Châu lục duy nhất thế giới không có người nhiễm Covid-19: Liệu có thể giữ được mãi?
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lây lan toàn cầu, chỉ còn một châu lục không ghi nhận bất kỳ ca nhiễm virus nào. Nơi đây, mọi người có thể thoải mái tiếp xúc gần mà không cần đeo khẩu trang, theo dõi diễn biến dịch bệnh ở các “điểm nóng” Covid-19 trên thế giới từ cách xa hàng ngàn km.
Nơi đó là Nam Cực. Gần 1.000 nhà khoa học đang làm việc tại đây. Những người mới đến Nam Cực đều phải trải qua kiểm dịch nghiêm ngặt nhằm giữ cho “lục địa trắng” sạch bóng Covid-19.
“Nói thế nào nhỉ? Ở đây chúng tôi khá thoải mái so với một số quốc gia đang chứng kiến sự bùng phát của Covid-19, ít nhất là về mặt đi lại và tiếp xúc. Chúng tôi có thể trượt tuyết, gặp gỡ và giao lưu, sử dụng phòng gym như bình thường”, Rob Taylor – nhà khoa học làm việc tại Trạm nghiên cứu Rothera (Anh) – chia sẻ.
Ông Taylor cho biết, ở Nam Cực vẫn có mạng internet. Điều này có nghĩa là họ vẫn có thể theo dõi diễn biến bùng phát của dịch Covid-19 hàng ngày. Những chuyên gia khoa học mới tới Nam Cực luôn được các đồng nghiệp săn đón, hỏi han về tình hình dịch bệnh.
“Một số người mới đến nói chúng tôi nên học cách làm việc mới. Chúng tôi chưa bao giờ thực hành về giãn cách xã hội”, Taylor nói.
Ở trạm nghiên cứu Scott Base của New Zealand, các nhà khoa học đã tổ chức một buổi chơi gôn mini trước khi Nam Cực chìm trong bóng tối kéo dài.
Một nhà khoa học ở Nam Cực (ảnh: SCMP)
Rory O'Connor – bác sĩ làm việc tại trạm nghiên cứu Scott Base – cho biết, ông được hướng dẫn phải kiểm tra kỹ lưỡng các nhà khoa học mới từ nơi khác đến Nam Cực, đảm bảo họ không mang Covid-19 vào trạm.
“Bất kỳ ca nhiễm Covid-19 nào cũng chắc chắn gây ra tình trạng hoảng loạn. Nguồn cung nước, thực phẩm của chúng tôi vốn đã khó khăn lại có thể bị gián đoạn”, bác sĩ O'Connor nói.
Stephanie Short – người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu Nam Cực của Mỹ – cho biết, Mỹ mới đây đã tiếp tế rất nhiều cho các trạm nghiên cứu của nước này ở Nam Cực. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang là đáng lo ngại và việc kiểm soát dịch Covid-19 ở Nam Cực ngày càng trở nên “không chắc chắn”.
“Chúng tôi đã phải thay đổi kế hoạch nghiên cứu và sẽ gửi các nhà khoa học tới Nam Cực ít hơn”, bà Stephanie Short nói.
“Chúng tôi cố gắng trấn an tinh thần và động viên các nhà nghiên cứu làm tốt công việc của họ”, Anthony German – Giám đốc liên lạc Chương trình Nghiên cứu Nam Cực của Mỹ – cho biết.
Mùa hè năm nay, Mỹ chỉ cử 1/3 số nhân viên, nhà khoa học so với năm ngoái tới Nam Cực, nhằm hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Không chỉ Mỹ, một số quốc gia như New Zealand, Nam Phi cũng cắt giảm số người và số hoạt động nghiên cứu ở Nam Cực.
“Không quốc gia nào muốn bị mang tiếng là đưa Covid-19 tới Nam Cực. Chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn điều đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát như hiện nay, tôi không chắc Nam Cực có thể sạch bóng virus trong bao lâu nữa”, Nish Devanunthan – Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Nam Cực của Nam Phi – lo ngại.
Tàu nghiên cứu cập bến ở Nam Cực (ảnh: SCMP)
Trong khi Covid-19 khiến một số mối quan hệ ngoại giao rạn nứt, 30 quốc gia thuộc Hội đồng Quản lý Chương trình Nam Cực (COMNAP) đã cam kết hợp tác ngăn chặn Covid-19 xâm nhập nơi này bằng mọi giá.
Theo COMNAP, chỉ một ca nhiễm Covid-19 xuất hiện ở “lục địa trắng” cũng có thể gây ra thảm họa.
“Sự hạn chế của các biện pháp chăm sóc y tế và sức khỏe ở một nơi có điều kiện khí hậu khắc nghiệt như Nam Cực kèm theo Covid-19 lây lan có thể gây ra hậu quả thảm khốc”, COMNAP nhận định.
“Chỉ có thể tiếp cận Nam Cực bằng một số sân bay hoặc bằng tàu phá băng. Mọi thứ để hỗ trợ cho Nam Cực đều rất khó khăn. Vì vậy, các biện pháp ngăn chặn Covid-19 phải được thực hiện ngay lập tức”, COMNAP cảnh báo.
Theo COMNAP, các nhà khoa học ở Nam Cực được khuyến cáo không nên tiếp xúc với khách du lịch. Các chuyến thăm hỏi lẫn nhau giữa những trạm khoa học cũng bị hạn chế.
Dịch Covid-19 đang phơi bày một trong những bất bình đẳng sâu sắc và tồn tại lâu đời nhất thế giới: Phân phối lương...
Nguồn: [Link nguồn]