Chiến đấu ở tiền tuyến, binh sĩ Ukraine tình cờ đào trúng "mộ cổ 5.000 năm"
Một ngày tháng 8/2023, Oleksandr Koslov, quân nhân thuộc Lữ đoàn Tấn công Đường không số 79 của quân đội Ukraine cùng các đồng đội đào chiến hào trong một khu rừng gần sông Siverskyi Donetsở miền đông, theo báo Anh Guardian.
Các phát hiện gồm mảnh xương người được binh sĩ Ukraine gửi đến Viện Khảo cổ học Quốc gia.
Đó là ngày nóng nực và ẩm ướt. Có muỗi ở khắp mọi nơi. Từ bờ đối diện sông, lực lượng Nga pháo kích liên tục.
Koslov và 4 đồng đội chuẩn bị tạm dừng công việc để nghỉ ngơi thì một thành viên trong nhóm nói phát hiện mảnh gốm trong lớp đất. Koslov tiến lại gần để nhìn kỹ hơn, nghĩ rằng đây có thể là mảnh gốm hiện đại trôi dạt từ con sông gần đó do lũ lụt.
Nhưng nhóm của Koslov càng đào, càng phát hiện thêm nhiều hiện vật, gồm dụng cụ bằng đá lửa, các mảnh xương, gốm sứ, Một đầu mũi tên được chế tác khá gọn gàng.
Koslov, 32 tuổi là sinh viên đại học tốt nghiệp khoa lịch sử, từng làm công việc bán hàng trước khi tình nguyện nhập ngũ. Koslov nghĩ rằng cả nhóm đã đào được thứ gì đó có nguồn gốc từ thời đồ đồng, thậm chí có thể là thời kỳ đồ đá mới.
Không có thời gian để phân tích các hiện vật, Koslov nói với các đồng đội về việc đào chiến hào càng nhanh càng tốt. Cả nhóm thu thập các cổ vật tìm thấy, đặt trong một chiếc hộp đạn rỗng, mang về cho sĩ quan cấp trên xem.
Koslov cũng gọi điện cho nhà khảo cổ Serhii Telizhenko, công tác tại Viện Khảo cổ học Ukraine. Theo đánh giá của ông Telizhenko, Koslov và các đồng đội có thể đã đào trúng một khu mộ cổ có niên đại khoảng 5.000 năm, vào thời kỳ đồ đá. Tuy nhiên, trong số các hiện vật có cả món đồ tồn tại ở thời kỳ đồ đá mới hoặc thời kỳ đồ đồng. Đây là giai đoạn Văn hóa Hầm mộ phát triển mạnh ở miền đông và miền nam Ukraine.
Tên gọi của văn hóa này này xuất phát từ cách thức chôn cất người chết. Những ngôi mộ này có các khoảng không giống như "hầm mộ". Động vật cũng được chôn cất và là một phần của ngôi mộ.
Ukraine là quốc gia giàu có về khảo cổ học, với những dấu ấn xuyên suốt lịch sử, từ các di vật tinh xảo của người Scythia cho đến các thành phố mang đậm nét Hy Lạp bên bờ Biển Đen.
Ông Telizhenko làm việc tại văn phòng Viện Khảo cổ học Quốc gia ở Kiev.
Ông Telizhenko là chuyên gia khảo cổ ở miền đông Ukraine, đặc biệt là vùng Lugansk, nơi có những thảo nguyên trù phú, phù hợp với lối sống du mục của các bộ lạc thời xa xưa.
Công việc nghiên cứu thực địa của ông Telizhenko đã bị gián đoạn khi phe ly khai tuyên bố tách vùng Lugansk khỏi Ukraine vào năm 2014. Hoạt động nghiên cứu đến nay đã tạm dừng hoàn toàn vì cuộc xung đột với Nga.
Ông Telizhenko đã soạn thảo tài liệu có tựa đề "Khảo cổ học và Di tích trong chiến tranh", trong đó nêu hướng dẫn về những gì nên làm nếu các binh sĩ tình cờ phát hiện địa điểm khảo cổ. Tài liệu đã được phân phát rộng rãi cho các sĩ quan trong quân đội Ukraine.
Tài liệu hướng dẫn các quân nhân cách chụp ảnh địa điểm khảo cổ từ nhiều góc độ khác nhau, sử dụng la bàn trên điện thoại thông minh để xác định phương hướng. Tọa độ chính xác phải được thực hiện bằng GPS.
Các cổ vật cần được chụp ảnh chi tiết, đóng gói cẩn thận và đem tới các bảo tàng hoặc viện nghiên cứu khảo cổ gần nhất. Theo ông Telizhenko, năm ngoái, một nhóm chiến binh Chechnya chiến đấu cho Ukraine đào được các cổ vật của người Khazar thời trung cổ và một chiếc bình có từ thời đồ đồng. Người Khazar từng là bá chủ khu vực rộng lớn ở phía bắc và phía đông Biển Đen.
Các chiến binh Chechnya cẩn thận chụp ảnh các cổ vật trên nền hộp đạn. Không có thước, binh sĩ sử dụng những vật dụng có kích thước tiêu chuẩn khác như một viên đạn và một bàn chải đánh răng.
"Tôi không đã không nhận được tin tức gì từ các chiến binh Chechnya này kể từ tháng 2 năm nay. Có lẽ họ đã hi sinh", ông Telizhenko nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Các hiện vật được tìm thấy trong ngôi mộ 2.300 năm tuổi ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã góp phần giải mã lịch sử nước Sở, một trong những thế lực hùng mạnh thời Chiến...