Chiến đấu cơ Trung Quốc đổi chiến thuật, diễn tập “kiểu mới” trên Biển Đông
Tờ PLA Daily cho hay, quân đội Trung Quốc đang tăng cường tập trận trên Biển Đông và thay đổi nội dung diễn tập để chuẩn bị cho “nguy cơ đối đầu bất ngờ”.
Chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc hạ cánh xuống tàu sân bay Liêu Ninh. (Ảnh: Chinamil)
Theo thông tin được tờ PLA Daily đăng tải hôm 15/12, một đơn vị của Lực lượng Không Hải quân thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam của Trung Quốc đã hoàn thành một đợt huấn luyện về cảnh báo sớm trên không. Trong đó, đơn vị này đã phát hiện và nhận dạng hơn 10 mục tiêu "thù địch" khi có tín hiệu trên radar. Đáng nói, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Nam của quân đội Trung Quốc hoạt động chủ yếu trên Biển Đông.
“Khác với nội dung cuộc tập trận cảnh báo sớm hồi năm ngoái, đợt tập trận lần này lớn hơn về quy mô, đặt ra những thử thách mang tính thù địch hơn và chú trọng vào tác chiến ban đêm. Kiểu tập trận này đặt ra những thách thức cho quân nhân và thiết bị, đồng thời tăng cường năng lực chiến đấu trong trường hợp khẩn cấp cho quân đội Trung Quốc”, PLA Daily dẫn lời ông Yan Liang, một quan chức quân đội Trung Quốc
Cũng theo PLA Daily, cuộc tập trận diễn ra vào giữa tháng 11 với sự tham gia của hai nhóm chiến đấu cơ. Trong quá trình tập trận, nhóm chiến đấu cơ thứ nhất thực hiện chia sẻ thông tin tình báo cho nhóm thứ hai. Nhóm thứ hai này sau đó tiến hành tìm kiếm và thu thập thông tin về một nhóm các mục tiêu hoạt động trên biển.
Một sĩ quan Trung Quốc giấu tên cho hay, không quân Trung Quốc đã chuyển từ cách tiếp cận bị động sang chủ động trong quá trình diễn tập.
“Giờ đây, yếu tố khó khăn và thông tin tình báo trở thành nội dung được đưa ra thường xuyên trong các cuộc tập trận. Chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết để tránh những rủi ro và nguy hiểm trong quá trình tập trận”, sĩ quan này nói.
Còn theo ông Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, cuộc tập trận trên Biển Đông vào giữa tháng 11 đánh dấu sự khác biệt so với những đợt diễn tập trước. Bởi trước đây, các chiến đấu cơ Trung Quốc được thông báo trước về “đối thủ” và “những nguy hiểm” họ có thể gặp phải.
“Đây là sự thay đổi cần thiết đối với không quân Trung Quốc trong quá trình hoàn thiện giai đoạn đầu của quá trình hiện đại hóa quân đội. Theo đó, quân đội Trung Quốc cần tăng cường năng lực chiến đấu trong tình huống đối đầu gần với thực tế”, ông Zhou nhận định.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Đáp lại, hải quân Mỹ liên tục điều động tàu thuyền tới "làm nhiệm vụ tuần tra nhằm đảm bảo tự do hàng hải" ở Biển Đông.
Mới đây, bản báo cáo từ Viện Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Peking, trong khoảng thời gian từ tháng 1 – 11/2019, Mỹ cùng các đồng minh trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đã tổ chức ít nhất 85 cuộc tập trận chung với nhiều quy mô khác nhau mà chủ yếu trên Biển Đông nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Báo cáo nhấn mạnh, mục đích của Mỹ là tăng cường sự hiện diện trong khu vực cũng như mở rộng năng lực quốc phòng cho các nước đồng minh.
Trong số các cuộc tập trận song phương và đa phương được Mỹ tiến hành ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trong năm nay, Philippines tham gia ít nhất 16 lần, Thái Lan 9 lần và Singapore 6 lần.
Ngoài ra, Mỹ còn mời những đồng minh khác như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia tham gia tập trận trên Biển Đông nhằm “lôi kéo ba quốc gia này vào vấn đề ở khu vực”.
Nguồn: [Link nguồn]
Nhiều chuyên gia cảnh báo nền móng của các thực thể này đang suy yếu dần do các tác động từ thời tiết và môi trường...