Chiến dịch hậu cần vĩ đại bậc nhất lịch sử mở ra thắng lợi cho quân Đồng minh

Với việc vận chuyển thành công hơn 150.000 binh sĩ, nhiều vũ khí, trang thiết bị quân sự của phe Đồng minh, “hậu cần D-Day” được xem là một trong những hoạt động hậu cần vĩ đại nhất trong lịch sử. 

Các binh sĩ Mỹ đưa trang thiết bị, vũ khí, phương tiện... lên tàu ở Brixham, Anh, trước khi tiến đến bờ biển Normandy của Pháp. Ảnh: Royston Leonard

Các binh sĩ Mỹ đưa trang thiết bị, vũ khí, phương tiện... lên tàu ở Brixham, Anh, trước khi tiến đến bờ biển Normandy của Pháp. Ảnh: Royston Leonard

Scott Mall, một cây bút của FreightWaves - chuyên trang phân tích về hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu - cho rằng, ngày 6/6/1944, chiến dịch hậu cần lớn nhất Thế chiến II đã đạt đến cao trào quyết định.

Có nhiều "D-Day" (Ngày đổ bộ) trong Thế chiến II (1939-1945), nhưng D-Day vào ngày 6/6/1944 được xem là lớn và quan trọng nhất. Nó là một phần của Chiến dịch Overlord (Lãnh chúa) - mật danh của Trận Normandie, một chiến dịch quân sự lớn của quân Đồng minh tại miền bắc nước Pháp trong Thế chiến II, giúp giải phóng châu Âu, đánh bại Đức quốc xã. 

Công tác hậu cần của D-Day 1944 được đặt mật danh là chiến dịch Neptune (Hải vương). Trang FreightWaves đã có bài phân tích về chiến dịch hậu cần này.

Theo cây bút Scott Mall, có một câu ngạn ngữ cổ nói rằng: "Một đội quân hành quân nhờ dạ dày của họ". Ngụ ý của câu nói này muốn duy trì năng lực hoạt động của một đội quân thì cần phải cung cấp đầy đủ mọi thứ từ lương thực, thuốc men, phương tiện di chuyển... Đây chính là bản chất của hậu cần. 

Antoine Henri de Jomini, một vị tướng của Pháp, từng định nghĩa "hậu cần là nghệ thuật của việc huy động quân đội trên thực tế". Việc xây dựng các kho chứa hàng hóa, nguyên vật liệu, vũ khí và đội quân hùng mạnh sẽ chẳng có giá trị gì, nếu chúng không được đưa tới đúng nơi, đúng thời điểm. 

Sau sự kiện Trân Châu Cảng, nước Mỹ trở thành một công xưởng khổng lồ, dồn toàn lực cho chiến tranh. Mỹ nhanh chóng trở thành nguồn cung cấp thiết bị quân sự chính của quân Đồng minh.  

Sau đó, Anh nối gót Mỹ trở thành một kho chứa hàng khi tập hợp lượng lớn binh sĩ và tích lũy hàng hóa, vũ khí, trang thiết bị quân sự. 

Điều gì dẫn tới chiến dịch Neptune?

Bức ảnh cho thấy quy mô đáng kinh ngạc của cuộc đổ bộ. Ảnh: Royston Leonard

Bức ảnh cho thấy quy mô đáng kinh ngạc của cuộc đổ bộ. Ảnh: Royston Leonard

Chiến dịch Neptune là nỗ lực hậu cần nhằm thực hiện thành công cuộc đổ bộ của hơn 150.000 binh sĩ và trang thiết bị hỗ trợ số binh sĩ này lên các bãi biển ở vùng Normandy (Pháp). 

Chiến dịch này cần tới 6.900 tàu, trong đó 4.100 là tàu đổ bộ. Kế hoạch cho chiến dịch Neptune được bắt đầu vào năm 1943 khi Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill đồng ý với yêu cầu của đồng minh Liên Xô về một sự can thiệp vào tây Âu. 

Chiến dịch Overlord 1944 (mật danh của Trận Normandie) là cuộc đổ bộ đường biển mà khối Đồng minh kỳ vọng và lên kế hoạch thiết lập một đầu cầu chiến đấu ở lục địa châu Âu. Tuy nhiên, đầu cầu này cần phải được tiếp tế đầy đủ và chiến dịch Neptune được dựng lên nhằm mục đích đó. 

Jubilee - Chiến dịch đổ bộ trước Trận Normandie - do liên quân Mỹ, Anh, Canada thực hiện - diễn ra tại Dieppe, vùng Normandy, Pháp, ngày 19/8/1942 và thất bại thảm hại. Hơn 3.000 người trong số hơn 6.000 lính Mỹ, Canada, Anh tham gia chiến dịch này thiệt mạng, bị thương hoặc bị bắt làm tù binh. Thương vong của Đức rất nhỏ với 591 lính bị thương hoặc thiệt mạng, mất 48 máy bay và một tàu chiến. Dù thất bại, chiến dịch này vẫn mang lại những bài học giá trị về những điều cần thiết để quân Đồng minh mở chiến dịch Overlord 2 năm sau đó.

Dù người Mỹ và người Anh lên kế hoạch tấn công vào Pháp - khi đó do quân Đức chiếm đóng - năm 1942, nhưng quân Đồng minh không có đủ thuyền và tàu đổ bộ vì thời điểm đó diễn ra cùng với cuộc tấn công của quân Đồng minh ở Bắc Phi. Tháng 7/1943, các cuộc tập trận quân sự với tàu đổ bộ và đạn dược được thực hiện để chuẩn bị cho D-Day. 

Để đưa quân đội Mỹ, Anh, Canada và binh sĩ các nước đồng minh khác đến bờ biển Pháp vào ngày D-Day, giới chức Đồng minh cần có một kế hoạch tỉ mỉ về hoạt động hậu cần đặc biệt. Hạm đội đổ bộ trong chiến dịch này được xem là đội tàu lớn nhất trong lịch sử. 

D-Day

Xe tăng Anh được đưa lên bờ bằng sà lan trong những giờ đầu của cuộc đổ bộ xuống Gold Beach - 1 trong 5 địa điểm mà quân Đồng minh đổ bộ trong chiến dịch D-Day. Ảnh: Royston Leonard

Xe tăng Anh được đưa lên bờ bằng sà lan trong những giờ đầu của cuộc đổ bộ xuống Gold Beach - 1 trong 5 địa điểm mà quân Đồng minh đổ bộ trong chiến dịch D-Day. Ảnh: Royston Leonard

Có một câu nói về quân sự nổi tiếng là: "Kẻ nghiệp dư bàn về chiến thuật, còn các chuyên gia thì nghiên cứu về hậu cần". Trong bất cứ chiến dịch quân sự nào, hoạt động hậu cần phải được lên kế hoạch chu đáo và được đáp ứng đầy đủ trước khi phát triển chiến thuật, vì hậu cần cung cấp "sức mạnh cho cuộc chiến". 

Hậu cần D-Day được xem là một trong những hoạt động hậu cần vĩ đại nhất trong lịch sử. 

Phe Đồng minh điều động gần 7.000 phương tiện từ hải quân 8 nước cho chiến dịch Neptune, gồm hơn 1.200 tàu chiến các loại, hơn 4.100 tàu vận tải và xuồng đổ bộ, khoảng 750 tàu hậu cần và gần 900 tàu buôn. Lực lượng không quân rất đông đảo với 11.000 tiêm kích, máy bay ném bom và máy bay vận tải. 

Bên cạnh 2 triệu binh sĩ chính quy, phe Đồng minh còn nhận được sự hỗ trợ từ khoảng 350.000 quân kháng chiến ở Pháp. 

Chiến dịch hậu cần vĩ đại bậc nhất lịch sử mở ra thắng lợi cho quân Đồng minh - 4

Lực lượng thủy quân lục chiến Anh xuống tàu đổ bộ với ba lô, vũ khí và trang thiết bị. Ảnh: Royston Leonard

Lực lượng thủy quân lục chiến Anh xuống tàu đổ bộ với ba lô, vũ khí và trang thiết bị. Ảnh: Royston Leonard

Giai đoạn đầu của chiến dịch diễn ra ác liệt, quân Đồng minh chịu thương vong lớn do quân Đức quốc xã chống cự quyết liệt. 

Chỉ riêng ngày đầu mở màn chiến dịch, quân Đồng minh thương vong khoảng 10.000 người, trong đó gần một nửa tử trận. Quân Đức chết khoảng 1.000 người. 

Dù quân Đồng minh chiếm giữ mặt trận dài gần 100 km, sâu 25 km tính từ bãi biển, các cuộc giao tranh vẫn diễn ra khốc liệt. 

Bước ngoặt của chiến dịch diễn ra vào cuối tháng 7, cho thấy tầm quan trọng của hậu cần. Hàng trăm nghìn binh sĩ quân Đồng minh được tăng cường, phối hợp với quân kháng chiến Pháp làm chủ thế trận. Quân Đức gặp bất lợi lớn. Cuối tháng 8, chiến dịch đổ bộ kết thúc với thắng lợi cho quân Đồng minh. 

Theo cây bút Scott Mall, nếu không có những nỗ lực hậu cần tuyệt vời, chiến dịch đổ bộ có thể đã thất bại. Chiến dịch Overlord bao gồm 2 giai đoạn. Một là việc tập hợp binh sĩ, vũ khí, trang thiết bị quân sự... ở Anh. Hai là những trận chiến trên bãi biển Pháp. Riêng hậu cần đã chiếm một giai đoạn trong chiến dịch này.  

Cuộc đổ bộ Normandy đã đẩy lùi quân Đức khỏi bờ biển Pháp, tạo ra địa điểm tập kết lực lượng và bàn đạp để quân Đồng minh phản công tại tây Âu. Từ đó, quân Đồng minh phối hợp với Hồng quân Liên Xô tạo nên gọng kìm siết chặt quân đội Đức từ 2 phía, góp phần kết thúc Thế chiến II đẫm máu. 

----------------------------

Sau chiến thắng chớp nhoáng ở Tây Âu, trùm phát xít Hitler huy động một lực lượng quân đông nhất trong Thế chiến II để tung vào Liên Xô, hi vọng thắng nhanh chóng. Mời bạn đọc cùng nhìn lại một số diễn biến của chiến dịch quân sự đặc biệt này trong bài kỳ tới, xuất bản sáng sớm 31/10 trên mục Thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao quân Thành Cát Tư Hãn đi đánh trận khắp nơi mà không phải lo về hậu cần?

"Nghệ thuật" hậu cần làm nên nhiều trận thắng của Thành Cát Tư Hãn chính là "không hậu cần".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thái - (t/h) ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN