Chiến dịch chống khủng bố "thảm họa" khiến Pháp đánh mất ảnh hưởng ở Tây Phi
Tháng 8/2014, Pháp mở chiến dịch lớn nhất kể từ Thế chiến 2 với mục tiêu dập tắt phong trào Hồi giáo cực đoan ở Tây Phi. Binh sĩ Pháp ban đầu được chào đón như "người hùng" nhưng cuối cùng trở thành gai trong mắt các nước châu Phi.
Các binh sĩ Pháp ở giai đoạn đầu được coi là "người hùng" vì giúp quân đội chính phủ Mali đẩy lùi khủng bố.
Khoảng thời gian một năm qua đánh dấu bước lùi lớn của Pháp ở châu Phi. Tháng 8/2022, quân đội Pháp rút khỏi Mali sau 9 năm phát động cuộc chiến chống phiến quân nhưng không đạt kết quả.
Tháng 2/2023, Pháp cũng bị buộc phải rút khỏi Burkina Faso, nước láng giềng Mali. Đến tháng 7, chính quyền quân sự nắm quyền ở Niger cũng tuyên bố hủy bỏ các hiệp ước ký với Pháp. Nếu bị buộc phải rút quân khỏi Niger, Pháp sẽ không còn căn cứ quân sự lớn phục vụ sứ mệnh chống khủng bố ở khu vực.
Hôm 7/8, 94 nghị sĩ Pháp đã gửi thư cho Tổng thống Emmanuel Macron, chỉ trích chính sách của chính phủ khiến ảnh hưởng của Pháp ở châu Phi "tuột dốc không phanh".
Các nghị sĩ nhấn mạnh sự thất bại của chiến dịch Barkhane nằm trong một chuỗi những sai lầm khiến Pháp trở thành cái gai trong mắt các quốc gia châu Phi như Mali, Burkina Faso, Niger và Cộng hòa Trung Phi.
Chiến dịch "thảm họa"
9 năm trước, Mali yêu cầu hỗ trợ quân sự từ Pháp khi các phiến quân Hồi giáo cực đoan áp sát thủ đô Bamako. Với tư cách là quốc gia bảo trợ cho các cựu thuộc địa, Pháp nhanh chóng xuất hiện ở Mali và đóng vai trò như người hùng.
Chỉ vài giờ sau khi đổ bộ xuống Mali, binh sĩ Pháp đã giao tranh dữ dội với các nhóm Hồi giáo cực đoan. Sau vài tuần, Pháp giành lại các thành phố chiến lược ở phía bắc Mali như Timbuktu và Gao.
Binh sĩ Pháp chiến đấu ở Tây Phi mà không xây dựng được mối liên hệ gắn kết với người dân bản địa.
Ở giai đoạn đầu, chiến dịch Barkhane được đánh giá là tương đối thành công. Pháp cũng tích cực đào tạo quân đội chính phủ Mali, cho phép Mali tiếp cận vũ khí tối tân của Pháp ở trên bộ và trên không.
Chiến dịch quân sự của Pháp sau đó mở rộng ra ngoài phạm vi lãnh thổ Mali, hướng tới vùng Sahel - khu vực nằm giữa sa mạc Sahara ở phía bắc và vùng Sudan ở phía nam.
Pháp cũng mở thêm hai căn cứ quân sự ở Niamey (thủ đô Niger) và N’Djamena (thủ đô Chad). Tuy nhiên, Pháp càng cố gắng chống phiến quân Hồi giáo cực đoan thì lại càng gặp cản trở.
Kết quả là Mali chịu thiệt hại lớn với tổn thất cả về quân sự và thương vong đối với dân thường. Hơn 2,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa sơ tán.
Đến năm 2021, tình hình xã hội ở Mali nói riêng và vùng Sahel nói chung đã có những thay đổi rõ rệt. Nếu như ban đầu, các binh sĩ Pháp được ca ngợi là “những người anh hùng giải phóng”, thì nay Paris phải đối mặt với chỉ trích về việc không nắm bắt được tình hình an ninh, và thậm chí còn có cả những cáo buộc duy trì mô hình thuộc địa kiểu mới.
Tháng 1/2022, tranh chấp với chính phủ quân sự Mali đã dẫn đến việc đại sứ Pháp bị trục xuất và sau đó là chấm dứt hợp tác quân sự song phương.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi đó thông báo quyết định rút quân khỏi Mali. 2.400 binh sĩ Pháp rời khỏi Mali, trong đó một bộ phận chuyển sang đóng quân ở Niger.
Gia tăng bạo lực
Kể từ khi Pháp can thiệp quân sự, vùng Sahel không những không vắng bóng khủng bố mà các nhóm cực đoan càng hoạt động mạnh hơn. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan phát triển mạnh ở khu vực phải kể đến Mặt trận Giải phóng Macina - tổ chức có liên hệ với al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo ở vùng Sahara mở rộng.
Pháp càng nỗ lực ngăn chặn, khủng bố càng phát triển mạnh ở Tây Phi.
Năm ngoái, có 4.839 người thương vong do bạo lực ở vùng Sahel, tăng 70% so với năm trước. Bước nhảy vọt này đánh dấu năm thứ 6 liên tiếp tỷ lệ bạo lực gia tăng.
Những chiến binh thánh chiến Hồi giáo đã lợi dụng sự phẫn nộ của người dân đối với các chính phủ tham nhũng, tình trạng nghèo đói lan rộng ở Tây Phi - một trong những khu vực có dân số tăng nhanh nhất - để giành ảnh hưởng.
Ngoài ra, nỗ lực chống phong trào Hồi giáo cực đoan ở khu vực cũng không phải là điều dễ dàng. Các binh sĩ Pháp không chỉ đơn thuần có nhiệm vụ đánh bại phiến quân, mà còn phải tham gia vào các nỗ lực giáo dục cộng đồng để người dân tẩy chay các nhóm cực đoan. Về điểm này, Pháp đã thất bại do không thể làm thay đổi tư tưởng của người dân các nước thuộc địa cũ.
Thậm chí, Pháp còn gây tiếng xấu khi các nỗ lực chống khủng bố làm gia tăng thương vong cho dân thường. Năm 2021, không quân Pháp nhầm lẫn đám cưới diễn ra tại một ngôi làng ở Mali thành nơi phiến quân tập trung. Kết quả là một vụ ném bom nhầm khiến 19 người thiệt mạng. Kể từ khi mở rộng chiến dịch ở phạm vi vùng Sahel, không quân Pháp đã rất nhiều lần "nhầm lẫn" như vậy.
Chiến đấu cơ Pháp không ít lần ném bom "nhầm" dân thường ở Tây Phi.
Một bộ phận người dân Niger sống ở thủ đô Niamey cho rằng, hành động chống khủng bố "tùy hứng" của Pháp như thể hiện rằng "không chỉ các tay súng Hồi giáo cực đoan mà người dân châu Phi cũng có thể là khủng bố".
Một sĩ quan Burkina Faso tham gia chiến dịch Barkhane của Pháp nói: "Chúng tôi rất muốn làm nhiều hơn nữa để chấm dứt tình trạng khủng bố tràn lan. Nhưng trong nhiều năm, Pháp đã thể hiện sự yếu kém, không thể gánh vác được trách nhiệm. Đó là lý do người dân ở nhiều quốc gia vùng Sahel ngày càng bất bình với Pháp".
Những hành động thiếu trách nhiệm của binh sĩ Pháp hầu như không được thế giới biết đến vì thiếu sự chú ý của truyền thông. Chỉ đến khi đảo chính quân sự xảy ra ở Mali vào năm 2020, dư luận quốc tế mới chú ý hơn đến chiến dịch chống khủng bố "thảm họa" của Pháp.
Pháp đánh mất ảnh hưởng
Bạo lực gia tăng không phải là yếu tố duy nhất khiến chiến dịch Barkhane của Pháp thất bại. Quan hệ giữa Pháp và Mali ngày càng tồi tệ sau đảo chính. Ông Macron tuyên bố Pháp rút quân vì chính quyền quân sự không sẵn lòng giải quyết các thách thức an ninh đang gia tăng.
Ngược lại, chính quyền quân sự Mali đổ lỗi cho Pháp không giữ lời hứa khi không thể quét sạch khủng bố. Mali liền quay sang ký hợp đồng với lực lượng đánh thuê Wagner của Nga.
Làn sóng chống Pháp giúp chính quyền quân sự Mali thu hút được sự ủng hộ lớn của quần chúng nhân dân. Trong một bài phát biểu năm 2022, Thủ tướng lâm thời của Mali, đại tá Abdoulaye Maiga, đã chỉ trích dữ dội Pháp, cho rằng Paris đã “đâm sau lưng đồng minh" bằng các chính sách theo chủ nghĩa thực dân kiểu mới.
Thất bại trong chiến dịch Barkhane khiến Pháp phải rút quân khỏi Mali vào tháng 8/2022.
Theo một số luồng ý kiến ở Pháp, quan điểm này không hoàn toàn vô căn cứ. Tướng Didier Castres, cựu phó tham mưu trưởng trong giai đoạn đầu của chiến dịch Barkhane, cũng nhận thấy rằng cách tiếp cận của Pháp đã khiến chính phủ Mali và người dân địa phương thất vọng theo thời gian. "Chúng tôi đã sai khi cố gắng áp dụng những khuôn mẫu không phù hợp với họ và thể hiện sự áp đặt quá mức", tướng Castres nói.
Ở trong nước, người dân Pháp cũng không hài lòng khi chính phủ tiêu tốn một lượng lớn tiền của cho chiến dịch Barkhane mà không đạt kết quả. Đây là chiến dịch quân sự dài nhất và tốn kém nhất của Pháp kể từ Thế chiến II. Pháp tự tin đến mức tự mình mở chiến dịch mà không cần Mỹ hay các đồng minh NATO hỗ trợ.
Imam Mahmoud Dicko, nhà phân tích an ninh ở Mali, nói rằng Pháp không thể dập tắt các phong trào Hồi giáo cực đoan nhưng vẫn tỏ ra cố chấp. “Tôi không hiểu tại sao Pháp có thể từ chối, không chấp nhận đối thoại với các chiến binh thánh chiến. Pháp không có quyền áp đặt các giải pháp", ông Dicko nói.
Rõ ràng, những gì diễn ra cho thấy chống khủng bố theo kiểu chiến dịch Barkhane của Pháp là không hiệu quả. Nhưng phương Tây không thể cứ như vậy làm ngơ, bỏ mặc trách nhiệm cho các quốc gia Tây Phi vẫn còn đang chìm trong đói nghèo.
___________________________
Ngoài Anh và Pháp, Mỹ cũng từng để lại dấu ấn trong một chiến dịch can thiệp quân sự ở châu Phi. Mời độc giả đón đọc bài dài kỳ 3 xuất bản 19h ngày 22/8.
Nguồn: [Link nguồn]
Chiến dịch can thiệp quân sự của Anh ở một quốc gia Tây Phi không quá hào nhoáng, nhưng lại dẫn đến kết quả bất ngờ mà ít khi phương Tây có thể làm được.