Chiến dịch táo bạo giải cứu đồng đội bị phiến quân giam giữ của đặc nhiệm Anh

Trong sứ mệnh ở châu Phi vào năm 2000, các đặc nhiệm SAS của Anh lần đầu tiên tham gia nhiệm vụ giải cứu đồng đội bị một nhóm phiến quân bắt giữ làm con tin.

Hai đặc nhiệm SAS tham gia đột kích ở làng Gberi Bana.

Hai đặc nhiệm SAS tham gia đột kích ở làng Gberi Bana.

Tháng 9/2000, nhóm vũ trang mang tên The West Side Boys đã bắt giữ 11 binh sĩ Anh thuộc Trung đoàn Hoàng gia Ailen, khi các binh sĩ này thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở Siera Leone – quốc gia Tây Phi - theo sứ mệnh của Liên Hợp Quốc.

Đây là cuộc khủng hoảng con tin đáng kể nhất mà chính phủ Anh phải giải quyết kể từ cuộc chiếm giữ Đại sứ quán Iran tại London của những kẻ khủng bố vào năm 1980, the Business Insider.

Tình huống phức tạp

Vào thời điểm đó, Anh có khoảng 200 quân tại Sierra Leone, hỗ trợ các chiến dịch nhân đạo của Liên Hợp Quốc và huấn luyện quân chính phủ. Binh sĩ Anh cũng tham gia bảo vệ thủ đô Freetown và khu vực sân bay quốc tế.

Nhóm phiến quân The West Side Boys có quân số khoảng vài trăm người, được vũ trang hạng nặng nhưng chiến đấu một cách tự phát, tận dụng tình hình rối ren để thỏa sức cướp bóc và khủng bố người dân địa phương.

Chúng nổi tiếng bởi những lần chặt tay các nạn nhân bằng mã tấu. Người dân địa phương ở Sierra Leone, từ đàn ông đến phụ nữ và trẻ em đều rất kinh sợ nhóm này.

Thủ lĩnh The West Side Boys là Foday Khalley, người tự phong hàm tướng và một trợ thủ mang biệt danh “đại tá Cambodia”. Hai nhân vật này và các tay súng vũ trang thường xuyên sử dụng ma túy và rượu.

Nhóm The West Side Boys đóng quân tại 2 ngôi làng Magbeni và Gberi Bana, nằm ở 2 bờ kênh Rokel rộng lớn. Đây cũng là nơi chúng giam giữ con tin.

Nhóm đặc nhiệm Anh thực hiện nhiệm vụ trinh sát gần ngôi làng do phiến quân kiểm soát.

Nhóm đặc nhiệm Anh thực hiện nhiệm vụ trinh sát gần ngôi làng do phiến quân kiểm soát.

Trong quá trình đàm phán, The West Side Boys trả tự do cho 5 binh sĩ Anh nhưng sau đó phía Anh mất liên lạc và không rõ số phận của 6 binh sĩ còn lại.

Những bất ổn khiến chính phủ Anh nghiêng về giải pháp sử dụng vũ lực. “Chúng tôi đã mất liên lạc với West Side Boys trong vài ngày. Nguy cơ đối với các con tin là rất cao”, tướng Gordon Hughes, chỉ huy quân đội Anh tại Sierra Leone nói.

Một nhóm tác chiến đặc biệt được thành lập với nòng cốt là các đặc nhiệm Không quân Hoàng gia SAS và đặc nhiệm hải quân Anh SBS. Cả nhóm tập kết ở ngoại ô thủ đô Freetown.

Các đặc nhiệm SAS sử dụng thuyền bơm hơi để áp sát doanh trại của nhóm The West Side Boys, thu thập các thông tin liên lạc có giá trị phục vụ sứ mệnh giải cứu.

Chỉ huy lực lượng đặc biệt loại trừ khả năng đột kích bằng đường bộ hoặc đường sông do nhóm vũ trang tập trung hỏa lực rất mạnh ở quanh làng, cũng như con sông tiềm ẩn dòng chảy nguy hiểm. Lực lượng quyết định đột kích bằng trực thăng.

Cuộc đột kích táo bạo

Ngày 10/9/2000, chiến dịch Barras được Thủ tướng Anh phê duyệt. Theo kết quả trinh sát, nhóm phiến quân tập trung lực lượng chủ yếu ở hai ngôi làng Gberi Bana và Magbeni. 

Gberi Bana là nơi giam giữ 6 binh sĩ Anh và cũng là nơi ẩn náu của thủ lĩnh Foday Kallay. Nếu di chuyển bằng đường sông, nhóm đột kích phải vượt qua làng Magbeni, là nơi tập trung số đông các tay súng được vũ trang hạng nặng.

Binh sĩ Anh kiểm tra quân trang trên trực thăng.

Binh sĩ Anh kiểm tra quân trang trên trực thăng.

Theo kế hoạch, nhóm đặc nhiệm SAS/SBS gồm khoảng 22 người cùng một phần lực lượng lính dù Anh, di chuyển trên hai trực thăng Chinook, đổ bộ xuống làng Gberi Bana. Hai trực thăng Chinook khác lẽ ra sẽ đưa nhóm lính dù với khoảng 80 người đổ bộ xuống làng Magbeni. Nhưng một chiếc gặp trục trặc nên tư lệnh chỉ huy nhiệm vụ quyết định để một trực thăng đưa một nửa lực lượng đổ bộ trước và sau đó đưa nốt lực lượng còn lại tới chi viện.

Việc lực lượng đột kích với quân số đông đảo (khoảng 150 người), di chuyển bằng thực thăng, được trực thăng tấn công yểm trợ và đồng thời đổ bộ xuống hai ngôi làng nhằm duy trì sức ép và làm tê liệt khả năng đáp trả của nhóm phiến quân West Side Boys, qua đó giảm tối đa nguy cơ đối với các con tin.

Ở Gberi Bana, một trực thăng hạ cánh xuống khu vực làng, chiếc còn lại hạ cánh xuống một sân bóng đá. Trong những giây phút đầu tiên, đối phương chống trả quyết liệt khiến nhóm đặc nhiệm ở sân bóng bị cầm chân. Bradley Tinnion, thành viên lực lượng hỗ trợ cho đặc nhiệm SAS, bị trúng đạn ở sườn. Các đồng đội đưa Bradley quay trở lại trực thăng nhưng Bradley đã tử vong trên đường tới bệnh viện.

Các đặc nhiệm SAS sau đó lấy lại ưu thế nhờ vào hỏa lực từ súng máy và súng phóng rocket. Sau 20 phút các con tin đã được đảm bảo an toàn.

Đặc nhiệm SAS còn bắt sống Foday Kallay, thủ lĩnh nhóm phiến quân. Kallay hết sức bất ngờ trước việc các thành viên SAS xuất hiện trong khu trại của mình trong khi lẽ ra nhóm phiến quân ở làng Magbeni phải nhận ra dấu hiệu bất thường từ trước. Các tù binh và thi thể thành viên nhóm phiến quân được trực thăng Anh chở tới Jordan để thẩm vấn và xác minh danh tính.

Đồng thời, ở làng Magbeni, chiếc trực thăng Chinook thứ 3 đưa nhóm lính dù Anh nhảy xuống một đầm lầy, các binh sĩ bất ngờ vì nước ngập sâu đến ngực. Họ bị khoảng hơn 100 phiến quân cầm chân và phải chờ đến khi chiếc trực thăng quay đầu trở về đón nốt lực lượng còn lại tới chi viện mới có thể đột phá vòng vây.

Nhóm binh sĩ Anh di chuyển sau khi 6 con tin được giải cứu.

Nhóm binh sĩ Anh di chuyển sau khi 6 con tin được giải cứu.

Trong quá trình giao tranh, 7 binh sĩ Anh bị thương do một vụ nổ, dường như do đồng đội bắn súng cối nhầm mục tiêu. Sau cuộc đọ súng ác liệt kéo dài 1,5 giờ, binh sĩ Anh cuối cùng đã kiểm soát hoàn toàn làng Magbeni và buộc nhóm phiến quân rút lui.

Tổng cộng quân đội Anh huy động 130 lính dù và 22 đặc nhiệm SAS/SBS cho chiến dịch. Anh ghi nhận tổn thất 2 người, trong đó có một thành viên SAS. Ngoài ra, có 12 lính dù bị thương. Phía phiến quân The West Side Boys bị tiêu diệt hơn 25 tên và 18 bị bắt làm tù binh.

“Thương vong là điều đáng tiếc, nhưng ở mức thấp đối với một hoạt động khó khăn và phức tạp như vậy”, Bộ Quốc phòng cho biết sau khi đánh giá chiến dịch. Thủ tướng Anh khi đó là Tony Blair nói: “Tôi nghĩ chúng ta có thể tự hào về lực lượng giải cứu, thực sự trên thế giới sẽ không có lực lượng nào tốt hơn họ”.

Chiến dịch Barras đem đến sự thay đổi đáng kể trong các hoạt động chiến đấu của lực lượng đặc biệt Anh.

Việc nhóm phiến quân kháng cự quyết liệt cho thấy sự cần thiết của một nhóm hỗ trợ chuyên biệt, yểm trợ các đặc nhiệm SAS và SBS tham gia các sứ mệnh đặc biệt và giải cứu con tin.

Ở thời điểm đó, lính dù Anh được huy động hỗ trợ một cách ngẫu nhiên và không có sự phối hợp với các đặc nhiệm.

Năm 2006, Anh thành lập Nhóm hỗ trợ Lực lượng Đặc biệt (SFSG), với nòng cốt là lính dù, thủy quân lục chiến và không quân Hoàng gia Anh, đã vượt qua một quá trình tuyển chọn gắt gao.

Nhiệm vụ của SFSG là chi viện cho đặc nhiệm SAS và SBS trong các sứ mệnh phản ứng nhanh, cũng như tham gia các nhiệm vụ chống khủng bố nội địa.

______________________

Các đặc nhiệm SAS của Anh xuất thân là lực lượng chiến đấu trong Thế chiến 2 và các đặc nhiệm đã tham gia nhiều cuộc chiến khác nhau. Nổi bật trong số đó phải kể đến nhiệm vụ táo bạo trong cuộc chiến Falklands năm 1982. Các đặc nhiệm SAS nhận nhiệm vụ gì trong cuộc chiến và liệu có thành công? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản sáng sớm ngày 27/1.

Nguồn: [Link nguồn]

Cuộc đột kích giải cứu con tin gây tiếng vang nhất của đặc nhiệm Anh SAS

Trước khi lực lượng đặc nhiệm SAS trực tiếp giải cứu con tin, công chúng Anh gần như chưa từng biết về sự tồn tại của lực lượng tinh nhuệ hàng đầu này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Đặc nhiệm Anh SAS Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN