Chiến lược cho "thời đại tái nhiễm"
Có những điều chúng ta có thể thực hiện để trong khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục tồn tại và phát triển, con người vẫn có thể duy trì cuộc sống của mình, giáo sư Devi Sidhar nhấn mạnh
Trong bài xã luận đăng tải trên The Guardian, giáo sư Devi Sidhar, Chủ tịch Y tế công cộng toàn cầu tại Đại học Edinburgh (Scotland - Anh), viết: "Chào mừng đến với thời đại tái nhiễm của Covid-19".
Đảo chiều vì biến chủng mới
Theo phân tích của giáo sư Sidhar, niềm hy vọng tạo miễn dịch cộng đồng tự nhiên để bảo vệ nhóm nguy cơ và chấm dứt đại dịch của các nước châu Âu hồi năm 2020 đã "thất thủ".
Họ thất bại so với các quốc gia Đông Á với chính sách cách ly kiểm dịch nghiêm ngặt cho đến khi có vắc-xin. Hiện nay ở Anh, ước tính 98% dân số đã có miễn dịch nhờ tiêm chủng hoặc mắc bệnh hoặc cả hai nhưng Covid-19 vẫn không biến mất.
Biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 "thoát miễn dịch" làm thay đổi tất cả. Các ca tái nhiễm ngày càng tăng, đôi khi xảy ra tương đối nhanh sau lần lây nhiễm ban đầu. Mới đây, theo Reuters, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thừa nhận vắc-xin Covid-19 rất tốt trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng và tử vong nhưng lại kém hiệu quả trong việc phòng ngừa lây nhiễm Omicron.
Vì vậy, theo giáo sư Sidhar, đã đến lúc chấp nhận thực tế là SARS-CoV-2 sẽ tiếp tục lưu hành và chúng ta có thể mắc nó nhiều lần trong đời. Vấn đề chúng ta phải đối mặt đã chuyển từ giảm tỉ lệ tử vong sang làm thế nào để duy trì hoạt động xã hội, kinh tế.
Người dân xem cảnh bắn đại bác để đánh dấu hoàng hôn và kết thúc ngày ăn chay trong tháng lễ Ramadan ở Dubai (UAE) ngày 12-4. Nhiều người vẫn giữ thói quen đeo khẩu trang ngay cả ở ngoài trời Ảnh: REUTERS
Covid-19 vẫn chưa nhẹ đến mức có thể coi hoàn toàn là cảm lạnh thông thường, bởi một số người đã mệt tới mức không thể làm việc. Điều này tạo sự gián đoạn diện rộng trong mọi hoạt động kinh tế và các hoạt động thiết yếu như giáo dục, y tế, hệ thống cung ứng thực phẩm.
Và dù biến chủng Omicron nhẹ hơn Delta, nó vẫn gây ra nhập viện và tử vong, nhất là ở những người chưa tiêm chủng hoặc dễ tổn thương về mặt lâm sàng (bao gồm một số người không đáp ứng tốt với vắc-xin), người cao tuổi.
"Siết" đúng chỗ để mở đường cho kinh tế
Trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Medicine, giáo sư Devi Sidhar và các cộng sự đề xuất 3 chiến lược chính.
Đầu tiên đó là bộ 3: xét nghiệm - trị liệu (đặc biệt là thuốc kháng virus) - vắc-xin phải được các chính phủ sử dụng nhịp nhàng, thay cho các biện pháp can thiệp thô sơ, phi dược phẩm của năm 2020. Theo bà, vẫn cần để người bệnh tạm nghỉ ngơi tại nhà, không chỉ vì sức khỏe của họ mà còn để tránh việc xuất hiện các chùm ca tại nơi làm việc, nhiều người cùng mệt phải nghỉ, dẫn đến gián đoạn hoạt động. Vắc-xin nên được bao phủ ít nhất 70% trong mỗi cộng đồng.
Thứ hai là các kế hoạch phản ứng nhanh luôn sẵn sàng, song song với các nới lỏng: luôn phải chủ động phòng xa một biến chủng mới có thể làm thay đổi quỹ đạo của đại dịch như cách Alpha, Delta hay Omicron đã làm.
Thứ ba, đó là duy trì xét nghiệm nhanh để phát hiện người bệnh và đeo khẩu trang - ít nhất là một chiều ở những đối tượng nguy cơ và lực lượng y tế. Điều này nhằm bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương.
Đề xuất của giáo sư Sidhar cũng trùng khớp với các nội dung trong tuyên bố về cuộc họp lần thứ 11 về quy định y tế quốc tế của Ủy ban Khẩn cấp về đại dịch virus Corona (Covid-19) mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ban hành.
WHO cũng khuyến nghị bỏ các lệnh cấm liên quan đến thông thương quốc tế, tiếp tục điều chỉnh các biện pháp đi lại dựa trên đánh giá rủi ro. Các lệnh cấm du lịch, xuất nhập cảnh rõ ràng đã thất bại với Omicron. Đồng thời, WHO nhấn mạnh không yêu cầu bằng chứng đã tiêm vắc-xin Covid-19 (tức "hộ chiếu vắc-xin") đối với du khách quốc tế.
Trên thực tế, giá trị của các khuyến nghị WHO đưa ra hay đề xuất của giáo sư Sidhar đã được chứng minh bởi thành công của một số quốc gia.
Đài CNN phân tích thành công ở 20 thành phố được coi là "điểm đến hàng đầu" của du lịch theo bảng xếp hạng mới nhất của Euromonitor. Trong khi thành phố đứng đầu là Paris (Pháp) tốt về mọi mặt nhưng có điểm trừ lớn ở mục "sức khỏe và an toàn" thì thành phố xếp thứ 2 là Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE) được coi là hoản hảo.
Không chỉ có điểm cao về chính sách du lịch, hạ tầng..., Dubai còn là một trong những thành phố được đánh giá cao về sức khỏe và an toàn. Bí quyết của Dubai rất đơn giản: tính đến tháng 4-2022, hơn 98% dân số Dubai đã được tiêm phòng và họ vẫn giữ quy định đeo khẩu trang bắt buộc ở các không gian công cộng trong nhà.
Lao động nhập cư: Chật vật đủ kiểu Tình trạng phong tỏa hỗn loạn ở TP Thượng Hải buộc người lao động nước ngoài phải suy nghĩ lại về việc tiếp tục định cư ở trung tâm tài chính của Trung Quốc. Chính quyền TP Thượng Hải dần nới lỏng lệnh phong tỏa ở một số khu vực nhưng với việc chính phủ Trung Quốc tái khẳng định tiếp tục theo đuổi chính sách "không Covid-19", nguy cơ tiếp tục phong tỏa trong tương lai khiến nhiều người nước ngoài sống tại đây lo lắng. Ông Simon Manetti, một người Úc đã sống ở Thượng Hải 12 năm, cho biết một nhóm nhỏ người nước ngoài rời khỏi Thượng Hải kể từ năm 2020 vì nhiều lý do khác nhau và điều đó đang gia tăng. Giống với nhiều người dân Thượng Hải, gia đình ông Manetti cũng rơi vào tình trạng thiếu lương thực do nguồn cung gián đoạn. Ông Cameron Wilson, người Scotland đã sống ở TP Thượng Hải 16 năm, cho biết cộng đồng người nước ngoài ở Thượng Hải đã bắt đầu thu hẹp. Ông Wilson tiết lộ đang tìm kiếm cơ hội để đưa gia đình đến nơi khác. Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại đây cũng đã khiến một số người nước ngoài không muốn trở lại. Trong nỗ lực chung sống với Covid-19 và tìm kiếm lao động nhập cư, chính phủ Canada từ tháng 4 đã chấm dứt yêu cầu xét nghiệm trước khi nhập cảnh đối với những người đã tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ Canada cho biết các doanh nghiệp sẽ không phải trực tiếp thuê chỗ ở cho người lao động nhưng sẽ bảo đảm chỗ ở an toàn, phù hợp và giá cả phải chăng. Trong khi đó, Malaysia đang tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng lao động do đại dịch Covid-19 gây ra. Nước này dự kiến thuê gần 180.000 lao động nhập cư trong vòng 6 tuần tới. Một ủy ban đặc nhiệm họp từ ngày 15-4 để đẩy nhanh quy trình phê duyệt, theo hãng thông tấn Bernama. Tại Singapore, những lao động nhập cư đã được tiêm phòng sẽ không cần xuất trình xác nhận tiêm chủng để đến các trung tâm giải trí từ ngày 1-4 và các biện pháp phòng dịch sẽ được nới lỏng đối với các lao động sống trong ký túc xá. Xuân Mai |
Nguồn: [Link nguồn]
Vào thời điểm nhiều thành phố của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, khả năng lây truyền virus từ đồ vật sang người đang trở thành tâm điểm chú ý của người...