Châu Âu thống nhất áp giá trần với dầu Nga
Liên minh châu Âu (EU) đã "nhượng bộ" để đạt được sự đồng thuận từ các quốc gia phản đối trong khối như Malta, Hy Lạp và đảo Síp.
Tàu chở dầu neo tại một nhà máy lọc dầu của Nga.
EU đã đạt được một thỏa thuận áp giá trần đối với việc bán dầu Nga cho các nước thứ ba, báo Mỹ Politico ngày 4/10 đưa tin, trích dẫn các nguồn tin ngoại giao.
Hy Lạp, Malta và đảo Síp là các quốc gia phản đối đề xuất trên vì lo ngại ảnh hưởng tiêu cực đến ngành công nghiệp vận tải biển. Nhưng các nước này đã bày tỏ quan điểm ủng hộ sau khi EU cam kết nhượng bộ, nguồn tin cho biết.
Áp giá trần dầu Nga sẽ được nêu trong vòng trừng phạt thứ 8, dự kiến được EU công bố trong tuần này. Các đại sứ EU đã đạt thỏa thuận vào ngày 4/10 và dự kiến sẽ thông qua văn kiện cuối cùng vào ngày 5/10, Politico dẫn nguồn tin từ 7 nhà ngoại giao giấu tên của EU, nói. Chi tiết về gói trừng phạt hiện vẫn đang được các bên soạn thảo.
Theo nguồn tin, EU cam kết xây dựng "hệ thống giám sát" để đưa ra giải pháp hỗ trợ trong trường hợp ngành vận tải biển của Hy Lạp, đảo Síp và Malta "chịu thua lỗ" do quyết định áp giá trần dầu Nga.
EU đã cấm nhập khẩu than từ Nga và dự kiến sẽ cấm nhập khẩu dầu thô kể từ tháng 12 tới. Một số quốc gia EU như Hungary vẫn sẽ được phép nhập khẩu dầu của Nga trong một khoảng thời gian sau thời hạn chót vào tháng 12.
Hungary đã "bật đèn xanh" cho thỏa thuận áp giá trần dầu mỏ Nga sau khi nhận được cam kết từ EU rằng mức giá trần không được áp dụng cho dầu mỏ vận chuyển qua đường ống.
Theo quy định, tàu vận tải của các nước thành viên EU sẽ từ chối vận chuyển dầu Nga nếu mức giá vượt giá trần. Mức giá cụ thể sẽ được công bố trong vòng trừng phạt thứ 8.
Trước đó, Nga đã khẳng định sẽ không tuân thủ quy định mà EU đưa ra. Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo Moscow sẽ không bán dầu cho các quốc gia muốn áp giá trần dầu Nga.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc G7 tuyên bố muốn áp giá trần dầu Nga là một động thái chưa từng có tiền lệ. Một số nhà phân tích cho rằng, động thái này có thể phản tác dụng.