch cộng đồng trước đại dịch Covid-19.
Theo Wall Street Journal (WSJ), các khu trượt tuyết, nghỉ dưỡng , nhà hàng vẫn mở cửa, cuộc sống ở Thụy Điển diễn ra một cách bình thường với các khu mua sắm chật kín người.
Ít người biết rằng Thụy Điển đã ghi nhận 4.028 ca nhiễm Covid-19 và 146 ca tử vong, tính đến ngày 30.3.
Sau khi Anh đã phải thay đổi chiến lược, áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc, Thụy Điển và Hà Lan là những quốc gia hiếm hoi còn lại ở châu Âu có cách tiếp cận khác biệt với đại dịch.
Thụy Điển chỉ khuyến cáo người dân thận trọng, đưa ra các chỉ dẫn và còn lại trông chờ vào hi vọng, xem vài tuần trước chuyện gì sẽ xảy ra, theo WSJ.
Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven.
Sau một mùa đông dài, đường phố ở thủ đô Stockholm phủ kín bởi những quán cà phê, quán bar ngoài trời. Người dân Thụy Điển tận hưởng những ngày cuối tuần thư giãn, tập trung ở khu phố cổ để đón thời tiết ấm áp.
Thụy Điển cho đến nay chỉ áp đặt lệnh cấm tụ tập hơn 50 người, yêu cầu nhà hàng, quán bar chỉ phục vụ cho khách hàng có chỗ ngồi, tránh tình trạng tập trung quá đông.
Theo WSJ, dù không thừa nhận, Thụy Điển đang áp dụng chiến thuật hướng đến miễn dịch cộng đồng, vừa xây dựng hàng rào tự nhiên ngăn virus, vừa tránh để những hệ quả của đại dịch ảnh hưởng đến kinh tế.
Hiện chưa rõ cách tiếp cận của Thụy Điển có thành công hay không, nhưng 4.028 ca nhiễm Covid-19 trên tổng số 10 triệu dân là tương đối lớn. Một quốc gia ở châu Âu khác là Áo có số dân 8,8 triệu người, ghi nhận 9.200 ca nhiễm Covid-19 và đã ban bố tình trạng phong tỏa.
Người dân Thụy Điển vẫn tự do ra nhà hàng, quán cà phê.
Anders Tegnell, chuyên gia dịch tễ học thuộc Cơ quan Y tế Công đồng Thụy Điển nói rằng để virus lây lan với tốc độ chậm nhất, hạn chế tối đa tác động đến người già và người dễ bị tổn thương. Đây là cách để cộng đồng hình thành kháng thể tự nhiên.
“Hai tuần tới sẽ xác định liệu cách tiếp cận của Thụy Điển có thể thành công, hoặc là mọi thứ sẽ diễn ra bình thường, hoặc là chính phủ Thụy Điển phải áp đặt các biện pháp siết chặt mới”, bác sĩ Cecilia Söderberg-Nauclér, công tác tại bệnh viện Karolinska, nói.
Cô dự đoán chính phủ sẽ phải áp đặt biện pháp siết chặt vì tình hình vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Thụy Điển không xét nghiệm đại trà, không cách ly các ca nhiễm nên rất khó chặn đứng bệnh dịch.
Tàu điện ngầm ở Thụy Điển vẫn hoạt động dù số lượng hành khách có giảm.
Thụy Điển hiện khuyến cáo người dân nếu có triệu chứng nhiễm virus thì hãy ở nhà. “Chúng tôi muốn giảm tốc độ lây lan của bệnh dịch đến khi đạt đỉnh, và nếu mức đỉnh không quá nghiêm trọng thì mọi chuyện sẽ diễn ra bình thường”, chuyên gia Tegnell nói.
Khác với làn sóng phản đối ở Anh, một cuộc khảo sát hồi tuần trước cho thấy 80% người dân Thụy Điển ủng hộ cách chống dịch của Thủ tướng Stefan Löfven, trong đó ông Löfven kêu gọi sự tự giác của người dân.
Ở Stockholm, nhiều người đã chủ động tránh nơi đông người hơn. Hoạt động vận tải công cộng chỉ còn hoạt động với công suất bằng 50% so với bình thường.
Vấn đề nằm ở chỗ khác biệt văn hóa giữa Thụy Điển và các quốc gia châu Âu khác như Italia. Ở Thụy Điển, các thế hệ trong gia đình không tương tác, tiếp xúc với nhau nhiều, từ đó tốc độ lây lan virus cũng rất khác, theo WSJ.
Bệnh viện dã chiến ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển.
Người Thụy Điển cũng có thói quen sống riêng, dù là ở một mình, hơn là quây quần bao gồm nhiều thế hệ trong cùng một mái nhà.
Mặt khác, giới chức Thụy Điển cũng phải cân nhắc hệ quả của việc phong tỏa so với những tổn thất kinh tế. Nói cách khác, nếu tình hình không trở nên nghiêm trọng, giới chức Thụy Điển sẽ không áp đặt biện pháp mạnh chống virus.
“Đây là một cách tiếp cận tiềm ẩn rủi ro đối với người dân”, Joacim Rocklöv, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Umeå, một trong số những người chỉ trích chiến lược chống dịch của chính phủ, nói. “Thật rủi ro khi để người dân tự quyết định sự an toàn của bản thân mà không có bất kì hạn chế nào”.
Ông Rocklöv nói theo đuổi chiến lược miễn dịch cộng đồng chỉ càng tạo sức ép cho hệ thống y tế và kết quả là có một lượng lớn người tử vong.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Thời tiết ấm áp, các trận cầu Champions League và nhiều sự kiện lớn khác, những căn nhà ở bãi biển và văn hóa uống...