Chiến dịch xâm nhập hé lộ năng lực giữ bí mật của Ukraine

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Quân đội Ukraine giữ được bí mật và bất ngờ trong cuộc tấn công vào tỉnh Kursk của Nga, dù chiến trường hiện đại luôn bị giám sát chặt chẽ.

Chiến dịch tấn công qua biên giới đầy tham vọng của Ukraine bắt đầu vào sáng 6/8, khi quân đội nước này xâm nhập tỉnh Kursk, miền tây nước Nga, khu vực giáp tỉnh Sumy của Ukraine. Các đơn vị Ukraine nhanh chóng tiến sâu vào lãnh thổ đối phương trong những ngày tiếp theo và đến 11/8 đã tiếp cận được các ngôi làng nằm cách biên giới 25-30 km, theo Bộ Quốc phòng Nga.

Không rõ quân đội Ukraine hiện kiểm soát bao nhiêu diện tích lãnh thổ tại tỉnh Kursk. Mục đích của Kiev khi mở chiến dịch này cũng chưa rõ ràng, song giới quan sát nhận định đây có thể là cách để Ukraine giành lợi thế trên bàn đàm phán với Nga, đánh lạc hướng Điện Kremlin, nâng cao sĩ khí của quân mình hoặc khiến đối phương phải phân tán lực lượng ở các mặt trận khác để đối phó.

Bất kể ý định của Kiev là gì, chiến dịch tấn công bất ngờ này đã thể hiện được năng lực giữ bí mật đến phút chót của quân đội Ukraine, khiến Nga gần như không nắm được thông tin gì trước đó để có biện pháp đối phó.

Ngôi nhà bị hư hại do trúng đạn pháo Ukraine ở thị trấn Sudzha tại tỉnh Kursk hôm 6/8. Ảnh: Văn phòng thống đốc tỉnh Kursk

Ngôi nhà bị hư hại do trúng đạn pháo Ukraine ở thị trấn Sudzha tại tỉnh Kursk hôm 6/8. Ảnh: Văn phòng thống đốc tỉnh Kursk

Người dân địa phương tại tỉnh Kursk cho biết họ không được thông báo bất cứ thông tin gì về động thái quân sự của Ukraine để lên phương án chuẩn bị. Người dân một số làng thậm chí phải tháo chạy từ trước khi lệnh sơ tán được chính phủ đưa ra.

Một số blogger quân sự Nga cũng chỉ trích gay gắt Điện Kremlin về những gì họ cho là thất bại của Moskva trong việc chuẩn bị và đối phó với chiến dịch xuyên biên giới của đối phương, theo Viện nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ.

"Dù một số người nhận định chiến trường hiện nay đã trở nên 'trong suốt', nơi mọi chuyển động của binh sĩ và phương tiện đều bị theo dõi, cuộc tấn công đã chứng minh rằng vẫn có thể đạt được yếu tố bất ngờ ở cấp độ chiến thuật trong giai đoạn này của cuộc xung đột tại Ukraine", Franz-Stefan Gady, thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS), cho biết.

Giới phân tích quân sự và các quan chức phương Tây đang tranh luận về ý kiến cho rằng xung đột hiện nay ở Ukraine là "chiến trường trong suốt", hay ít nhất là bằng chứng cho thấy yếu tố bất ngờ trong giao tranh thời hiện đại đang ngay càng trở nên hiếm hoi trước sự hiện diện thường trực của các thiết bị tình báo, trinh sát, giám sát hiện đại.

Tại chiến trường Ukraine, cả hai phe thường xuyên sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để thu thập thông tin và săn tìm vị trí của đối phương, bên cạnh các phương pháp giám sát, trinh sát truyền thống khác. Các công cụ này giúp họ gần như nắm rõ "nhất cử, nhất động" của kẻ địch, qua đó có thể triển khai chiến thuật đối phó hợp lý.

Riley Bailey, chuyên gia về Nga tại ISW, cho biết địa hình bằng phẳng ở Ukraine và sự phổ biến của drone khiến các vũ khí hạng nặng như xe tăng rất khó giữ được bí mật đến phút chót.

"Chiến tranh cơ giới hóa chủ yếu phụ thuộc vào yếu tố bất ngờ, tức là khả năng di chuyển nhanh chóng và khiến đối phương không kịp phản ứng", ông nhận định. "Các dấu hiệu trên tiền tuyến hiện nay cho thấy chiến thuật này không còn khả thi".

Từ đầu xung đột, cả Nga và Ukraine cũng đã nhiều lần đăng video triển khai drone trinh sát để chỉ thị mục tiêu cho các cuộc tấn công bằng tên lửa, rocket, bom dẫn đường và drone tự sát vào khí tài giá trị cao của đối phương.

Máy bay không người lái theo dõi, chỉ thị mục tiêu để Nga phóng tên lửa Iskander tập kích xe phòng không Ukraine trong video đăng ngày 7/8. Video: BQP Nga

Dù vậy, năng lực quan sát chiến trường của hai phe chưa hẳn đã toàn diện và vẫn tồn tại kẽ hở để bên còn lại có thể khai thác.

Chuyên gia Gady nhận định lý do giúp Ukraine đạt thành công bước đầu trong chiến dịch xuyên biên giới dường như là vì họ đã "làm gián đoạn nghiêm trọng quang phổ điện từ của các hệ thống liên lạc Nga", ngăn các lực lượng đối phương và giới chức tỉnh Kursk liên hệ với nhau, giúp Kiev giữ được tính bất ngờ của chiến dịch cho đến phút chót.

Để duy trì được điều này, Ukraine được cho là đã giữ bí mật với cả Mỹ, quốc gia ủng hộ Kiev mạnh mẽ nhất từ đầu xung đột. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller hôm 7/8 nói Kiev không báo trước cho Washington về kế hoạch đưa quân vào Kursk, dù lưu ý đây là điều bình thường với các hoạt động quân sự.

"Mức độ đánh lừa về mặt chiến lược, chiến thuật và chiến dịch mà Ukraine thể hiện trong quá trình lập kế hoạch, tập hợp lực lượng và thực hiện chiến dịch đang diễn ra ở tỉnh Kursk là rất xuất sắc", Mick Ryan, thiếu tướng Australia về hưu và là chuyên gia về các hình thức phát triển trong chiến tranh, cho biết. "Có lẽ chúng ta giờ đã có thể từ bỏ quan điểm sai lầm về cái gọi là 'chiến trường trong suốt'".

Tác động từ chiến dịch xuyên biên giới của Ukraine, đặc biệt là với giới lãnh đạo Nga, cũng rất đáng chú ý. Cuộc tấn công được cho là đang khiến các lãnh đạo, chỉ huy Nga lâm vào tình thế khó xử, phải chứng minh rằng họ vừa có khả năng bảo vệ biên giới, vừa có thể tiếp tục duy trì cuộc chiến hao người tốn của tại Ukraine.

Binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến trong bức ảnh đăng ngày 8/8. Ảnh: Quân đội Ukraine

Binh sĩ Ukraine trên tiền tuyến trong bức ảnh đăng ngày 8/8. Ảnh: Quân đội Ukraine

Chiến dịch của Ukraine đã khiến các chỉ huy quân sự Nga phần nào xấu hổ, vì họ "không phát hiện được hay đáp trả một cách thích đáng" đối phương, Gady cho hay.

Vấn đề hiện nay của Ukraine là liệu quân đội nước này có thể đạt được mục tiêu mà Kiev đã đề ra khi mở chiến dịch hay không. Nếu cuộc tấn công này được thực hiện nhằm mục đích đánh lạc hướng, thu hút sự chú ý hoặc tạo lợi thế trên bàn đàm phán trong tương lai, Ukraine sẽ cần rất nhiều đạn dược, nhân lực, phương tiện để có thể duy trì và thực sự giữ vững đà tiến.

Đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn, khi quân đội nước này vốn không có nhiều nguồn lực để có thể chia sẻ cho các mặt trận.

"Nếu các lữ đoàn Ukraine di chuyển nhanh hơn lực lượng pháo binh, phòng không và hậu cần, họ có thể rơi vào tình trạng bị cô lập và áp đảo về hỏa lực ở sâu trong tỉnh Kursk. Ukraine đang mạo hiểm với hàng nghìn binh sĩ mà nước này không dễ dàng thay thế", chuyên gia quân sự David Axe của Forbes cho biết.

Quân đội Nga cũng đang gấp rút hành động để có thể ngăn chặn đà tiến của đối phương. Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine (CDS), viện nghiên cứu độc lập của Kiev, cho biết không quân Nga đang được điều động từ các mặt trận khác đến để tập kích lực lượng Ukraine trong và gần tỉnh Kursk. Trong báo cáo hàng ngày hôm 10/8, CDS cho biết khoảng 50% số vụ tấn công bằng bom lượn của Nga hiện tập trung ở tỉnh Kursk và Sumy.

"Bằng việc thống trị mặt trận thông tin, Ukraine báo hiệu cho các đối tác phương Tây rằng Kiev có khả năng lập kế hoạch và tiến hành những chiến dịch quân sự một cách bí mật", chuyên gia Gady cho hay. "Điều này cũng nhằm cho Nga thấy rằng Ukraine có thể mang xung đột đến lãnh thổ đối phương".

Vị trí tỉnh Kursk. Đồ họa: AFP

Vị trí tỉnh Kursk. Đồ họa: AFP

Nguồn: [Link nguồn]

Nga đối phó cuộc tấn công của Ukraine ở vùng Kurks bằng cách bịt các lỗ hổng phòng ngự, khóa chặt các hướng chính mà Ukraine có thể tiến công.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Giang (Business Insider, Forbes) ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN