Cháy rừng như 'tận thế' ở Hawaii: Vì sao lan quá nhanh, quá nhiều người chết?
Công thức cháy thảm khốc “khô, nóng, gió" khiến cháy rừng ở Hawaii lan quá nhanh và khó đối phó, gây thương vong lớn.
Ngày 11-8, các quan chức Hawaii (Mỹ) vẫn đang cố gắng xác định nguyên nhân gây ra trận cháy rừng trên đảo Maui lan với tốc độ kinh hoàng, tàn phá khoảng 80% thị trấn nghỉ dưỡng Lahaina.
Tính đến hết ngày 11-8 (giờ Mỹ), số người thiệt mạng trong trận cháy rừng đã lên tới 80 người, và khả năng sẽ còn tăng.
Chia sẻ với kênh Channel News Asia ngày 11-8, các chuyên gia nói rằng trận cháy rừng "như tận thế" ở Hawaii có sự kết hợp của 3 yếu tố.
Công thức khô-nóng-gió làm lửa lan quá nhanh
GS Erica Fleishman - Giám đốc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu Oregon tại ĐH Bang Oregon - cho biết sự kết hợp của nhiệt độ cao, thảm thực vật khô và gió lớn khiến lửa lan rất nhanh.
“Gió đóng vai trò rất lớn trong việc khiến đám cháy rừng lan rất nhanh và rất khó khống chế. Thảm thực vật mà đám cháy rừng đang đi qua hiện khá khô. Phần lớn đảo Maui đang bị hạn hán” - bà nói.
Bên cạnh đó, PGS-TS Mojtaba Sadegh - chuyên gia tại ĐH Bang Boise - cho rằng tình trạng biến đổi khí hậu cũng khiến các đám cháy thảm khốc dễ bùng phát hơn. công thức cháy thảm khốc (“hỗn hợp" khô, nóng và gió) xảy ra thường xuyên hơn.
“Khi có gió, rất khó và hầu như không thể nhanh chóng dập tắt những đám cháy đó. Về cơ bản, đám cháy ở Hawaii là một đám cháy cỏ và lan rất nhanh khi có gió lớn. Vì vậy, những gì lẽ ra có thể làm là giảm lượng cỏ trước khi mùa khô đến, gây ra hỏa hoạn và khiến lửa lan nhanh” - theo chuyên gia Sadegh.
Cháy rừng ở Hawaii lan nhanh, thiêu rụi nhiều ngôi nhà ở thị trấn Lahaina. Ảnh: REUTERS
Mặt khác, chuyên gia Sadegh lưu ý đến thực tế số người sống trong các khu vực có nguy cơ cao về cháy rừng đã tăng hơn gấp đôi trên khắp nước Mỹ.
Giờ đây dân Mỹ không những xây nhà tại những khu vực dễ xảy ra hỏa hoạn ở phía tây mà còn sử dụng vật liệu dễ cháy, như gỗ, ván lợp làm từ nhựa đường để làm nhà, trong khi “đây đều là những vật liệu dễ bắt lửa”, theo ông Sadegh.
Tác động khủng khiếp của cháy rừng
Như đã nói ở trên, đã tới 80 người chết vì cháy rừng ở Hawaii và thương vong khả năng chưa dừng lại. Ngoài mất mát nhân mạng, một lượng lớn công trình, nhà cửa cũng bị lửa càn quét thiêu rụi, thất thoát về kinh tế rất lớn.
Theo chuyên gia Sadegh, Hawaii - nơi phụ thuộc nhiều vào du lịch - sẽ mất vài năm, thậm chí hàng thập niên để đưa nền kinh tế trở lại như cũ. Mức độ thiệt hại kinh tế khiến khả năng tái thiết của cộng đồng cũng sẽ bị hạn chế.
Đó là những tác động hữu hình có thể đo đếm được, và bên cạnh đó các chuyên gia lưu ý đến những tác động khó nhìn thấy ngay.
Với những người may mắn sống sót, PGS-TS Sadeigh lưu ý nguy cơ họ phải chịu tổn thương tinh thần. Để có thể thoát được trận cháy rừng ở Hawaii, “họ đã dùng đến cách nhảy xuống biển để sau đó được lực lượng bảo vệ bờ biển cứu, và chấn thương (tâm lý) đó sẽ không biến mất sớm”, theo ông.
Bên cạnh đó, cháy rừng cũng tác động chất lượng không khí, có thể ngắn hạn hoặc lâu dài. Chất lượng không khí này có thể ảnh hưởng cả những cư dân ở cách xa đám cháy hàng nghìn km, theo ông Sadegh.
Theo GS Fleishman, một số nghiên cứu chỉ ra rằng tác động lâu dài của việc tiếp xúc với khói bụi có thể khá nghiêm trọng đối với người dân ở mọi lứa tuổi, cũng như đối với gia súc và động vật hoang dã.
“Chắc chắn có một số tác động lâu dài đối với những người bị ảnh hưởng. Ngoài ra, cũng khá nhiều khó khăn cho một số nơi tiếp nhận người sơ tán, đặc biệt là nơi sơ tán dài hạn” - bà Fleishman đánh giá.
Xe hơi bị cháy đen sau khi đám cháy quét qua thị trấn Lahaina. Ảnh: AP
Ngoài ra, theo chuyên gia Sadegh, sẽ có một số chất gây ô nhiễm xâm nhập nguồn nước sau hỏa hoạn. Khả năng có những vật liệu độc hại được thải ra từ các tòa nhà bị thiêu rụi. Những vật liệu này đi vào không khí và sẽ được giải phóng trong những tháng tới do mưa hoặc các hiện tượng thời tiết khác.
Cần ý chí chính trị và chiến lược phòng ngừa
Theo GS Fleishman, không chỉ Hawaii mà nhiều nơi trên thế giới đang trở nên khô hạn rất dễ xảy ra cháy rừng, do đó tần suất cháy rừng sẽ cao hơn so với những thập niên và thế kỷ trước.
Lưu ý việc tháng trước là tháng nóng nhất được ghi nhận trên toàn thế giới, GS Fleishman cảnh báo tình trạng nóng lên toàn cầu đang trầm trọng hơn và thế giới sẽ chứng kiến nhiều đợt sóng nhiệt trong thời gian tới.
Cần thiết phải có chiến lược phòng ngừa cháy rừng để bảo vệ nhân mạng và kinh tế.
Theo GS Fleishman, các chính phủ hoàn toàn có cơ hội để bảo vệ sức khỏe và sinh kế của người dân tốt hơn. Tuy nhiên để làm được thì cần phải có “ý chí chính trị” vì điều này "đòi hỏi (chính phủ) phải phân bổ lại các nguồn lực và thường xuyên làm việc với các cộng đồng bị ảnh hưởng ở các khu vực địa phương”.
“Mặc dù không nhất thiết phải có một giải pháp cho mọi trường hợp, nhưng tôi nghĩ có rất nhiều lý do để hy vọng rằng ngay cả khi rất khó ngăn chặn cháy rừng xảy ra thì vẫn có thể có một số cơ hội để giảm thiểu những tác động tiêu cực đó” - bà nhấn mạnh.
Về phía người dân, một chiến lược phòng ngừa có thể thực hiện là làm cho nhà cửa của mình trở nên cứng chắc hơn, loại bỏ thảm thực vật xung quanh nhà, để khi xảy ra cháy, lực lượng cứu hỏa sẽ dễ dàng đối phó hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Người chết trong thảm hoạ cháy rừng như "tận thế" ở đảo Maui, quần đảo Hawaii (Mỹ) đã tới con số 53 và dự kiến còn tăng.