Đáp trả vụ đánh bom tự sát, Thổ Nhĩ Kỳ dội bom ở Iraq
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố "20 cứ điểm khủng bố đã bị phá hủy" trong cuộc không kích diễn ra vào ngày 1/10 ở miền bắc Iraq.
Chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ.
Các chiến đấu cơ Thổ Nhĩ KỲ đã giáng đòn không kích nhằm vào các mục tiêu là các cứ điểm của đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở khu vực Iraqi Kurdistan. Thổ Nhĩ Kỳ coi PKK là các phần tử khủng bố. Vùng Iraqi Kurdistan là khu tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq.
Đợt không kích của Thổ Nhĩ Kỳ hôm 1/10 nhằm đáp trả vụ đánh bom gần trụ sở Bộ Nội vụ ở thủ đô Ankara. Theo Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, "20 cứ điểm khủng bố đã bị phá hủy" ở các khu vực Metina, Hakurk, Qandil và Gara thuộc vùng Iraqi Kurdistan. Đợt không kích diễn ra vào 9 giờ tối (giờ địa phương).
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, mục tiêu của cuộc không kích là nhằm “vô hiệu hóa PKK và các phần tử khủng bố khác, ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố xuyên biên giới từ phía bắc Iraq".
Sáng ngày 1/10, một kẻ đánh bom tự sát đã kích nổ bom đeo trên người ở bên ngoài trụ sở Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi một kẻ khủng bố khác bị lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ bắn chết. Thổ Nhĩ Kỳ thông báo có hai cảnh sát bị thương trong vụ việc.
PKK được cho là đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom tự sát, nói rằng đây là "lời cảnh báo đối với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gọi vụ nổ là “nỗ lực mới nhất” nhằm khủng bố người dân. "Những kẻ đe dọa hòa bình và an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ đạt được mục đích", ông Erdogan nói.
PKK đã đấu tranh ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ từ những năm 1980 nằm xây dựng khu tự trị riêng cho người Kurd. Các nhóm người Kurd cũng hiện diện ở miền bắc Iraq và đông bắc Syria.
Vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nhóm họp trở lại, dự kiến sẽ xem xét tư cách thành viên NATO của Thụy Điển.
Ngoại trưởng Thụy Điển Tobias Billstrom đã lên án vụ đánh bom tự sát ở Ankara, khẳng định Thụy Điển “cam kết hợp tác lâu dài với Thổ Nhĩ Kỳ để chống khủng bố”.
Một số thành viên PKK đã sống lưu vong ở Thụy Điển từ lâu và đang nằm trong danh sách mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn dẫn độ về nước để xét xử. Đây là vấn đề chính khiến Thổ Nhĩ Kỳ chưa đồng ý phê chuẩn cho Thụy Điển gia nhập NATO.
Đài Deutsche Welle (Đức) điều tra cho thấy hàng ngàn trẻ em Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong nhiều năm tới.
Nguồn: [Link nguồn]