Châu Âu “lao đao” vì cú sốc khí đốt
Cho dù giá dầu thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt, song giá khí đốt vọt lên mức cao nhất trong 5 tháng qua đã làm dấy lên những lo ngại kinh tế châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái.
Việc Nga cắt giảm nguồn cung đã khiến giá khí đốt ở châu Âu tăng phi mã
Giá khí đốt tăng phi mã
Giá dầu thế giới trong phiên giao dịch ngày 16-8 giảm gần 3% xuống mức thấp nhất kể từ trước khi bùng phát xung đột tại Ukraine hồi cuối tháng 2-2022 do các số liệu kinh tế mới nhất đã làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái toàn cầu. Theo đó, giá dầu Brent Biển Bắc đã giảm 2,9%, xuống 92,34 USD/thùng, sau khi có thời điểm giảm xuống 91,71 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 18-2, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) chốt phiên giao dịch ở mức 86,53 USD/thùng, giảm 3,2% so với phiên trước đó.
Các số liệu kinh tế ảm đạm được cho là nhân tố chính kéo giá dầu thế giới đi xuống. Trong đó, hoạt động xây nhà tại Mỹ tháng 7 vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm rưỡi qua do lãi suất cho vay thế chấp và giá nguyên vật liệu xây dựng tăng. Tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng hạ lãi suất để cố gắng thúc đẩy nhu cầu khi nền kinh tế nước này đã bất ngờ chậm lại trong tháng 7 do chính sách “Không Covid” và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản đã kìm hãm hoạt động bán lẻ và chế tạo.
Giá dầu giảm trong bối cảnh đó vốn đã không khiến châu Âu vui mừng mà nỗi quan ngại còn gia tăng thêm khi giá khí đốt tại cựu lục địa tăng lên tới mức đáng báo động cho tiêu dùng và sản xuất. Theo dữ liệu trên Sàn giao dịch London ICE, giá khí đốt châu Âu trong các phiên giao dịch cuối tháng có lúc tăng lên 2.300 USD/1.000 m3. Tại Trung tâm giá tham chiếu khí đốt tự nhiên TTF của Hà Lan, giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 8-2022 đã tăng lên mức 2.307 USD/1.000 m3, tương đương 220 euro/MWh (1 MWh tương đương khoảng 95 m3 khí đốt).
Thậm chí, giá khí đốt tại Trung tâm giá TTF mới đây có lúc đã tăng kỷ lục lên gần 340 USD/MWh giao vào mùa xuân. Dù sau đó, giá khí đốt giảm xuống gần 230 USD/MWh vào ngày 15-8 vừa qua nhưng vẫn cao hơn rất nhiều mức giá một năm trước, thời điểm khí đốt Nga có giá khoảng 46 USD/MWh. Nguyên nhân chính đẩy giá khí đốt lên mức rất cao được cho là thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung khí đốt từ Nga. Trước đó, Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ngày 26-7 cho biết, nguồn cung cấp khí đốt của Nga thông qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1), tuyến đường chính xuất khẩu khí đốt sang châu Âu sẽ giảm xuống còn 20% công suất đường ống tối đa kể từ ngày 27-7 do “một turbin bơm khí đốt ngừng hoạt động”.
Sau thông báo của “ông lớn” dầu khí Gazprom, lượng khí bơm qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đã giảm một nửa từ mức 67 triệu m3/ngày, xuống còn 20% so với mức tối đa, tương đương 33 triệu m3 mỗi ngày. Thế nhưng, giới chức Đức cho biết, không nhận thấy lý do kỹ thuật nào để cắt nguồn cung khí đốt qua Dòng chảy phương Bắc 1.
Giá khí đốt tại châu Âu có thể còn tăng phi mã hơn nữa thời gian tới. Tập đoàn Gazprom ngày 16-8 cho biết, giá khí đốt tới châu Âu có thể tăng thêm 60% trong mùa đông năm nay vì sản lượng khai thác và xuất khẩu giảm. Theo tập đoàn này, giá khí đốt giao ngay sang châu Âu đã lên mức 2.500 USD cho 1.000 m3 và nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, giá sẽ vượt 4.000 USD mỗi m3 trong mùa đông này.
Tuyên bố được cho “lạnh giá” của Gazprom không phải có cơ sở khi từ đầu năm tới ngày 15-8 vừa qua, xuất khẩu khí đốt của tập đoàn này đã giảm 36,2%, xuống mức 78,5 tỷ m3. Sản lượng khai thác khí đốt của “ông lớn” này cũng giảm 13,2% so với một năm trước, xuống mức 274,8 tỷ m3.
Nguy cơ rơi vào suy thoái
Việc giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh lên mức cao nhất trong gần 6 tháng qua đã làm dấy lên lo ngại kinh tế châu Âu có nguy cơ rơi vào suy thoái. Tình trạng thiếu khí đốt không chỉ khiến châu Âu có thể phải vật lộn để chống chịu cái rét khắc nghiệt trong mùa Đông tới, mà còn buộc châu lục này phải đưa ra các biện pháp chưa từng có tiền lệ.
Để ứng phó khẩn cấp với tình trạng thiếu năng lượng cũng như giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga, kể từ ngày 9-8 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu thực hiện mục tiêu giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong khoảng thời gian từ tháng 8-2022 đến tháng 3-2023. Mặc dù là tự nguyện, song kế hoạch “tiết kiệm khí đốt cho một mùa Đông an toàn” vẫn đưa ra đề xuất về một luật mới, cho phép EU có quyền buộc các quốc gia thành viên phải đáp ứng các mục tiêu cắt giảm trong trường hợp đặc biệt tùy thuộc vào mức tiêu thụ và dự trữ của mỗi nước.
Dù không đạt được sự đồng thuận của tất cả thành viên, kế hoạch cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ của EU là bước đi quan trọng nhằm giảm sự phụ thuộc của khối vào nguồn cung khí đốt của Nga trước mùa cao điểm về tiêu thụ nhiều nhiên liệu. Theo quy định mới, Đức - nước nhập khẩu khí đốt lớn nhất ở châu Âu - sẽ phải tiết kiệm lượng khí đốt tiêu thụ nhiều hơn đáng kể so với các nước EU khác.
Tuy nhiên, việc cắt giảm lượng tiêu thụ cũng khó giúp châu Âu tránh được cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có bởi sự phụ thuộc quá lớn vào khí đốt của Nga, tới 40% tổng nhu cầu. Tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá nhiên liệu tăng cao do đó đã đẩy nền kinh tế châu lục đến gần hơn với suy thoái. Giới chức EU lo ngại nguồn cung khí đốt từ Nga sang liên minh này có thể sẽ bị chặn hoàn toàn. Đó sẽ là một viễn cảnh đáng sợ, nhất là khi nhiều ngành công nghiệp sử dụng khí đốt như một nguyên liệu thô quan trọng cho quá trình sản xuất.
Theo giới kinh tế, với nguồn cung giảm sút và giá cả tăng phi mã, cuộc khủng hoảng khí đốt đã làm nền kinh tế châu Âu “lao đao”. Dù GDP của khu vực đồng tiền chung euro đã tăng 0,7% trong quý II vừa qua, cao hơn kỳ vọng trước đó, song các giới chức cho rằng, khu vực EU sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023.
Ủy ban châu Âu (EC, cơ quan hành pháp của EU) cảnh báo, việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt có thể dẫn tới một cuộc suy thoái trong năm 2023. Giá khí đốt tăng cao đẩy chi phí của doanh nghiệp đi lên, buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu, từ đó khiến khu vực đồng euro sẽ rơi vào suy thoái từ mùa thu năm nay, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao.
Người tiêu dùng, người dân châu Âu đang phải đối mặt với “cú sốc lớn về giá năng lượng” chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình ở đây sẽ tăng trung bình khoảng 7% trong năm nay so với đầu năm 2021 - theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Trung bình, người châu Âu chi khoảng 10% thu nhập cho năng lượng.
Giá năng lượng tăng có thể không khiến các gia đình giàu có lo lắng, song đó lại là vấn đề lớn với các hộ gia đình thu nhập thấp, nghèo. IMF cho rằng, giá năng lượng cao gây ra gánh nặng lớn hơn với các hộ gia đình có thu nhập thấp, trong đó người dân ở các nước Đông Âu nghèo hơn và dễ bị ảnh hưởng hơn bởi giá năng lượng tăng so với các nước Tây và Bắc Âu giàu có.
Nguồn: [Link nguồn]
Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom ngày 16/8 báo giá khí đốt ở châu Âu có thể tăng 60% trong mùa đông năm nay.