Chiến đấu cơ nội địa Hàn Quốc được kì vọng vượt mặt TQ trên thị trường vũ khí
Các nhà phân tích Hàn Quốc nói chiến đấu cơ nội địa KF-21 Boramae là đối trọng với các mẫu tiêm kích J-10 và FC-31 của Trung Quốc ở thị trường châu Á, châu Phi và Trung Đông với "giá bán cạnh tranh" và có thể là lựa chọn thay thế đối với các quốc gia muốn sở hữu mẫu tiêm kích J-20.
KF-21 là mẫu chiến đấu cơ thế hệ 4,5 do Hàn Quốc tự phát triển.
Hàn Quốc đang tìm kiếm đối tác tiềm năng cho mẫu chiến đấu cơ KF-21 Boramae. Đây là mẫu máy bay chiến đấu do Hàn Quốc tự sản xuất hoàn toàn, với ưu điểm là sự cơ động, chi phí bảo trì thấp trong khi có giá thành cạnh tranh so với các mẫu chiến đấu cơ Trung Quốc, theo SCMP.
KF-21 Boramae hay “diều hâu” trong tiếng Hàn, có thể cạnh tranh với các mẫu chiến đấu cơ J-10 CE và FC-31 của Trung Quốc trên thị trường vũ khí, đặc biệt là ở châu Phi, theo các nhà quan sát.
Hàn Quốc đã hoàn tất quá trình chế tạo và lần đầu bay thử nghiệm chiến đấu cơ KF-21 vào tháng trước và dự kiến sẽ sản xuất đại trà mẫu máy bay này vào năm 2026. Không quân Hàn quốc đã đặt mua 40 chiếc.
Theo các nhà quan sát Trung Quốc, KF-21 vẫn chỉ là chiến đấu cơ thế hệ 4,5, chưa tương xứng với mẫu tiêm kích tàng hình J-20 thế hệ 5 của Trung Quốc. Nhưng nếu KF-21 được các đối tác đón nhận tích cực, mẫu chiến đấu cơ này có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh trong khu vực.
KF-21 do tập đoàn hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KAI) nghiên cứu và sản xuất. Quá trình sản xuất kéo dài 6,5 năm và dự án tiêu tốn khoảng 6,7 tỉ USD.
Không quân Hàn Quốc đặt mục tiêu sở hữu 120 chiếc KF-21 vào năm 2032 để thay thế các mẫu chiến đấu cơ lỗi thời của nước này như F-4 và F-5.
Hàn Quốc đang tích cực tìm đối tác quan tâm đến mẫu chiến đấu cơ này.
"KF-21 có thể cạnh tranh mạnh mẽ với các chiến đấu cơ J-10 và FC-31 của Trung Quốc ở các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Phi", Lee Il-Woo, nhà phân tích tại Mạng lưới Quốc phòng Hàn Quốc, nói.
Theo ông Lee, chi phí cho mỗi chiếc KF-21 ước tính vào khoảng 80 triệu - 100 triệu USD và đây được cho là mức giá "cạnh tranh".
Điểm đặc biệt của KF-21 là có khả năng mang theo tên lửa đối không tầm xa Meteor do đối tác châu Âu sản xuất và sử dụng radar nội địa của Hàn Quốc.
Mẫu tên lửa này có tầm bắn tối đa 200km, nếu khai hỏa trong phạm vi 60km, máy bay đối phương sẽ rất khó có thể né tránh do tên lửa đạt tốc độ tối đa 5.000 km/giờ.
"Với tên lửa đối không Meteor, KF-21 có năng lực tương xứng với mẫu tiêm kích J-20 của Trung Quốc", Yang Uk, nhà phân tích quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, nói.
Mặc dù hình dạng khá giống tiêm kích tàng hình F-35 nhưng KF-21 không phải là chiến đấu cơ tàng hình do vũ khí được gắn ở giá treo hai bên cánh, chứ không có khoang vũ khí bên trong thân.
"Với KF-21, không quân Hàn Quốc sẽ trở thành thế lực đáng gờm ở khu vực, đối trọng không chỉ với Triều Tiên mà cả Trung Quốc", ông Yang nói.
Theo chuyên gia Lee, Ba Lan đã bày tỏ sự quan tâm với mẫu KF-21 và có thể tham gia dự án sản xuất đại trà từ năm 2029.
Điều này có thể khiến Indonesia quan ngại. Quốc gia Đông Nam Á hiện là đối tác nắm 20% cổ phần trong dự án chế tạo chiến đấu cơ KF-21.
Hầu hết công nghệ trên chiếc KF-21 được Hàn Quốc mua từ hãng Lockheed Martin dựa trên nguyên mẫu F-35A. Nhưng có 4 công nghệ lõi mà chính phủ Mỹ từ chối bán gồm radar quét điện tử chủ động (AESA), hệ thống tìm kiếm và theo dõi hồng ngoại (IRST), hệ thống theo dõi điện quang (EO TGP) và hệ thống tần số vô tuyến (RF).
Sau khi Mỹ từ chối vào năm 2015, Hàn Quốc đã tự phát triển các công nghệ này, bao gồm radar AESA với khả năng phát hiện vào theo dõi nhiều mục tiêu đồng thời.
Sau khi thu hút sự chú ý của cả thế giới với chuyến thăm Đài Loan (Trung Quốc), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nhận được ít quan tâm trong chặng dừng chân tiếp theo.
Nguồn: [Link nguồn]