Châu Âu “nổi xung” trước lệnh hạn chế đi lại “đơn phương” của ông Trump
Giới chức châu Âu đã phản ứng với sự ngạc nhiên và giận giữ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt các lệnh hạn chế đi lại xuyên Đại Tây Dương.
Tổng thống Trump đã quyết định “bế quan tỏa cảng” với các nước thuộc khối Schengen, trừ Anh và Ireland, một nỗ lực mà ông cho là "tích cực" để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Nhưng các nhà lãnh đạo châu Âu lập luận rằng dựa trên những khuyến cáo mang tính khoa học, lệnh hạn chế đi lại sẽ không hiệu quả do dịch Covid-19 đã có mặt ở hầu hết mọi nơi trên toàn thế giới, đồng thời than phiền rằng họ không được hỏi ý kiến trước.
"Dịch Covid-19 là một cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu, không giới hạn ở bất kỳ lục địa nào và nó đòi hỏi sự hợp tác thay vì hành động đơn phương", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố, "Liên minh châu Âu không tán thành việc Mỹ quyết định áp dụng lệnh hạn chế đi lại một cách đơn phương mà không có sự tham khảo ý kiến từ trước với EU".
"Liên minh châu Âu đang có hành động mạnh mẽ để hạn chế sự lây lan của Covid-19", họ nhấn mạnh.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nói rõ điều Brussels lo ngại nhất là những ảnh hưởng kinh tế từ lệnh hạn chế đi lại của Mỹ, và hứa sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các chuyên gia EU. "Sự gián đoạn kinh tế là điều cần phải tránh," ông nói.
Khối Schengen bao gồm hầu hết các quốc gia thành viên EU cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ, trừ Anh, Ireland, Croatia, Romania, Bulgaria và đảo Síp.
Tổng thống Trump cho biết lệnh hạn chế đi lại sẽ có hiệu lực vào nửa đêm 13.3, và sẽ không ảnh hưởng đến các công dân Mỹ trở về từ châu Âu.
Ông Trump ngay sau đó đã “gây sốc” khi tuyên bố "một lượng lớn hàng hóa thương mại" cũng sẽ bị cấm, buộc giới chức Mỹ phải giải thích rõ rằng biện pháp trên chỉ áp dụng với người, không phải hàng hóa.
Dù Nhà Trắng đang cố ngăn chặn mọi mối nguy có thể xảy đến từ dịch Covid-19, nhưng lệnh hạn chế đi lại có thể tác động mạnh đến các hãng hàng không, công ty du lịch và các doanh nghiệp toàn cầu, và có thể làm suy giảm mạnh các thị trường châu Á và châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đều bức xúc trước lệnh hạn chế đi lại "đơn phương" của Tổng thống Trump (Ảnh: Independent)
“Xa cách xã hội”
Tại Brussels, các giới chức và nhà ngoại giao châu Âu tỏ phẫn nộ trước quyết định trên.
"Quyết định này thật thất thường, đơn phương và gây phát sinh nhiều vấn đề không đáng có", một phái viên EU giận giữ, "Ông ta muốn chứng tỏ mình kiểm soát được mọi thứ, nhưng trong 7 ngày tới, sẽ rõ rằng ông ta không thể làm được như vậy".
Ngay cả Anh, nước đã rời khỏi EU và được miễn trừ lệnh hạn chế đi lại của Tổng thống Trump, cũng bày tỏ lo sự ngại.
"Liên quan đến lệnh hạn chế đi lại, chúng tôi luôn phải dựa trên những cơ sở khoa học trước khi đưa ra quyết định của mình", Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak cho biết trên BBC. "Lời khuyên mà chúng tôi nhận được là không có bằng chứng nào cho thấy những biện pháp như đóng cửa biên giới hoặc cấm đi lại sẽ ngăn chặn hiệu quả sự lây lan dịch Covid-19.”
Tổ chức Y tế Thế giới mô tả sự bùng phát dịch Covid-19 là một "đại dịch có thể được kiểm soát", và các nước châu Âu, phối hợp với EU, đang phải loay hoay tìm cách ứng phó.
Nhưng không phải nước thành viên nào của EU cũng chịu mức độ thiệt hại như nhau, nên cách ứng phó của họ cũng khác nhau. Một số nước đã áp đặt hoặc đề xuất các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, trong khi những nước khác chỉ phản ứng một cách thận trọng.
Một cuộc họp trực tuyến giữa lãnh đạo các nước khối EU giữa mùa Covid-19 (Ảnh: Stephanie LECOCQ)
Mỗi quốc gia thuộc khối EU hiện đã ghi nhận ít nhất một trường hợp dương tính với Covid-19, và toàn lục địa châu Âu có gần 23.000 trường hợp, trong đó nhiều nhất là Italia với hơn 15.000 trường hợp dương tính và hơn 1.100 trường hợp tử vong.
Vào hôm 12.3, Ireland đã trở thành thành nước viên mới nhất của EU yêu cầu các công dân của mình cần “hy sinh” và thực hiện các biện pháp "xa cách xã hội".
Thủ tướng Ireland Leo Varadkar cho biết "các trường học, cao đẳng, nhà trẻ, cũng như các địa điểm văn hóa, sẽ bị đóng cửa từ ngày mai".
Nhưng nhìn chung, phản ứng của EU cho đến nay vẫn chưa đạt được sự thống nhất, bất chấp lời kêu gọi đoàn kết từ một số nhà lãnh đạo và các quốc gia thành viên, trong khi chờ Ủy ban châu Âu và Chủ tịch von der Leyen công bố kế hoạch "chống đỡ" nền kinh tế của EU vào hôm nay (13.3).
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà khoa học ở Trung Quốc phát hiện virus Covid-19 có thể tồn tại trong cơ thể bệnh nhân tới 5 tuần kể từ thời điểm...