Chiến hạm mới nhất của Triều Tiên có thể mang theo vài chục tên lửa
Hình ảnh vệ tinh cho thấy lớp tàu chiến mới của Triều Tiên có thể được trang bị hàng chục ống phóng thẳng đứng để phóng loại tên lửa mà nước này đã sở hữu. Đây được coi là bước tiến của Bình Nhưỡng, giúp lực lượng hải quân nâng cao năng lực tác chiến và có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài.
Hình ảnh tàu khu trục mới của Triều Tiên đang được chế tạo. (Ảnh: Planet Labs)
Chưa có nhiều thông tin được công bố về lớp tàu đang được Triều Tiên chế tạo tại các xưởng đóng tàu Chongjin và Nampo.
Tháng 12 năm ngoái, quân đội Hàn Quốc cho biết lớp tàu này sẽ có trọng tải khoảng 4.000 tấn, tương đương một nửa kích thước tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ. Tuy nhiên, hình ảnh chụp con tàu tại Nampo vào tuần cuối tháng 3 cho thấy các khoang trên boong tàu đủ lớn để chứa hơn 50 tên lửa tùy loại, nhà nghiên cứu Jeffrey Lewis cho biết.
"Đó là những khoang khá lớn. Tôi nghĩ 32 (tên lửa) ở phía trước và một vài tên lửa ở phía sau sẽ là con số rất hợp lý. Hoặc có thể là tên lửa đạn đạo với số lượng ít hơn”, ông Lewis - giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân Đông Á thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California, cho biết.
Hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) cho phép tàu mang nhiều tên lửa hơn, phóng và nạp đạn dễ dàng hơn. |
Ông Lewis cho biết Triều Tiên đã phát triển một số loại tên lửa khác nhau tương thích với các VLS, nhưng chưa từng triển khai trên bất kỳ tàu nổi nào trước đây. Các loại đó bao gồm tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa hành trình tấn công mặt đất, tên lửa phòng không và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.
Ông Euan Graham, một nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách chiến lược Úc, cho biết vũ khí của tàu mới có vẻ tương đương tiêu chuẩn của Hải quân Hàn Quốc. "Tôi nghĩ chúng ta phải nghiêm túc thực hiện những cải tiến thông thường, vì Triều Tiên dù có nguồn lực hạn chế vẫn đầu tư vào vũ khí hạt nhân để thu hẹp khoảng cách răn đe với Hàn Quốc và Mỹ”, ông Graham nói.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã công bố những bức ảnh đầu tiên về con tàu vào tháng 12 năm ngoái, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un thực hiện chuyến thị sát.
Sau đó, ông Kim cũng đã thăm các xưởng đóng tàu, nơi Triều Tiên đang chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của họ.
"Những tàu chiến cực kỳ mạnh mẽ đóng vai trò răn đe hạt nhân mạnh mẽ chống lại 'ngoại giao pháo hạm' thường thấy của các thế lực thù địch", truyền thông Triều Tiên dẫn lời ông Kim phát biểu khi đó.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc chưa đưa ra bình luận.
Theo ông Lewis, mức độ tương thích với VLS sẽ giúp tên lửa của Triều Tiên trở nên hấp dẫn hơn khi xuất khẩu sang quốc gia bị cô lập hoặc không đủ tiền mua từ các nhà cung cấp vũ khí khác.
“Những tên lửa của Triều Tiên đó có thể không tốt bằng các tên lửa tương tự của Nga, nhưng chúng rẻ hơn rất nhiều", ông Lewis nói.
Theo chuyên gia Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam tại Singapore, các tàu mới của Triều Tiên dù hiện đại hơn những tàu khác trong hạm đội của nước này, nhưng có thể không tạo ra nhiều khác biệt nếu xảy ra xung đột. Ông cho rằng các tàu Triều Tiên khó có thể hoạt động cách xa bờ biển Triều Tiên và lạc hậu hơn công nghệ tàu chiến của Hàn Quốc và Mỹ nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng điều đó cho thấy Bình Nhưỡng nghiêm túc về các khoản đầu tư để nâng cao năng lực hải quân. "Hải quân Triều Tiên chủ yếu làm nhiệm vụ phòng thủ bờ biển. Vì vậy, họ có thể đang cố gắng cải thiện năng lực của hạm đội", ông Koh nói.
Năm ngoái, Chủ tịch Kim nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sức mạnh hải quân. 38 North, một chương trình giám sát Triều Tiên có trụ sở tại Washington, gần đây đưa tin Bình Nhưỡng đã hoàn thiện công tác trang bị cho tàu ngầm tên lửa đạn đạo Sinpo-C mới nhất.
Triều Tiên ngày 10/3 phóng nhiều tên lửa đạn đạo về phía biển Hoàng Hải khi Mỹ và Hàn Quốc khai màn cuộc tập trận quân sự quy mô lớn Freedom Shield....
Nguồn: [Link nguồn]
-02/04/2025 17:03 PM (GMT+7)