Cháy rừng ở Mỹ: Yếu tố khiến nỗ lực dập tắt đám cháy là bất khả thi
Thành phố Los Angeles và khu vực lân cận đang trải qua một trong những đợt cháy rừng tồi tệ nhất, đẩy hàng trăm ngàn người vào cảnh sơ tán và đặt ra câu hỏi lớn về khả năng ứng phó của thành phố trước thiên tai.
Máy bay thả chất dập lửa trong đám cháy rừng ở Los Angeles. Ảnh: Reuters.
Hậu quả to lớn
Tính đến cuối ngày 12/1 (giờ địa phương), giới chức Mỹ thông báo thảm họa cháy rừng khiến ít nhất 24 người thiệt mạng, 16 người mất tích, khoảng 150.000 người phải sơ tán, hơn 12 nghìn công trình bị thiêu rụi. Tổn thất kinh tế được ước tính từ 135-150 tỉ USD. Đây là thống kê thiệt hại kể từ khi cháy rừng bùng phát vào ngày 7/1.
Được tiếp thêm sức mạnh từ cơn gió Santa Ana thổi qua, ngọn lửa lan rộng khắp nhiều khu dân cư ở Los Angeles, khiến hàng ngàn ngôi nhà bị thiêu rụi. Santa Ana là một loại gió ấm và khô thường xuất hiện trong mùa đông ở bang California.
Clayton Colbert, một cư dân lâu năm sống tại thành phố Malibu, phía tây Los Angeles, đã chọn ở lại để bảo vệ ngôi nhà sát bờ biển. Ông sử dụng hệ thống bơm nước tự chế để dập những đốm lửa nhỏ từ tàn tro bay đến.
“Chúng tôi biết trước chuyện này sẽ xảy ra”, Colbert chia sẻ. Nhưng ông thừa nhận mình kiệt sức sau 48 giờ không ngủ, cố gắng bảo vệ tài sản. Trong khi nhà của ông vẫn còn cứu được, căn bên cạnh lại bốc cháy dữ dội, mặc cho nỗ lực của hai lính cứu hỏa và một xe chữa cháy.
“Có lúc suốt 24 giờ không có một chiếc xe cứu hỏa nào đến đây”, Colbert than thở khi nhìn cảnh tượng hoang tàn.
Cố gắng đến mấy cũng vô vọng?
Clayton Colbert nói cháy rừng dữ dội đến mức lực lượng cứu hỏa cũng phải bất lực. Ảnh: NPR.
Thảm họa cháy rừng đã làm bùng lên cuộc tranh luận về mức độ chuẩn bị ứng phó của thành phố. Khi được hỏi về tác động của việc cắt giảm ngân sách đối với công tác huấn luyện và ứng phó thiên tai, Giám đốc Cơ quan Cứu hỏa Los Angeles, Kristin Crowley thừa nhận đây là một thách thức. Nhưng bà khẳng định: “Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể với những gì mình có. Thậm chí nếu có thêm 1.000 xe chữa cháy, tôi không chắc rằng tình hình sẽ khá hơn”.
Theo Anthony Marrone, trưởng phòng Cứu hỏa Los Angeles, lực lượng đang chạy đua với thời gian để kiểm soát các đám cháy, trước khi gió mạnh tiếp tục tràn về trong tuần này, có nguy cơ khiến các đám cháy cũ lan rộng và xảy ra thêm các đám cháy mới.
Một số chuyên gia cho rằng vấn đề không chỉ nằm ở nguồn lực mà còn ở tính chất khó lường của đám cháy. Edith de Guzman, nhà nghiên cứu tại Đại học California-Los Angeles, giải thích: “Tàn lửa có thể bay xa hàng km, dễ dàng tạo ra những điểm cháy mới. Khi điều này xảy ra đồng loạt ở nhiều khu vực, việc dự đoán và kiểm soát đám cháy gần như bất khả thi”.
Những yếu tố khách quan
Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu đang là yếu tố chính làm tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng.
Hai năm qua, Los Angeles đã chứng kiến lượng mưa lớn, khiến cây cối và thảm thực vật phát triển mạnh. Nhưng năm nay, tình trạng khô hạn nghiêm trọng đã biến tất cả thành nguồn nhiên liệu lý tưởng cho các đám cháy.
Ngoài ra, hạ tầng xây dựng của thành phố cũng là một phần nguyên nhân. Nhiều ngôi nhà gỗ từ đầu thế kỷ 20 được thiết kế để chống động đất nhưng lại rất dễ cháy trong các vụ hỏa hoạn. “Cơ sở hạ tầng hiện tại không phù hợp để đối phó với điều kiện thời tiết khắc nghiệt”, de Guzman nhận định.
Những ngày gần đây, khi gió Santa Ana đã dịu bớt, các máy bay cứu hỏa chuyên dụng mới có thể hoạt động hiệu quả hơn. Từ bờ biển Santa Monica, người ta có thể thấy các máy bay lấy nước từ Thái Bình Dương rồi bay thẳng qua dãy núi Santa Monica để dập lửa. Cảnh tượng những chiếc máy bay bay vòng đi vòng lại giữa biển và núi mang đến chút hy vọng trong cuộc chiến chống lại cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
Thống đốc bang California Gavin Newsom và thị trưởng Los Angeles Karen Bass đã buộc phải “nén cơn giận” khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và đồng...
Nguồn: [Link nguồn]
-13/01/2025 19:21 PM (GMT+7)