Chiến dịch "vét sạch bát đĩa" của ông Tập: Quyết dùng biện pháp mạnh

Sau khi Chủ tịch Trung Quốc – ông Tập Cận Bình – phát động chiến dịch “vét sạch bát đĩa” và thúc giục một cơ chế mạnh tay, dài hạn nhằm chặn tình trạng lãng phí thực phẩm, cơ quan lập pháp Trung Quốc cho biết, họ sẽ xây dựng quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề này.

Tấm bảng nhỏ khuyến khích mọi người không nên lãng phí thực phẩm trên bàn ăn ở một nhà hàng Trung Quốc (ảnh: Straits Times)

Tấm bảng nhỏ khuyến khích mọi người không nên lãng phí thực phẩm trên bàn ăn ở một nhà hàng Trung Quốc (ảnh: Straits Times)

“Pháp luật hiện hành cũng có một số quy định nhằm ngăn chặn lãng phí. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa có biện pháp đủ mạnh và đồng nhất để giải quyết vấn đề lãng phí thực phẩm”, Zhang Guilong – thành viên Ủy ban Lập pháp Trung Quốc – nói.

Ủy ban Lập pháp Trung Quốc cho biết, cơ quan này sẽ bổ sung thêm nhiều điều luật cụ thể về vấn đề lãng phí thực phẩm – biện pháp được cho là mạnh tay nhất của Bắc Kinh để giải quyết số lượng lớn thực phẩm bị bỏ phí mỗi năm.

Khảo sát của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho thấy, có tới 18 triệu tấn thực phẩm bị vứt bỏ ở các thành phố lớn vào năm 2015. Số thực phẩm này đủ để 30 – 50 triệu người ăn trong vòng một năm.

Trong khi Trung Quốc xây dựng quy định pháp luật, nhiệm vụ tuyên truyền tiết kiệm thực phẩm được giao cho những trang mạng xã hội và truyền thông.

Đại diện ứng dụng TikTok (ở Trung Quốc gọi là Douyin) cho biết, họ đang thực hiện một số biện pháp kiểm soát việc phát trực tiếp các chương trình ăn uống. Một số các chương trình thi ăn sẽ bị hạn chế người xem trên Douyin.

Các mạng xã hội lớn khác ở Trung Quốc như Sina Weibo, Kuaishou cũng đưa ra tuyên bố tương tự, cam kết kiểm duyệt nội dung.

Gần đây, một số thanh niên muốn thu hút sự chú đã thực hiện video quay cảnh ăn nhiều rồi đăng lên mạng xã hội để khoe khoang. Họ thường nôn ra những gì đã ăn. Hành động đó bị cư dân mạng “ném đá” dữ dội, theo Thời báo Hoàn cầu.

Theo Thời báo Hoàn cầu, việc phát động chiến dịch “vét sạch bát đĩa 2.0” là cần thiết khi chiến dịch tương tự được triển khai hồi năm 2013 đã hạn chế hiệu quả những bữa tiệc linh đình, xa hoa của giới chức.

Theo kênh CNN, quan hệ căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây đang khiến việc nhập khẩu thực phẩm của Bắc Kinh trở nên khó khăn hơn. Mưa lũ kéo dài cũng đe dọa nghiêm trọng đến sản lượng lúa và ngô của quốc gia tỷ dân.

Giới trẻ Trung Quốc nên được giáo dục về sự quý giá của thực phẩm (ảnh: Hoàn cầu)

Giới trẻ Trung Quốc nên được giáo dục về sự quý giá của thực phẩm (ảnh: Hoàn cầu)

“Nhiệm vụ cấp bách đối với Trung Quốc trong 2 – 3 năm tới là dự trữ lương thực. Mặc dù sản lượng lương thực của Trung Quốc đã tăng trong thời gian gần đây, nhưng chúng ta vẫn cần cảnh giác vì đại dịch vẫn lây lan ở nhiều nơi trên thế giới. Thị trường toàn cầu cũng đang bất ổn”, Huang Jikun, Giám đốc Trung tâm Chính sách Nông nghiệp Trung Quốc, nhận định.

Trước đó, ông Tập cho rằng, đại dịch Covid-19 đang “gióng lên hồi chuông cảnh báo” về an ninh lương thực.

Ông Tập cho rằng, tiết kiệm thức ăn là truyền thống đáng quý của người Trung Quốc và cần được phát huy.

Nhiều nhà hàng đã hưởng ứng chiến dịch của Chủ tịch Trung Quốc. Họ chuẩn bị phần ăn vừa phải cho thực khách, khuyến khích mang thức ăn thừa về nhà và giảm tiền cho những người tiết kiệm thức ăn thừa.

“Chúng tôi sẽ xây dựng quy định mới, hướng dẫn rõ ràng về việc tránh lãng phí thực phẩm từ khâu sản xuất, thu mua, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ”, ông Zhang nói.

Zhang Siying, 56 tuổi, một biên tập viên ở Bắc Kinh cho biết, bà thấy “rất tức giận” khi giới trẻ ngày nay thường xuyên bỏ phí thức ăn thừa.

“Thế hệ chúng tôi từng phải trải qua thời kỳ khó khăn khi lương thực, thực phẩm bị hạn chế mua. Chúng tôi phải để dành tấm phiếu mua thịt quý giá cho các dịp lễ tết hay nhà có khách quý. Hồi đó, trên bàn ăn không bao giờ có thức ăn thừa. Bố tôi luôn dạy tôi phải quý trọng đồ ăn. Giới trẻ ngày nay ít người trải qua sự thiếu thốn và chúng ta nên giáo dục họ về sự quý giá của thực phẩm”, bà Zhang Siying chia sẻ.

Han Changfu – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc – cho rằng, một số quốc gia đã hạn chế việc xuất khẩu lương thực và thị trường đang đối mặt với biến động giá cả. Vì vậy, Trung Quốc cần đảm bảo nguồn cung dồi dào, ổn định.

“Bảo vệ an ninh lương thực là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài. Chúng ta không được phép lơ là, chủ quan”, Han Changfu nhận xét.

Theo Cục Thống kê Quốc gia, năm ngoái, sản lượng lương thực của Trung Quốc đạt 660 triệu tấn.

Nguồn: [Link nguồn]

TQ: Hưởng ứng ”vét sạch bát đĩa” sai cách, nhà hàng gánh họa vì chuyện cái cân

Một nhà hàng nổi tiếng ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đang bị dư luận và mạng xã hội chỉ trích dữ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam – Hoàn cầu, Straits Times ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN