Chi tiết 4 giờ đồng hồ Israel giáng đòn tấn công lớn nhất nhằm vào Iran

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trong khoảng 4 giờ đồng hồ, không quân Israel đã thực hiện cuộc không kích quy mô lớn nhất từ trước đến nay nhắm vào Iran. Cuộc tập kích đánh dấu bước leo thang mới trong cuộc đối đầu dai dẳng giữa Israel và Iran.

Chiến đấu cơ F-35 của không quân Israel. Ảnh: New York Post.

Chiến đấu cơ F-35 của không quân Israel. Ảnh: New York Post.

Chiến dịch “Ngày ăn năn"

Lúc 2 giờ sáng ngày 26/10 (giờ địa phương), hàng trăm phi công Israel, trong trang phục đặc biệt với ngôi sao David (biểu tượng cổ xưa của người Do Thái), bước vào khoang lái của khoảng 100 chiến đấu cơ, máy bay do thám và máy bay tiếp dầu.

Israel huy động các tiêm kích tàng hình F-35 cho cuộc tập kích. Tờ Jerusalem Post dẫn các nguồn tin quốc phòng cho biết, lực lượng không quân Israel tham gia có các phi đoàn 201 và 119, các đơn vị vận hành chiến đấu cơ F-16.

Họ cất cánh từ một căn cứ quân sự sau khi nhận được chỉ thị từ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các tướng lĩnh quân đội. Tại một hầm ngầm kiên cố dưới lòng đất ở Tel Aviv, các lãnh đạo quân đội Israel đã chính thức phê duyệt kế hoạch tập kích Iran.

Israel đặt mật danh "Ngày ăn năn" cho chiến dịch này. Theo các quan chức Israel, cuộc tấn công được thiết kế để đáp trả một cách "tương xứng" cuộc tấn công tên lửa vào ngày 1 tháng 10 mà Tehran thực hiện nhắm vào lãnh thổ Israel. Đồng thời, chiến dịch này cũng là nỗ lực nhằm duy trì ổn định khu vực, tránh tác động đến các quốc gia lân cận và không làm gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.

Một quan chức Israel chia sẻ: “Thông điệp chúng tôi muốn gửi đi là không có ý định gây leo thang. Tuy nhiên, nếu Iran tiếp tục tấn công, chúng tôi có khả năng hành động mạnh mẽ hơn trong không phận của họ". Phát biểu này phản ánh sự tự tin của Israel sau khi thành công trong việc phá hủy hàng loạt hệ thống phòng không của Iran, bao gồm các tổ hợp S-300.

Bầu trời đêm ở thủ đô Tehran, Iran trong ngày Israel giáng đòn tập kích. Ảnh: WSJ.

Bầu trời đêm ở thủ đô Tehran, Iran trong ngày Israel giáng đòn tập kích. Ảnh: WSJ.

Chiều ngày 25/10, ông Netanyahu chủ trì cuộc họp qua điện thoại giữa các thành viên nội các, nhất trí thực hiện kế hoạch giáng đòn Iran trong đêm.

Vài giờ trước khi phát động chiến dịch, Israel đã thông báo cho Washington và các nước Ả Rập, cũng như các đối tác ở châu Âu. Động thái này giúp hạn chế bất ngờ và duy trì kênh ngoại giao với các nước lớn để giảm nguy cơ xung đột rộng hơn.

Ba đợt tấn công và các mục tiêu chiến lược

Trong đợt tấn công đầu tiên, Israel đã sử dụng các chiến đấu cơ F-35 hiện đại nhằm tấn công các hệ thống phòng không tại Syria và Iraq. Đây là bước đi quan trọng để mở đường cho các đợt không kích tiếp theo, khi các chiến đấu cơ thông thường của Israel bay qua không phận các nước này. Tấn công phủ đầu các mục tiêu ở Syria và Iraq giúp các chiến đấu cơ Israel tránh va chạm với các lực lượng phòng không địa phương và giảm thiểu nguy cơ bị phản công.

Các hệ thống phòng không được Iran bố trí ở nhiều khu vực trong lãnh thổ cũng bị Israel tấn công dữ dội.

Vào khoảng 3 giờ 30 phút sáng ngày 26/10 (giờ địa phương), Israel bắt đầu đợt tấn công thứ hai nhắm vào các cơ sở sản xuất tên lửa hành trình và đạn đạo của Iran. Một trong số các mục tiêu quan trọng bị Israel tấn công có khu vực quân sự Parchin – nơi được biết đến là cơ sở nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Iran.

Các chiến đấu cơ Israel ước tính đã tập kích khoảng 20 mục tiêu trên lãnh thổ Iran. Tel Aviv không công khai lộ trình hoạt động của các máy bay quân sự, nhưng các thông tin được tiết lộ cho thấy máy bay Israel đã tránh không phận Jordan. Iran cáo buộc tiêm kích Israel khai hỏa từ không phận Iraq, cách biên giới khoảng 110km.

Amir Aviv, cựu quan chức cấp cao IDF, cho biết "phần lớn tên lửa được khai hỏa ngoài không phận Iran". Ông Aviv để ngỏ khả năng chiến đấu cơ Israel xâm nhập thành công vào vùng trời Iran để tiến hành không kích chính xác.

Trong suốt chiến dịch, quân đội Israel luôn giám sát chặt chẽ tình hình trên vùng trời Iran, Iraq, Yemen, Syria và Lebanon, nhằm sẵn sàng ứng phó hành động đáp trả từ Iran và các đồng minh của nước này. Israel cũng sẵn sàng thực hiện các hoạt động cứu hộ trường hợp máy bay bị bắn rơi và phi công cần giải cứu.

Chiến đấu cơ được Israel sử dụng trong cuộc tập kích Iran hôm 26/10. Ảnh: Reuters.

Chiến đấu cơ được Israel sử dụng trong cuộc tập kích Iran hôm 26/10. Ảnh: Reuters.

Đợt tấn công cuối cùng được Israel thực hiện ngay trước bình minh. Các chiến đấu cơ Israel tấn công nhiều mục tiêu khác nhau, trong đó có kho đạn và các nhà máy sản xuất nhiên liệu rắn cho tên lửa. Đòn tấn công đợt ba nhắm vào các vị trí có tính chiến lược cao với mục đích làm giảm khả năng phản công của Iran trong thời gian dài.

Ước tính các chiến đấu cơ Israel đã bay khoảng 1.600-2.000 km đến khu vực khai hỏa, đặt ra thách thức rất lớn vào năng lực tiếp dầu trên không. Quá trình tiếp dầu mang ý nghĩa quyết định với thành bại của chiến dịch, giúp tiêm kích Israel có thể tiến gần lãnh thổ Iran để giáng đòn tập kích. Các chiến đấu cơ Israel cũng cần được tiếp dầu để có thể quay về căn cứ an toàn.

Chỉ cần sai sót nhỏ trong quá trình tiếp dầu hoặc máy bay gặp trục trặc cũng buộc phi công hạ cánh trên lãnh thổ nước ngoài, dẫn đến rủi ro đe dọa tính mạng, tờ Times of Israel cho biết.

Mặt trời mọc ở Tehran cũng là lúc Israel không báo kết thúc chiến dịch. Các máy bay quân sự trở về căn cứ gần 4 tiếng sau khi xuất kích mà không gặp bất cứ tổn thất nào.

Iran thiếu năng lực ngăn chặn chiến đấu cơ Israel?

Cơ sở quân sự Parchin của Iran vào năm 2022. Ảnh: WSJ.

Cơ sở quân sự Parchin của Iran vào năm 2022. Ảnh: WSJ.

Trong hàng thập kỷ bị Mỹ và phương Tây cấm vận, năng lực không quân Iran đã bị tổn hại nặng nề. Đây có thể là lý do Iran không thể huy động chiến đấu cơ xuất kích đối phó máy bay Israel.

Trong tương lai, Iran đang lên kế hoạch sản xuất nội địa các máy bay chiến đấu Su-30 và Su-35. Tehran được cho là đã nhận được giấy phép sản xuất các loại máy bay này từ Nga và đang chuẩn bị xây dựng nhà máy lắp ráp trong tương lai gần.

Iran có kế hoạch sản xuất từ 48 đến 72 chiếc Su-35 để trang bị cho lực lượng không quân. Số lượng máy bay Su-30 mà Iran dự kiến sản xuất vẫn chưa được công bố cụ thể.

Các chiến đấu cơ Su-30 và Su-35 có thể giúp Iran bảo vệ vùng trời và thậm chí phóng tên lửa tầm xa ngăn chặn máy bay Israel. Nhưng sẽ phải mất nhiều năm để Iran xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất hàng loạt máy bay.

Hôm 26/10, một số quan chức Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thừa nhận Israel đã tấn công các hệ thống phòng không S-300, các căn cứ tên lửa và nhà máy sản xuất vũ khí.

Iran được cho là đã xác nhận với một số quốc gia Ả Rập, rằng

những đòn tập kích của Israel có độ chính xác cực kỳ cao, tờ WSJ cho biết. Iran cũng ghi nhận 4 binh sĩ thiệt mạng trong cuộc tập kích của Israel.

Nguồn: [Link nguồn]

Israel tuyên bố đã đạt được mục tiêu trong vụ tấn công mới nhất, đồng thời cảnh báo Iran không được đáp trả, trong khi một hãng thông tấn bán chính...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - WSJ ([Tên nguồn])
Căng thẳng Iran - Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN