Chiến dịch giải cứu 1.100 con tin - thất bại nặng nề nhất của đặc nhiệm Nga
Thảm kịch ở Beslan được xem là hành động khủng bố đẫm máu và hèn hạ nhất ở Nga và cũng là sự kiện hiếm hoi các đặc nhiệm tinh nhuệ Nga bị động hoàn toàn trước khủng bố.
Đặc nhiệm Nga hoàn toàn bị động trước khủng bố ở Beslan năm 2004.
Trong cuộc trả lời họp báo thường niên cuối năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói vụ khủng bố bắt con tin tại Beslan và tại nhà hát Dubrovka là những thử thách lớn nhất mà ông phải đối mặt trong 20 năm lãnh đạo nước Nga.
"Những vụ tấn công khủng bố lớn là thử thách khó khăn nhất tôi phải đối mặt. Vụ bắt giữ con tin tại trường học ở Beslan là một trong số đó. Tôi không bao giờ quên. Vụ còn lại là tấn công ở nhà hát Moscow", ông Putin nói, theo Reuters.
Thất bại lớn nhất của đặc nhiệm Nga
Các đặc nhiệm Nga hành động trong bí mật và họ hiểu rằng cái chết cũng sẽ xảy đến với họ theo cách đó.
Ít nhất 11 đặc nhiệm Nga, là thành viên các đơn vị tinh nhuệ nhất như đội Alpha và Vympel, thiệt mạng khi cố gắng giải cứu hơn 1.000 con tin tại trường số 1 ở thị trấn Beslan, Bắc Ossetia năm 2004.
Các đặc nhiệm Nga hứng chịu chỉ trích vì hoàn toàn bị động, sử dụng vũ lực quá mức dẫn đến cái chết của 330 người, bao gồm 186 trẻ em. Ông Putin bảo vệ các đơn vị đặc nhiệm, nói rằng đội Alpha chỉ xông vào trường học khi những kẻ khủng bố bắt đầu hành quyết con tin.
Đội Alpha và Vympel thường được so sánh với đặc nhiệm Delta của Mỹ hay SAS của Anh. Được thành lập dưới thời Liên Xô, đội Alpha và Vympel ngày nay hoạt động dưới quyền Tổng cục An ninh Liên bang Nga (FSB). Ước tính quân số của hai lực lượng này vào khoảng 400-500 người.
Thành viên đội Alpha kiểm tra vũ khí.
“Họ hi sinh khi cố gắng bảo vệ trẻ em Nga”, Mikhail V. Odinokov, quản lý nghĩa trang Nikolsko-Arkhangelskoe, Moscow, nói với New York Times.
Ông V. Odinokov dẫn phóng viên NY Times đến những ngôi mộ của đặc nhiệm Nga thiệt mạng trong vụ tấn công trường học. “Những người này hi sinh ra sao?”, phóng viên NY Times đặt câu hỏi. Ông V. Odinokov đáp lời: “Chúng tôi không thể cung cấp thông tin này”.
Các đặc nhiệm Nga ở đây hầu hết đều còn rất trẻ, tuổi từ 21 đến 36, nhưng đều có chung ngày mất là 3.9.2004.
Báo Mỹ so sánh chiến dịch thất bại của đặc nhiệm Nga ở Belsan tương tự như sự kiện “Black Hawk Down” nổi tiếng của đặc nhiệm Mỹ ở Somalia năm 1993 hay vụ bắt cóc con tin tại đại sứ quán Mỹ ở Iran năm 1981.
Roger N. McDermott, nhà phân tích quân sự Á-Âu tại Đại học Kent, Anh nói: “Họ hoàn toàn bị động, nhưng đã cố gắng hết sức để cứu mạng các trẻ em”.
Trung tá Aleksandr Yermolin, người từng chỉ huy đội Vympel, nói trên đài phát thanh Ekho Moskvy: “Các đặc nhiệm còn chưa chốt xong kế hoạch đột kích vào trường học. Khi tiếng súng nổ, nhiều người còn chưa kịp mặc áo chống đạn”.
Một binh sĩ án binh bất động.
Theo văn phòng công tố Nga, một vụ nổ bất ngờ xảy ra trong trường học ở ngày bắt giữ con tin thứ ba khiến cả những kẻ khủng bố và đặc nhiệm Nga bất ngờ.
Các con tin bỏ chạy tán loạn và những kẻ khủng bố bắt đầu bắn vào họ. Đội Alpha và Vympel sau đó tiến vào trường. Nhưng công tác đảm bảo an ninh khi đó quá cẩu thả, các phụ huynh học sinh mang vũ khí cũng xông vào tìm con em.
Kết quả là đặc nhiệm Nga đứng giữa làn đạn của những kẻ khủng bố và phụ huynh học sinh.
Một đặc nhiệm Nga giấu tên, bị thương trong chiến dịch, nói anh nhìn thấy ít nhất hai đồng đội bị người dân bắn nhầm. Tổng cộng có 30 đặc nhiệm bị thương nặng.
“Họ đã giữ lấy thể diện cho chính phủ Nga khi xông vào trường mà chưa sẵn sàng, chưa kịp mặc áo giáp và họ đã hành động chuyên nghiệp đúng như khi được huấn luyện”, Yulia Latynina, một nhà bình luận chính trị độc lập, nói trên báo Nga Novaya Gazeta.
Bí ẩn 16 năm không có lời giải
Đã 16 năm kể từ ngày xảy ra vụ bắt giữ con tin gây chấn động ở miền nam nước Nga. Vụ khủng bố ở trường số 1 kết thúc sau 3 ngày và đến nay vẫn là một trong những vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất ở Nga.
“Tôi đang cho học sinh xếp hàng. Khi vừa cầm micro lên thì tiếng súng nổ. Chúng tôi nhanh chóng chạy vào hội trường”, giáo viên Yelena Ganiyeva, nay là hiệu trưởng trường Belsan, nói trên tờ Đài Châu Á Tự do (Rferl) do Quốc hội Mỹ tài trợ.
Một con tin bị thương được đưa ra ngoài.
Khoảng 9h sáng (giờ địa phương), 32 tay súng thuộc tiểu đoàn Riyadus-Salikhin của phong trào ly khai Chechnya, đem theo súng trường và mìn đã đột nhập vào trường và nổ súng. Những kẻ khủng bố bắt 1.100 con tin vào phòng thể dục.
Các tay súng chặn cửa và cửa sổ trong phòng rồi cài các thiết bị nổ. Theo giới truyền thông Nga, ít nhất hai kẻ tấn công là nữ giới có cài bom tự sát quanh người.
Khoảng 10h, một người đàn ông mang tên Ruslan Betrozov đã bị bắn chết trong phòng thể dục, ngay trước mặt các em học sinh, sau khi cố thương lượng với những kẻ khủng bố.
Năm 2004, vùng Beslan thuộc khu vực Kavkaz là nơi có tỉ lệ cá nhân sở hữu súng đạn cao nhất nhì tại Nga. Hầu như gia đình nào cũng có ít nhất một khẩu súng trong nhà, khi đi chăn gia súc ngoài đồng người dân cũng mang theo súng.
Ngay sau khi nghe tin khủng bố tấn công trường tiểu học, rất nhiều phụ huynh có con em bị bắt làm con tin đã mang vũ khí tới bao vây ngôi trường.
Ngay khi biết thông tin về cuộc khủng hoảng con tin, Tổng thống Vladimir Putin đã hủy kỳ nghỉ tại Sochi và quay trở lại thủ đô Moscow.
Thi thể các nạn nhân trong vụ khủng bố Beslan chờ người thân nhận dạng.
Vào ngày thứ 3 của vụ bắt cóc, tức ngày 3.9.2004, lúc 1h5 phút chiều, hai khối thuốc nổ do những kẻ khủng bố cài ở khu nhà thể chất bất ngờ phát nổ.
Vụ nổ lớn khiến bức tường của tòa nhà này đổ sập. Các con tin bên trong ào chạy ra ngoài không kiểm soát. Những kẻ khủng bố xả súng vào đám đông con tin đang cố thoát ra ngoài còn lực lượng an ninh Nga ở bên ngoài xông vào trong.
Theo Rferl, đến ngày hôm nay, nhà chức trách Nga cũng không biết ai hay thứ gì đã kích hoạt khối thuốc nổ. Nga khẳng định họ không hề chủ ý tạo ra vụ nổ và dường như bọn khủng bố cũng bất ngờ vì vụ nổ.
Có những nhận định cho rằng rất có thể hai khối thuốc nổ đã tự phát nổ do ngòi nổ gặp trục trặc.
Theo nhà chức trách Nga, 31 kẻ khủng bố bị tiêu diệt ngay tại hiện trường, 1 tên bị bắt sống.
Nur-Pashi Kulayev, kẻ tấn công duy nhất sống sót, hiện đang thụ án tù chung thân. Nhưng một số con tin sống sót cho rằng, có khả năng một vài kẻ khủng bố đã trà trộn vào đám đông và trốn thoát.
Một năm sau thảm kịch Beslan, ngày 3.9 đã trở thành ngày cả nước Nga đoàn kết chống khủng bố. Lần cuối xảy ra vụ tấn công khủng bố lớn ở Nga là vào tháng 4.2017 tại St. Petersburg.
Một kẻ đánh bom tự sát kích nổ bom bên trong tàu điện ngầm ở khu vực giữa nhà ga Sennaya Ploshchad và Tekhnologichesky Institut, khiến 14 người chết và 64 người bị thương.
Đội đặc nhiệm Alpha của KGB kiên quyết không đàm phán với khủng bố, thi hành chính sách "ăn miếng trả miếng" để...
Nguồn: [Link nguồn]