Chi tiết sức mạnh quân sự Trung Quốc năm 2020 khiến Mỹ lo ngại
Lầu Năm Góc gần đây đã công bố báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2020, trong đó chỉ rõ dấu hiệu quân đội Trung Quốc đang biến đổi để trở thành lực lượng chiến đấu hiện đại.
Quân cảnh Trung Quốc diễn tập võ thuật trước sự chứng kiến của các tân binh ở Hợp Phì, Trung Quốc.
Báo cáo đề cập đến điều mà các nhà hoạch định quân sự và quốc phòng Mỹ lo ngại. Đó là Trung Quốc có lực lượng hải quân lớn nhất, ngày càng mở rộng kho vũ khí hiện đại và nâng cao đáng kể khả năng thu hồi Đài Loan.
Báo cáo viết rằng Trung Quốc đã "thống nhất các nguồn lực, công nghệ và nguyện vọng chính trị trong hai thập kỷ qua để củng cố và hiện đại hóa quân đội về mọi mặt". Báo cáo nhấn mạnh "Trung Quốc đã vượt Mỹ trong một số lĩnh vực nhất định”.
Nhân sự kiện này, tờ Business Insider đã đăng bài phân tích chi tiết về sức mạnh quân sự, cũng như nơi Trung Quốc bố trí binh lực.
Lục quân có 915.000 quân chính quy
13 cụm tập đoàn quân Trung Quốc rải rác ở 5 Chiến khu.
Lục quân Trung Quốc hiện có 915.000 quân chính quy, chia làm 13 cụm tập đoàn quân. Trung Quốc hiện có 5 chiến khu bao gồm, Chiến khu miền Nam, Chiến khu miền Tây, Chiến khu trung ương (miền Trung) và Chiến khu miền Bắc.
Riêng ở khu vực phía tây giáp biên giới Ấn Độ, Trung Quốc bổ sung thêm quân khu Tân Cương và quân khu Tây Tạng, chịu sự chỉ huy của Chiến khu miền Tây.
Trong số 13 cụm tập đoàn quân Trung Quốc, 3 cụm tập đoàn quân tập trung bảo vệ Bắc Kinh và chi viện cho các chiến khu khác.
Chiến khu miền Nam có 2 cụm tập đoàn quân, trong đó tập đoàn quân số 75 đóng quân gần Hong Kong. Tập đoàn quân số 73 thuộc Chiến khu miền Đông, đóng quân ở eo biển Đài Loan.
Binh sĩ Trung Quốc huấn luyện ở Tân Cương.
Mỗi tập đoàn quân Trung Quốc trung bình có khoảng 12 lữ đoàn, mỗi lữ đoàn khoảng 5.000 quân, trong đó bao gồm 6 lữ đoàn vũ trang tổng hợp. Các lữ đoàn vũ trang tổng hợp có lữ đoàn vũ trang hạng nặng có xe bọc thép bánh xích, lữ đoàn vũ trang hạng trung là xe bọc thép bánh lốp, lữ đoàn vũ trang hạng nhẹ.
6 lữ đoàn còn lại trong từng tập đoàn quân bao gồm: lữ đoàn pháo binh, lữ đoàn phòng không, lữ đoàn không quân của lục quân (tập trung vào khả năng cường kích), lữ đoàn đặc nhiệm, lữ đoàn công binh và phòng thủ hóa học, lữ đoàn hậu cần.
Đáng chú ý, Lầu Năm Góc nhắc đến Quân đoàn nhảy dù trong báo cáo về lục quân Trung Quốc. Quân đoàn này đóng quân ở miền trung của Trung Quốc, thuộc không quân.
Hải quân Trung Quốc lớn nhất thế giới
Trung Quốc trung bình đóng mới một tàu chiến trong 50 ngày.
Hải quân Trung Quốc hiện có tới 350 tàu chiến, đông đảo nhất thế giới, chủ yếu là các tàu chiến đa năng, vừa có khả năng chống ngầm, vừa chống hạm và phòng không.
Các tàu này được chia cho 3 hạm đội đóng quân ở miền bắc (Thanh Đảo), miền Đông (Ninh Ba) và miền Nam (Trạm Giang) Trung Quốc. Do yếu tố địa lý, hạm đội miền Đông và hạm đội miền Nam có số lượng tàu chiến vượt trội. Hạm đội miền Bắc chủ yếu có nhiệm vụ bảo vệ tuyến đường hàng hải dẫn vào Bắc Kinh.
Hải quân Trung Quốc cũng có 6 lữ đoàn lính thủy đánh bộ và một số lượng hạn chế lực lượng không quân trang bị trên tàu sân bay.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc có năng lực chiến đấu hạn chế nên được bàn giao cho hạm đội miền Bắc. Hạm đội miền Nam năm ngoái đã tiếp nhận tàu sân bay Sơn Đông.
Trong trường hợp xảy ra xung đột ở Đài Loan, hạm đội miền Đông và miền Nam sẽ trực tiếp tham gia.
Không quân sánh ngang sức mạnh phương Tây
Vị trí các căn cứ không quân và hải quân Trung Quốc.
Không quân Trung Quốc đang là lực lượng lớn nhất khu vực và lớn thứ ba trên thế giới, với số lượng hơn 2.500 máy bay.
Hơn 800 trong số 1.500 chiến đấu cơ Trung Quốc là máy bay chiến đấu thế hệ 4, ngang chiến đấu cơ phương Tây.
Không quân Trung Quốc cũng đã có chiến đấu cơ tàng hình, trong khi oanh tạc cơ tàng hình đang được phát triển.
Chiến khu trung ương là nơi Trung Quốc đặt tới 5 căn cứ không quân, tiếp sau là 3 căn cứ không quân ở Chiến khu miền Nam và 3 căn cứ không quân ở Chiến khu miền Tây.
Tháng 10.2019, Trung Quốc đã công bố oanh tạc cơ H-6N. Đây là oanh tạc cơ ném bom hạt nhân đầu tiên có thể tiếp nhiên liệu trên không.
Một khi phát triển xong tên lửa hạt nhân phóng từ oanh tạc cơ H-6N, Trung Quốc sẽ chính thức có bộ ba tấn công hạt nhân.
Phóng nhiều tên lửa đạn đạo hơn cả thế giới
Đối với tên lửa tấn công thông thường, Trung Quốc sở hữu các tên lửa có tầm tấn công từ 850km cho tới 4.500km, chủ yếu là các tên lửa có thể vượt chiến lược Chuỗi đảo thứ Hai (tuyến phòng thủ chiến lược thứ hai của Mỹ, từ quần đảo Ogasawara của Nhật Bản đến quần đảo Mariana của Mỹ), cách Trung Quốc khoảng 2.000km.
Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, đáng lo ngại nhất là tên lửa đạn đạo DF-26 và DF-21. Đây là các tên lửa đạn đạo tầm trung nhằm tấn công mục tiêu quan trọng như tàu sân bay Mỹ và các tàu hộ tống.
Tên lửa đạn đạo DF-26 của Trung Quốc.
Các oanh tạc cơ H-6J của Trung Quốc mang theo tới 6 tên lửa chống hạm YJ-12, giúp gia tăng đáng kể năng lực hỗ trợ hải quân.
Trong khi đó, các tên lửa đạn đạo liên lục địa Trung Quốc có tầm bắn xa nhất tới 13.000km, đủ sức vươn đến lục địa Mỹ.
Mạnh nhất trong số này là tên lửa DF-41 với khả năng mang 10 đầu đạn hạt nhân tấn công độc lập.
Theo báo cáo, trong năm 2019, lực lượng tên lửa Trung Quốc đã “phóng tên lửa đạn đạo nhằm mục đích huấn luyện và diễn tập lớn hơn cả thế giới cộng lại”.
Cuối cùng, báo cáo nêu rõ Mỹ vẫn vượt trội hơn so với quân đội Trung Quốc về kinh nghiệm chiến đấu và chất lượng vũ khí.
Nhiều vũ khí Trung Quốc sao chép từ Nga không đạt chất lượng như mong muốn, điển hình là tiêm kích hạm J-15. Trung Quốc cũng gặp khó khăn khi nội địa hóa động cơ Nga.
Nhưng báo cáo kết luận rằng, quân đội Trung Quốc đang ngày càng mở rộng cả về số lượng và chất lượng, sẽ ngày càng mạnh hơn trong tương lai.
Báo TQ cho rằng ở những khu vực có độ cao lớn, Ấn Độ không có khả năng điều quân số lượng lớn trong mùa Đông.
Nguồn: [Link nguồn]