Chi tiết đáng chú ý về con số thương vong trong vụ giẫm đạp tại Itaewon
Tính đến ngày 31/10, trong số 154 nạn nhân thiệt mạng trong vụ giẫm đạp tại Itaewon, Seoul, có 98 nạn nhân là nữ giới.
Sự chênh lệch đáng kể giữa số nạn nhân là nữ giới (98 người) với nam giới (56 người) khiến dư luận đặt câu hỏi tại sao thảm kịch giẫm đạp như trường hợp xảy ra tại sự kiện Halloween ở quận Itaewon, Seoul, Hàn Quốc đêm 29/10 lại khiến phụ nữ dễ bị tổn thương và thiệt mạng nhiều hơn.
Hiện chưa rõ tỷ lệ nam giới - nữ giới có mặt tại hiện trường xảy ra vụ giẫm đạp. Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng những người có khung cơ thể nhỏ hơn, sức mạnh thể chất yếu hơn dễ bị chấn thương hơn trong trường hợp xảy ra chèn ép, giẫm đạp. Nguyên nhân là do quá trình hô hấp đòi hỏi cơ hoành thường xuyên hoạt động, nên những người thể chất yếu dễ trở thành nạn nhân khi bị hàng lớp người đè ép lên nhau, ai nấy đều cố tìm cách thoát thân để bảo toàn mạng sống.
Ông Park Jae-Sung, Giáo sư chuyên ngành phòng cháy chữa cháy và thảm họa tại Đại học Soongsil Cyber cho rằng khả năng chống đỡ áp lực cũng như hồi sức ở phụ nữ thường yếu hơn nam giới và đó có thể là nguyên nhân tại sao có nhiều nạn nhân nữ giới trong thảm kịch trên phố Itaewon.
Đám đông chen chúc, xô đẩy trong con hẻm chật hẹp dẫn tới cảnh giẫm đạp trong sự kiện Halloween ở quận Itaewon, Seoul, Hàn Quốc đêm 29/10. Ảnh - Reuters
Bà Kim Won-young, Giáo sư Y học cấp cứu thuộc Trung tâm Y học Asan, cho hay khi bị chèn ép, đè nén, theo bản năng, con người sẽ tìm cách khoanh tay trước ngực để có thêm không gian hít thở. Tuy nhiên, những người thể chất yếu khó có thể làm được như vậy khi bị đám đông chèn ép.
Ông G. Keith Still, Giáo sư về khoa học đám đông tại Đại học Suffolk, Anh cho biết phụ nữ thường có khung cơ thể nhỏ hơn nam giới nhưng lại có khối lượng cơ thể lớn hơn ở vùng ngực trên. Theo ông Still, dưới áp lực quá lớn, phần trọng lượng cơ thể này càng bị đè ép vào bên trong, gây ra chấn thương nặng hơn so với nam giới.
Ông Still cũng cho rằng thân trên của nam giới mạnh hơn nữ giới, giúp họ dễ bò trườn, tìm cách thoát khỏi đám đông khi bị ngã đè lên nhau hơn so với nữ giới. Điều này phần nào được chứng minh khi các nhân chứng, nạn nhân được cứu sống tại hiện trường vụ giẫm đạp ở Itaewon kể lại nhiều nam giới đã tìm cách thoát khỏi đám đông, nép vào các cửa hiệu ven đường trong khi nhiều nạn nhân là nữ giới không thể làm như vậy.
Khung cảnh tại quận Itaewon sau khi xảy ra thảm kịch giẫm đạp đêm 29/10. Ảnh - Yonhap
Ông Hong Ki-jeong, Giáo sư Y học cấp cứu tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, người trực tiếp tham gia giải cứu nạn nhân trong vụ giẫm đạp, cho biết nhiều trường hợp tử vong là do ngạt thở dẫn đến ngưng tim.
“Khi nhân viên cứu hộ tới hiện trường, hầu hết nạn nhân không còn phản ứng với hồi sức tim phổi. Họ bị ngạt thở dẫn tới tử vong. Nhiều người có thể bị tổn thương não do ngạt thở khiến các biện pháp cấp cứu khẩn cấp không có nhiều tác dụng”, ông Hong nói.
Theo Korea Herald, thời điểm vàng để cứu chữa nạn nhân bị ngưng tim là trong 5 phút đầu tiên. Sau khoảng thời gian này, tổn thương não bắt đầu xảy ra.
Sau 10 phút, tổn thương não có thể để lại hậu quả lâu dài. Hầu hết nạn nhân trong thảm kịch tại quận Itaewon không được cứu chữa trong thời điểm vàng bởi riêng thời gian để kéo họ ra khỏi hàng lớp người chồng chất lên nhau đã tốn rất nhiều thời gian.
Khi nào một đám đông bắt đầu trở nên nguy hiểm? Bạn nên đi lùi lại hay xô đẩy người khác để thoát khỏi đám đông? Làm sao để thở? Đó là những câu hỏi được đặt...
Nguồn: [Link nguồn]