Châu Âu và Iran “nín thở” trông đợi phản hồi từ Mỹ

Iran và Liên minh châu Âu (EU) đang trông đợi phản hồi tích cực của Mỹ về dự thảo khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 do EU đệ trình, văn kiện được mô tả là “cơ hội duy nhất” giúp ngăn chặn “nguy cơ bùng phát một cuộc khủng hoảng hạt nhân nguy hiểm”.

Trong cuộc điện đàm với đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại Josep Borrell hôm 27/7 về nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân 2015, được biết đến với tên gọi chính thức là Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian xác nhận, Tehran “hoan nghênh việc tiếp tục các nỗ lực ngoại giao và đàm phán”, đồng thời hối thúc Mỹ có cách tiếp cận tương tự. “Mỹ luôn tuyên bố họ muốn một thỏa thuận, vì vậy họ cần thể hiện cách tiếp cận đó trong thỏa thuận và trong thực tế”, ông Amirabdollahian phát biểu, Reuters dẫn lời.

Đại diện các bên tham gia một vòng đàm phán ở Vienna. Ảnh: Getty Images.

Đại diện các bên tham gia một vòng đàm phán ở Vienna. Ảnh: Getty Images.

Phát ngôn của Ngoại trưởng Amirabdollahian được cho là phản hồi của Tehran với dự thảo thỏa thuận khôi phục JCPOA mà EU vừa đề xuất, trong đó EU tin rằng, các bên cần khẩn trương thông qua văn bản này để tránh “nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân nguy hiểm”. Dù nội dung chi tiết của dự thảo không được tiết lộ, ông Borrell khẳng định văn kiện đề cập chính xác cách thức dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống Iran, cũng như các bước cần thiết đưa Tehran trở lại tuân thủ điều khoản nêu trong thỏa thuận hạt nhân. “Văn bản này là thỏa thuận mà tôi, với tư cách người trợ giúp các cuộc đàm phán, thấy khả thi nhất”, quan chức phụ trách đối ngoại của EU nêu rõ.

JCPOA ngày càng tiến gần nguy cơ sụp đổ. Thỏa thuận được kí năm 2015 giữa Iran và các cường quốc P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) này quy định Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lại việc dỡ bỏ các biện pháp cấm vận quốc tế. Thế nhưng, năm 2018, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận rồi tái áp đặt trừng phạt chống Iran, còn Tehran trả đũa bằng cách từ bỏ các cam kết trong JCPOA, gồm việc làm giàu uranium ở độ tinh khiết 60%, cao gấp nhiều lần mức 3,67% mà JCPOA cho phép. Cách đây hai tuần, ông Kamal Kharrazi, người đứng đầu một ban cố vấn của lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei thậm chí tuyên bố, Tehran hiện có đủ năng lực kĩ thuật để chế tạo vũ khí hạt nhân, dù họ chưa đưa ra quyết định nào như vậy.

Suốt 4 năm qua, Nga, Trung Quốc và châu Âu đã tìm nhiều cách cứu vãn JCPOA. Theo sáng kiến của EU, Mỹ và Iran đã tham gia các cuộc đàm phán gián tiếp ở Vienna (Áo) từ tháng 4/2021 nhưng đến nay chưa có thỏa thuận nào được kí kết. Reuters nói rằng Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 27/7 hứa họ đang xem xét đề xuất mà ông Borrell nêu, rồi sau đó sẽ có phản hồi chính thức tới EU. Còn ông Borrell thì thúc giục Mỹ sớm phản hồi khi quả quyết rằng, dự thảo văn kiện của EU phản ánh “quyết tâm của tất cả các bên trong đảm bảo tính bền vững” của JCPOA, “bao gồm cả cam kết của Tổng thống Joe Biden và sự đảm bảo của Mỹ”, ám chỉ tuyên bố của Nhà Trắng cách đây gần một năm về việc “đưa Mỹ trở lại tuân thủ đầy đủ JCPOA, miễn là Iran cũng làm tương tự”.

Tuy vậy, ông Borrell thừa nhận khả năng Mỹ phản ứng tích cực không cao, bởi JCPOA đang gây ra các cuộc tranh cãi chính trị ở Washington vào thời điểm cuộc bầu cử giữa kì then chốt sắp diễn ra. Dù mô tả dự thảo thỏa thuận sẽ khó giải quyết toàn bộ “mối quan tâm của Mỹ đối với Iran”, EU tin tưởng thỏa thuận 2015 đã làm tốt nhiệm vụ kiềm chế tối đa chương trình hạt nhân Iran ở thời điểm nó được kí kết, nên các bên cần thôi đưa ra thêm yêu cầu mới. “Sau 15 tháng đàm phán căng thẳng nhưng mang tính xây dựng ở Vienna, cùng vô số tương tác giữa các bên tham gia JCPOA với Mỹ, tôi cho rằng không gian cho những thỏa hiệp bổ sung giữa các bên đã cạn kiệt”, ông nói và khẳng định “các quyết định phải được đưa ra ngay bây giờ để nắm bắt cơ hội duy nhất này”, bởi sẽ “chẳng có giải pháp thay thế hoàn hảo hoặc hiệu quả nào trong tầm tay”.

Nga và Trung Quốc, hai bên còn lại tham gia kí kết JCPOA, hiện chưa bình luận gì về dự thảo thỏa thuận của EU. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tháng trước nhấn mạnh Moscow kiên định rằng, phiên bản JCPOA được kí kết năm 2015 là một thỏa thuận phù hợp, không cần bổ sung. Tuy vậy, Moscow và Bắc Kinh lâu nay thể hiện họ sẽ chấp nhận các thỏa thuận khôi phục JCPOA nếu Iran đồng ý với các điều khoản đó.

Theo đánh giá của giới quan sát, các tuyên bố của ông Borrell cho thấy dự thảo mà ông vừa đưa ra có thể sẽ là đề xuất cuối cùng của EU sau các vòng đàm phán tại Vienna. Nếu Mỹ hay bất cứ bên nào không đồng ý với văn kiện, tiến trình đàm phán cứu vãn thỏa thuận duy nhất ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân sẽ chấm dứt, từ đó làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông liên quan tới vấn đề hạt nhân, với những tác động lâu dài về an ninh và kinh tế. Cần lưu ý rằng, hồi giữa tháng, nhân chuyến công du Trung Đông, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Yair Lapid đã kí tuyên bố chung quyết tâm ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân “vì lợi ích của Israel, Mỹ và cả thế giới”, đồng thời để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực chống Tehran trong trường hợp cần thiết.

Tân chỉ huy Không quân Mỹ ở Trung Đông ‘ngán’ UAV của Iran

Tướng Grynkewich thừa nhận chiến đấu cơ của Mỹ vẫn có lợi thế trên bầu trời Trung Đông, nhưng Iran đã điều chỉnh chiến thuật và đạt được những bước tiến lớn nhờ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiện Minh ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN