Chiến dịch "vét sạch bát đĩa" của ông Tập gặp thách thức từ truyền thống "hiếu khách"
Trong lịch sử, sự thiếu thốn dạy cho người Trung Quốc giá trị của tiết kiệm nhưng việc bày tỏ lòng hiếu khách tại quốc gia tỷ dân lại được thể hiện qua số lượng thức ăn thừa.
Theo SCMP, người Trung Quốc thường "đong đếm" lòng hiếu khách bằng lượng thức ăn thừa. Ảnh: Shutterstock
Theo SCMP, quý trọng thức ăn là một trong những điều đầu tiên được dạy cho học sinh Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng lãng phí thực phẩm ở quốc gia đông dân nhất thế giới đã trở nên phổ biến, tới mức Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải kêu gọi cả nước hành động thông qua chiến dịch "vét sạch bát đĩa".
Ông Tập muốn người Trung Quốc xem xét lượng rác thải thực phẩm "gây sốc" dưới góc nhìn về một cuộc khủng hoảng trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Theo SCMP, muốn tránh lãng phí thực phẩm cần phải có sự thay đổi về văn hóa của người Trung Quốc, vốn "đong đếm" lòng hiếu khách bằng lượng thức ăn thừa.
Theo một báo cáo năm 2018 của Viện nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên và khoa học địa lý, thuộc Học viện khoa học Trung Quốc, mỗi thực khách của ngành công nghiệp ăn uống đã lãng phí trung bình 11,7% bữa ăn của họ. Trong các cuộc tụ tập đông người, tỷ lệ này tăng lên con số 38%. Học sinh, sinh viên được cho là đã bỏ thừa 1/3 lượng thức ăn trong các bữa trưa ở trường, báo cáo năm 2018 cho hay.
Chuẩn bị hoặc gọi nhiều thức ăn hơn mức cần thiết từ lâu đã được coi là biểu tượng của lòng hiếu khách và vị thế xã hội ở Trung Quốc. Ngoài ra, các chuyên gia nhận định sự thịnh vượng trong những thập kỷ gần đây cũng góp phần tạo ra thói quen lãng phí.
Zhu Qizhen, giáo sư tại Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, cho biết người Trung Quốc có truyền thống tiết kiệm. Đây là hệ quả của một quốc gia từng có thời gian dài đối mặt với nạn đói và thiếu thốn. Nhưng một nghịch lý xuất hiện khi việc thể hiện lòng hiếu khách lại được xem xét qua các bữa tiệc thịnh soạn, ngập tràn đồ ăn thức uống - dẫn đến việc lãng phí thực phẩm.
"Thế nào là một bữa tiệc thịnh soạn? Một tiêu chuẩn quan trọng là số lượng thức ăn thừa", giáo sư Zhu nói.
Ma Linhui, 70 tuổi tới từ thành phố Thượng Hải, cho biết ông đồng tình với quan điểm của cha mình khi coi việc đối đãi tốt với khách là vấn đề "thể diện" (sự tôn trọng và danh dự).
"Chúng tôi không có nhiều thứ để ăn khi còn nhỏ. Nhưng chúng tôi sẽ mang tất cả đồ ăn thức uống đã tích trữ trong vài tháng để chiêu đãi khi có khách ghé chơi. Nếu không chuẩn bị tươm tất, chúng tôi sẽ mất thể diện", người đàn ông 70 tuổi cho biết.
"Thậm chí ngày nay, khi tôi nấu ăn cho con gái và các cháu của mình, tôi sẽ vô cùng khó xử nếu thấy bát đĩa sạch trơn. Nó khiến tôi cảm thấy mình chưa chuẩn bị đủ thức ăn cho con cháu", ông Linhui chia sẻ thêm.
Theo giáo sư Zhu, sự tăng trưởng kinh tế phi thường của Trung Quốc và những vụ mùa bội thu trong những thập kỷ gần đây đã đưa xã hội Trung Quốc từ tình trạng thiếu lương thực đến thừa thãi. Trong bối cảnh đó, việc tiết kiệm hay bị đánh đồng thành keo kiệt.
"Hãy nhìn việc nông dân đang chật vật bán nông sản bạn sẽ thấy không còn sự thiếu thốn. Mặc khác, chúng ta đang khuyến khích tiêu dùng để kích thích nền kinh tế. Ở một mức độ nào đó, điều này cũng đang khuyến khích sự lãng phí", giáo sư Zhu nói thêm.
Jing Linbo, Phó chủ tịch Hiệp hội Ẩm thực Trung Quốc, cho biết một cuộc khảo sát do tổ chức của ông thực hiện đã phát hiện ra các buổi họp mặt kinh doanh và tiệc tùng do các quan chức Trung Quốc tổ chức, sử dụng công quỹ, là nguyên nhân gây ra 80% lượng thực phẩm lãng phí trong các nhà hàng. “Mọi người đặc biệt hào phóng khi dùng công quỹ", ông Jing cho biết.
Chiến dịch "vét sạch bát đũa" do ông Tập Cận Bình khởi xướng. Ảnh: Reuters
Một cuộc "trấn áp" đối với việc tiêu xài hoang phí công quỹ là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập, bắt đầu vào cuối năm 2012.
Tiếp theo là vào đầu năm 2013 với một chiến dịch toàn quốc mang tên “bát đĩa sạch trơn” nhằm loại bỏ lãng phí thực phẩm. Kể từ đó, tiêu dùng công quỹ đã giảm xuống, nhưng tình trạng lãng phí thực phẩm không cải thiện nhiều, theo ông Jing.
Theo Jing, các nhà hàng cũng thất bại trong việc nhắc nhở thực khách tránh lãng phí thực phẩm. Thậm chí, một số nhà hàng còn khuyến khích những đơn hàng lớn hơn, làm trầm trọng thêm tình trạng lãng phí thực phẩm. "Đó không phải là vấn đề có thể thay đổi một sớm một chiều. Việc xây dựng văn hóa tiêu dùng tốt cần một nỗ lực dài hạn", ông Jing nói.
Nỗ lực tránh lãng phí thực phẩm khởi xướng từ lời kêu gọi của ông Tập đã được bắt đầu, với việc chính quyền địa phương ban hành một loạt biện pháp chi tiết để hạn chế tiêu thụ thực phẩm. Vũ Hán, thành phố đầu tiên trên thế giới ghi nhận ca nhiễm Covid-19, là một trong những nơi đầu tiên triển khai chế độ gọi đồ mới cho các nhà hàng.
Nhóm 10 thực khách sẽ gọi đồ ăn dự kiến cho 9 người, chỉ gọi thêm đồ vào bàn ăn khi thức ăn đã hết và vẫn có nhu cầu ăn tiếp. Các nhà hàng phải có hộp đựng thức ăn thừa để thực khách mang về trong trường hợp thừa thức ăn, theo Hiệp hội dịch vụ ăn uống Vũ Hán.
Chủ tịch Trung Quốc – ông Tập Cận Bình – mới đây đã chính thức phát động chiến dịch nhằm vào “kẻ thù” mới...
Nguồn: [Link nguồn]