Chạy đua đào mương trong đêm ở hồ lớn nhất Trung Quốc
Mực nước ở hồ Bà Dương đang cạn đến mức thấp nhất lịch sử, buộc giới chức phải cho đào mương trong hồ để có nước tưới tiêu.
Nước chảy qua các mương mới đào ở lòng hồ Bà Dương (ảnh: AP)
AP hôm 23/8 đưa tin, lượng nước trong hồ Bà Dương – hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc ở tỉnh Giang Tây – sụt giảm nghiêm trọng đã làm đứt đoạn dòng chảy của hệ thống tưới tiêu.
Để có nước phục vụ nông nghiệp, giới chức Giang Tây phải triển khai các đội máy xúc đến hồ Bà Dương đào mương dẫn nước. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng gay gắt, các đội máy xúc chỉ có thể hoạt động gấp rút trong đêm.
Theo AP, Giang Tây là một trong những khu vực trồng lúa trọng điểm ở Trung Quốc. Trong đợt hạn hán nghiêm trọng năm nay ở miền nam Trung Quốc, ngành nông nghiệp Giang Tây gặp nhiều khó khăn do nước của hồ Bà Dương suy giảm.
Nhận nước từ nhiều con sông lớn ở Trung Quốc, hồ Bà Dương có diện tích mặt nước trung bình vào khoảng 3.500 km vuông trong mùa mưa. Hiện diện tích mặt nước của hồ này bị thu hẹp do hạn hán, chỉ còn khoảng 737 km vuông.
Cảnh hạn hán ở hồ Bà Dương (ảnh: AP)
Hôm 18/8, mực nước tại trạm thủy văn Tinh Tử trên hồ Bà Dương đã rút xuống còn 10,12 mét, được cho thấp nhất kể từ năm 1951.
Từ hôm 17/8, giới chức Trung Quốc đã cảnh báo tình trạng hạn hán nghiêm trọng dọc sông Dương Tử. Tình trạng này có thể kéo dài tới tháng 9. Ngoài thiếu nước tưới tiêu, nhiều tỉnh thành ở miền nam Trung Quốc còn phải đối phó với tình trạng thiếu điện trong thời tiết nắng nóng.
Nắng nóng kéo dài làm bùng phát các đám cháy rừng khiến hơn 1.500 người ở khu vực Tây Nam Trung Quốc phải sơ tán. Nhiều nhà máy ở khu vực này cũng buộc phải cắt giảm sản xuất do thiếu điện.
Hạn hán ở Trung Quốc đã kéo dài hơn 2 tháng nay. Mức nhiệt vượt quá 40 độ C, thậm chí là 44 độ C được ghi nhận ở một số khu vực. Trùng Khánh là một trong những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất Trung Quốc do nắng nóng. Nhiều cửa hàng ở thành phố này chỉ mở cửa sau 16 giờ.
Nguồn: [Link nguồn]
Hạn hán nghiêm trọng khiến nhiều sông, hồ trên khắp thế giới cạn dần nước, để lộ ra những di tích lịch sử từng bị lãng quên.