Chiến binh nước ngoài tham gia xung đột Nga - Ukraine: Hay ít dở nhiều?
Chưa đầy 48 giờ sau khi Nga tuyên bố mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi công dân nước ngoài tham gia vào “Quân đoàn quốc tế phòng thủ Ukraine”. Theo một số chuyên gia, hành động này của Ukraine có thể “lợi bất cập hại”.
Một nhóm lính tình nguyện nước ngoài xuất hiện ở Ukraine (ảnh: Reuters)
Ukraine cho biết, họ sẽ dỡ bỏ hạn chế thị thực, thậm chí là cấp hộ chiếu cho các chiến binh nước ngoài muốn tới nước này hỗ trợ nhằm đối phó với quân đội Nga.
Hôm 8.3, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết, nước này nhận được hơn 20.000 đơn tình nguyện của người nước ngoài đề nghị được gia nhập quân đội Ukraine. Theo Tổng thống Ukraine Zelensky, những nhóm chiến binh nước ngoài đầu tiên đến nước này đã ra trận.
Nhiều chuyên gia cảnh báo, hàng nghìn lính tình nguyện xuất hiện ở Ukraine sẽ gây hậu quả tiêu cực ngắn hạn, thậm chí dài hạn đối với xung đột.
“Hậu quả rõ ràng nhất từ lính tình nguyện nước ngoài là họ khiến xung đột gia tăng cả về mức độ nghiêm trọng lẫn quy mô. Tâm lý của lính tình nguyện nước ngoài là họ thường ủng hộ phe yếu hơn. Điều đó khiến cuộc chiến bị kéo dài và gây thêm thương vong không cần thiết”, David Malet – chuyên gia tại Đại học American (Mỹ) và là tác giả cuốn “Những chiến binh nước ngoài” – nhận xét.
“Dĩ nhiên, trong một số trường hợp, sự xuất hiện của lính tình nguyện có thể giúp phe yếu hơn lật ngược tình thế. Nhưng cái giá phải trả là bạo lực leo thang và mạng sống của dân thường”, ông David Malet nói thêm.
Ukraine tuyên bố họ nhận được hơn 20.000 đơn tình nguyện của công dân đến từ 52 quốc gia khác nhau. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga tiết lộ có khoảng 16.000 chiến binh từ Trung Đông sẵn sàng tới Ukraine để hỗ trợ quân đội Nga. Daniel Byman – chuyên gia cao cấp tại Viện Brookings – cho rằng, những con số trên có thể đã bị “thổi phồng”.
“Tôi cho rằng chỉ có một số không đáng kể quân tình nguyện nước ngoài đang có mặt ở Ukraine. Trong số đó, chỉ có một vài người thực sự có kinh nghiệm chiến đấu. Lực lượng này là không đủ để lật ngược cục diện cuộc chiến. Rào cản ngôn ngữ là một vấn đề lớn”, chuyên gia Daniel Byman nhận xét.
Sự xuất hiện của chiến binh nước ngoài có thể khiến giao tranh Nga – Ukraine thêm tồi tệ (ảnh: Daily Mail)
Theo ông Daniel Byman, việc quân tình nguyện nước ngoài đến Ukraine không có gì tốt, bất kể họ chọn giúp đỡ phe nào. Nghiên cứu mới đây của trang Warontherocks cho thấy, đa số quân tình nguyện nước ngoài có xu hướng bạo lực cao hơn mức bình thường. Trên chiến trường, họ dễ thể hiện tư tưởng cực đoan, thực hiện hành vi tàn bạo và thậm chí trở thành tội phạm chiến tranh.
“Các chiến binh nước ngoài thường thể hiện hành vi bạo lực tới mức khó chấp nhận trên chiến trường. Sự xuất hiện của họ đẩy thương vong lên cao hơn và chính họ cũng dễ tử vong. Điều gì xảy ra nếu một số chiến binh nước ngoài tới Ukraine có liên hệ với các nhóm khủng bố cực đoan?”, Raffaello Pantucci – giảng viên tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) – nhận xét.
Trong khi hàng nghìn chiến binh nước ngoài tới Ukraine, nhiều người trong số họ cũng có thể phải đối mặt với hậu quả pháp lý bất lợi ở quê nhà. Canada, Mỹ, Anh là 3 nước có nhiều công dân tới Ukraine tham chiến nhất, theo Reuters.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, công dân nước này không bị cấm phục vụ trong quân đội của quốc gia khác. Tuy nhiên, Đạo luật Trung lập năm 1974 của Mỹ nghiêm cấm công dân nước này có hành vi gây chiến, chống lại chính phủ nước ngoài đang có quan hệ hòa bình với Washington.
Ở Anh, Ngoại trưởng Lizz Truss từng lên tiếng ủng hộ công dân tới Ukraine hỗ trợ giao tranh. Tuy nhiên, thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao Anh cảnh báo hậu quả bất lợi nếu công dân nước này có tới Ukraine tham chiến. Đạo luật Nhập ngũ Nước ngoài của Anh năm 1870 quy định, nghiêm cấm công dân tham gia lực lượng nước ngoài chiến đấu với quốc gia đang có quan hệ hòa bình với Anh.
Một chiến binh nước ngoài ở Ukraine mang quốc tịch Anh (ảnh: Reuters)
Daphne Richemond Barak – giáo sư tại Trường Chính sách công, Ngoại giao và Chiến lược (Israel) – cho biết, luật pháp quốc tế quy định, quân tình nguyện nước ngoài (bất kể quốc tịch) được hưởng quy chế tù binh chiến tranh nếu đầu hàng hoặc bị bắt giữ.
“Họ sẽ được cung cấp thức ăn, nước uống và điều trị y tế”, giáo sư Daphne Richemond Barak nói.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga tuần trước cho biết, “lính đánh thuê” nước ngoài chiến đấu cho Ukraine sẽ không được hưởng quy chế tù binh chiến tranh và sẽ bị xử lý theo luật hình sự nếu rơi vào tay quân đội Nga.
Theo giáo sư Daphne Richemond Barak, tình hình sẽ trở nên tồi tệ nếu Nga dùng công khai xử lý công dân một quốc gia theo luật hình sự. Quan hệ giữa Moscow hoặc Kiev với quốc gia có quân tình nguyện tham chiến ở Ukraine cũng trở nên căng thẳng.
Nguồn: [Link nguồn]
Chính quyền Lviv cho biết, vào khoảng 6 giờ sáng ngày 13.3, quân đội Nga đã bất ngờ không kích vào thành phố. Mục tiêu là Trung tâm An ninh và Gìn giữ hòa bình Quốc tế (IPSC) ở...