Chạy đua chặn biến thể mới của SARS-CoV-2

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Điều lo ngại nhất là các biến thể mới của SARS-CoV-2 sẽ tiến hóa đến mức qua mặt xét nghiệm và vô hiệu hóa vắc-xin

Sau hơn một năm khởi phát, đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp vì các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được cho là có khả năng lây nhiễm mạnh hơn. Mỹ hôm 28-1 ghi nhận 2 ca nhiễm đầu tiên liên quan đến biến thể mới, xuất hiện lần đầu tại Nam Phi với tên gọi B.1.351. Theo đài CNN, giới khoa học không ngạc nhiên khi chứng kiến virus corona biến đổi, bởi đây vốn là điều thường xảy ra ở virus. Tính đến thời điểm hiện tại, B.1.351 là một trong 4 biến thể mới của SARS-CoV-2 khiến cộng đồng khoa học đặc biệt lo ngại, bên cạnh B.1.1.7; P.1 và L425R được phát hiện đầu tiên lần lượt tại Anh, Brazil và Mỹ. "Những biến thể được phát hiện gần đây dường như có khả năng lây nhiễm mạnh hơn, gây thêm sức ép lên hệ thống y tế vốn đang trong tình trạng quá tải của chúng ta" - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Rochelle Walensky khẳng định.

Điều giới khoa học lo ngại nhất về các biến thể của SARS-CoV-2 là kịch bản chúng sẽ tiến hóa đến mức gây ra những ca bệnh nghiêm trọng hơn, qua mặt xét nghiệm và vô hiệu hóa vắc-xin. Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, các nhà khoa học khẳng định các kết quả nghiên cứu cho thấy hệ thống miễn dịch của con người có khả năng xử lý mọi biến thể của SARS-CoV-2 đã được phát hiện cho đến nay, kể cả B.1.1.7 - biến thể khiến các nhà khoa học Mỹ lo ngại nhất.

Người dân Hồng Kông (Trung Quốc) đeo khẩu trang đi mua sắm chuẩn bị Tết nguyên đán hôm 28-1 Ảnh: REUTERS

Người dân Hồng Kông (Trung Quốc) đeo khẩu trang đi mua sắm chuẩn bị Tết nguyên đán hôm 28-1 Ảnh: REUTERS

Ông Gregory Armstrong, một quan chức cấp cao tại CDC, cho biết theo các nghiên cứu mới nhất, B.1.1.7 "lây nhiễm với phương thức giống hệt thể thông thường". Điều này đồng nghĩa những biện pháp ngăn chặn lâu nay như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người và rửa tay thường xuyên… vẫn hiệu quả. Tất nhiên, để ngăn chặn những biến thể lây nhiễm mạnh như B.1.1.7, các biện pháp nêu trên phải được thực hiện nghiêm ngặt hơn cho đến khi vắc-xin được phân phối diện rộng.

Các nhà sản xuất vắc-xin và nghiên cứu Covid-19 đang phân tích 4 biến thể nêu trên, cùng những biến thể khác, để tìm hiểu xem liệu chúng có làm suy giảm mức độ hiệu quả của vắc-xin hay không và nếu có thì suy giảm bao nhiêu. Thông tin tích cực, theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của chính phủ Mỹ Anthony Fauci, là "những vắc-xin hiện hành vẫn đủ khả năng chống lại các biến thể của SARS-CoV-2". Dù vậy, ông Fauci cảnh báo sự gia tăng của biến thể có thể kéo theo sự xuất hiện của các thể đột biến mới, do đó "chúng ta phải luôn nỗ lực để đi trước một bước".

Các nhóm nghiên cứu tại Trường ĐH Columbia (Mỹ) và những nơi khác đang tìm hiểu xem liệu biến thế của SARS-CoV-2 có thể chống lại phản ứng miễn dịch có trong máu của những người được tiêm vắc-xin hay không. Kết quả nghiên cứu cho thấy tuy chúng có thể làm giảm mức độ hiệu quả của vắc-xin nhưng chưa đủ để xuyên thủng lớp bảo vệ, chí ít là đến thời điểm hiện tại. Dữ liệu thử nghiệm sơ bộ được nhà sản xuất vắc-xin Novavax (Mỹ) công bố hôm 28-1 cho thấy mặc dù sản phẩm của họ đạt hiệu quả 89% trong giai đoạn 3 (giai đoạn cuối cùng) tại Anh, cuộc thử nghiệm giai đoạn 2 được tiến hành tại Nam Phi trong lúc biến thể B.1.351 bùng phát mạnh mẽ cho thấy tỉ lệ này chỉ là 60%. Nhằm ngăn chặn kịch bản xấu nhất, 2 công ty Pfizer và Moderna (đều của Mỹ) mới đây cho biết họ đang nghiên cứu để nâng cao mức độ hiệu quả của vắc-xin Covid-19. 

Nguồn: [Link nguồn]

Loại vắc-xin hiệu quả cao với biến thể ”siêu lây lan” ở Anh

Chính phủ Anh đã đặt hàng 60 triệu liều vắc-xin Covid-19, loại được cho là hiệu quả với biến thể "siêu lây lan"...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo CAO LỰC ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN