Châu Âu sẽ chìm trong nền “hòa bình lạnh”?

Việc Nga triển khai vũ khí hạt nhân đến Belarus, trong bối cảnh các thỏa thuận kiểm soát vũ khí toàn cầu đang lần lượt sụp đổ, là câu trả lời cho sự hiện diện ngày một tăng của khối quân sự NATO gần biên giới Nga, nhưng được cho là có tác động hạn chế đến thế cân bằng chiến lược ở châu Âu.

“Cái lý” của Nga và Belarus

Tháng 5/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Belarus Viktor Khrenin đã kí văn kiện về việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga trên lãnh thổ Belarus theo thỏa thuận mà Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đạt được trước đó. Tổng thống Putin khẳng định, động thái của Moscow không vi phạm các cam kết về không phổ biến vũ khí hạt nhân và quyết định này tương tự như những gì Mỹ đã thực hiện. “Từ lâu họ đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ đồng minh. Chúng tôi sẽ làm điều tương tự mà không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân”, Tổng thống Putin nói.

Xe phóng tên lửa Iskander-M của Nga. Ảnh: GettyImages

Xe phóng tên lửa Iskander-M của Nga. Ảnh: GettyImages

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu nhấn mạnh, Moscow và Minsk buộc phải đưa ra quyết định nêu trên nhằm đối phó trước “sự leo thang cực kỳ nghiêm trọng của các mối đe dọa ở biên giới phía Tây của cả hai quốc gia”, cũng như việc Anh chuyển đạn chứa uranium nghèo cho Ukraine. Ông Shoigu nêu rõ, các biện pháp mà hai nước đưa ra tuân thủ tất cả các nghĩa vụ pháp lý quốc tế hiện có.

Từ Minsk, Tổng thống Belarus Lukashenko ngày 26/5 xác nhận việc triển khai vũ khí theo thỏa thuận với Nga đã bắt đầu. Ông Lukashenko từng bày tỏ quan ngại phương Tây “âm mưu xâm chiếm Belarus” và tin việc Moscow bố trí vũ khí hạt nhân sẽ giúp Minsk bảo vệ đất nước. Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Belarus Alexander Volfovich hôm 28/5 đánh giá, “vũ khí hạt nhân là một trong những công cụ răn đe chiến lược về mặt quân sự” và “phương Tây khiến Belarus không còn lựa chọn nào khác”.

Ông Volfovich thông tin, vũ khí hạt nhân đã được rút khỏi lãnh thổ Belarus sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khi Mỹ đưa ra các đảm bảo an ninh và không áp lệnh trừng phạt. “Giờ đây, mọi thứ đã bị xóa bỏ. Mọi lời hứa từng được đưa ra đều đã biến mất mãi mãi”, ông Volfovich nói, nhắc đến Bản ghi nhớ Budapest cùng các thỏa thuận mà Belarus cũng như Ukraine và Kazakhstan đạt được với Mỹ, Anh và Nga khi họ quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân được thừa hưởng từ Liên Xô vào đầu những năm 1990.

Theo Forbes, Liên Xô có khoảng 35.000-45.000 đầu đạn hạt nhân ngay trước khi sụp đổ. Trong số này, 3.200 đầu đạn được triển khai tại Ukraine, Kazakhstan và Belarus. Một thống kê của Sáng kiến về mối nguy hạt nhân (NTI) tiết lộ, có đến 81 xe phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa RT-2PM Topol đồn trú ở Belarus trước khi Liên Xô tan rã, nhưng chúng đều được bàn giao sang Nga trước năm 1996.

Ở nửa phía Tây châu Âu, sự sụp đổ của Liên Xô không khiến Mỹ rút vũ khí hạt nhân về nước, bất chấp lời kêu gọi của Nga. Mỹ và đồng minh NATO rất kín tiếng về số lượng chính xác vũ khí hạt nhân được lưu trữ trong các kho châu Âu. Trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí ước tính khoảng 100 quả bom hạt nhân của Mỹ cất giữ tại 6 căn cứ NATO trên lãnh thổ 5 quốc gia thành viên là Bỉ, Đức, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ từ giữa thập niên 1950. Hầu hết vũ khí hạt nhân Mỹ ở châu Âu là bom trọng lực B-61, triển khai từ oanh tạc cơ. Politico cho biết, cuối năm ngoái, Mỹ đã tăng tốc kế hoạch đưa bom B61-12 nâng cấp đến châu Âu để thay thế những quả bom cũ.

Ông Andrei Baklitskiy, chuyên gia cao cấp tại Viện Nghiên cứu giải trừ quân bị của Liên hợp quốc cho biết, các thỏa thuận quốc tế về không phổ biến vũ khí hạt nhân cấm chuyển giao vũ khí hạt nhân cho nước ngoài, nhưng không cấm triển khai chúng trên lãnh thổ quốc gia khác nếu quốc gia sở hữu những vũ khí đó duy trì quyền kiểm soát toàn diện. Mỹ đang dùng logic này để giải thích lí do họ đưa vũ khí hạt nhân tới châu Âu. Theo Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, vũ khí hạt nhân Mỹ ở châu Âu được cất giữ trong các hầm ngầm thuộc Hệ thống an ninh và lưu trữ vũ khí (WS3) và chỉ Mỹ mới có thể sử dụng mã bảo mật để đưa chúng vào tình trạng tác chiến trên những chiếc máy bay được chỉ định của NATO. Với cách tiếp cận tương tự, Moscow khẳng định họ kiểm soát toàn diện vũ khí hạt nhân được triển khai trên lãnh thổ Belarus.

Cường kích Su-25 được cho là có thể mang theo các loại bom hạt nhân chiến thuật được phát triển từ thời Liên Xô. Ảnh: GettyImages

Cường kích Su-25 được cho là có thể mang theo các loại bom hạt nhân chiến thuật được phát triển từ thời Liên Xô. Ảnh: GettyImages

Thế trận hạt nhân châu Âu khó bị đảo lộn

Ngoài Mỹ, còn ít nhất 2 quốc gia NATO khác ở châu Âu là Anh và Pháp cũng sở hữu vũ khí hạt nhân. Trong đó, kho vũ khí hạt nhân của Pháp lớn thứ hai NATO với khoảng 290 đầu đạn. Hầu hết chúng được triển khai trên tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Le Triomphant hoặc gắn trên tên lửa hành trình phóng từ máy bay. Còn Anh đang sở hữu 225 đầu đạn hạt nhân, có thể khai hỏa từ 4 tàu ngầm Vanguard. Những năm qua, không ít chính trị gia phương Tây đặt dấu hỏi về sự cần thiết của vũ khí hạt nhân Mỹ ở châu Âu và kêu gọi Washington rút chúng về nước. Tuy nhiên, Mỹ vẫn giữ chúng lại như một biểu tượng vững chắc về cam kết bảo vệ đồng minh. Ngoài ra, giới quan sát tin rằng, sự xuất hiện của vũ khí hạt nhân Mỹ ở châu Âu còn trở thành “con bài mặc cả” trong các cuộc đàm phán với Nga trong tương lai.

Nga đến nay chưa công bố chi tiết số lượng và chủng loại vũ khí hạt nhân dự kiến đưa sang Belarus, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu hồi tháng 4/2023 thông tin, “một số cường kích Belarus đã được bổ sung khả năng tấn công mục tiêu bằng vũ khí hạt nhân và tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M có thể mang đầu đạn hạt nhân cũng được chuyển giao cho quân đội Belarus”. Không quân Belarus đang vận hành gần 70 cường kích tấn công mặt đất Su-25. Loại chiến đấu cơ này có thể mang bom nặng 500 kg, phù hợp với những mẫu bom hạt nhân trọng lực từng được Liên Xô phát triển.

Trong các loại vũ khí nêu trên, tên lửa Iskander-M đạt tầm bắn khoảng 500km. Moscow được cho là đã bố trí các tổ hợp vũ khí loại này ở vùng Kaliningrad bên bờ biển Baltic cách Belarus chỉ chừng 500 km từ vài năm qua. Còn bom hạt nhân trọng lực có tầm hoạt động hạn chế, do phụ thuộc vào phương tiện phóng.

Như vậy, cũng giống như vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu, Nga sẽ không triển khai các loại tên lửa có tầm bắn xa, sức công phá đặc biệt lớn tới Belarus, vốn có thể lập tức kích hoạt căng thẳng và một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu.

Theo chuyên gia Baklitsky, việc Nga đưa vũ khí hạt nhân sang Belarus nên được xem là “một cử chỉ chính trị”. Tổng thống Putin đang chứng minh cho phương Tây thấy rằng, chiến lược đối ngoại của ông là nghiêm túc và Moscow sẵn sàng đáp trả khi cần thiết. Học thuyết hạt nhân của Nga quy định, Moscow chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả nếu xuất hiện mối đe dọa đối với sự tồn vong của đất nước.

Trong khi đó, JapanTimes dẫn lời ông James D.J. Brown, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Temple Nhật Bản, thì đánh giá, việc Nga đưa vũ khí hạt nhân tới Belarus còn buộc phương Tây cân nhắc hơn về việc ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột đang xảy ra. Tờ này cho rằng, sự hiện diện của các loại vũ khí mới cũng khiến Kiev bố trí lại các hệ thống phòng không, vốn hứng chịu nhiều thiệt hại sau hơn một năm xung đột. Nhìn từ quan điểm phòng thủ và răn đe của phương Tây, sự xuất hiện của các vị trí vũ khí hạt nhân mới gần biên giới NATO cũng đặt ra yêu cầu khối quân sự phải định hướng lại các hệ thống phòng thủ, đồng thời cải thiện khả năng phát hiện và đánh chặn tại các khu vực gần biên giới Belarus để tránh mọi nguy cơ tiềm ẩn.

Dù lên án, nhưng Mỹ và NATO đến nay chưa cho thấy họ sẽ phản ứng gay gắt với quyết định của Nga. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson tháng 3/2023 đánh giá, phương Tây “chưa thấy bất cứ lý do nào để điều chỉnh tư thế hạt nhân chiến lược của chính mình, cũng như bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân”. Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu sau đó phát biểu, khối quân sự “không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong tư thế hạt nhân của Nga, mà buộc chúng tôi phải điều chỉnh chính mình”. Dự kiến, việc triển khai vũ khí hạt nhân Nga ở Belarus sẽ hoàn tất ngày 1/7 tới, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius, Litva. Đó sẽ là dịp để khối quân sự thảo luận và đưa ra cách ứng phó.

Nguồn: [Link nguồn]

Ủy ban châu Âu kiện Ba Lan về luật mới liên quan đến Nga

Có những lo ngại từ Mỹ và châu Âu khi Ba Lan ban hành luật "ảnh hưởng của Nga".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái An ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN