Châu Âu hứng chịu "cuộc khủng hoảng tị nạn nhanh nhất kể từ Thế chiến II"
Trong hơn 2 tuần, hơn 2,5 triệu người Ukraine đã rời bỏ đất nước sang các quốc gia khác lánh nạn. Theo thống kê, có 1 quốc gia đã tiếp nhận hơn 1,6 triệu người tị nạn Ukraine.
Những người Ukraine lánh nạn ở nước láng giềng Ba Lan hôm 10/3. Ảnh: AP
Ông Filippo Grandi - Ủy viên Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR) - hôm 13/3 cho biết số người Ukraine rời đất nước vẫn không ngừng tăng lên, tạo thành "cuộc khủng hoảng tị nạn nhanh nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II".
Thống kê gần nhất của Liên Hợp Quốc về người tị nạn cho thấy, có hơn 2,5 triệu người Ukraine đã rời đất nước kể từ khi Moscow mở chiến dịch quân sự tại đây. Nhiều người không thể rời đất nước thì lựa chọn sơ tán về các khu vực ít nguy cơ xảy ra xung đột hoặc chưa có xung đột.
Ông Grandi nói với đài phát thanh France Inter (Pháp) rằng số lượng người rời Ukraine là con số "đáng lo ngại". Vị ủy viên của UNHCR lo sợ rằng có nhiều trong số những người tị nạn đợt 2 là những người bắt buộc phải rời đi vì giao tranh đã lan tới nơi họ đang sinh sống. Hầu hết họ là những người không có người thân hay người quen ở nước ngoài và nguồn lực kinh tế rất hạn chế, "dễ bị tổn thương".
Các quốc gia châu Âu đã ghi nhận sự gia tăng đều đặn về số người tị nạn khi giao tranh ở Ukraine kéo dài tới tuần thứ 3. Số lượng ở mỗi quốc gia không giống nhau.
Hầu hết người tị nạn rời Ukraine là phụ nữ và trẻ em. Nam giới Ukraine từ 18-60 tuổi bị cấm rời đi sau khi chính phủ Ukraine thực thi thiết quân luật.
Dưới đây là các quốc gia mà hàng triệu người Ukraine đã, đang và sẽ hướng đến trong hành trình lánh nạn của họ.
Các nước giáp Ukraine
Theo dữ liệu của UNHCR, Ba Lan là quốc gia tiếp nhận nhiều người tị nạn Ukraine nhất. Tính tới ngày 12/3, số người tị nạn Ukraine tới Ba Lan là hơn 1,6 triệu người.
Có chung biên giới với Ukraine ở phía tây bắc, Ba Lan trở thành điểm dừng chân đầu tiên mà nhiều người Ukraine nghĩ tới. Các quốc gia láng giềng với Ukraine ở phía tây và phía nam cũng chấp nhận số lượng lớn người tị nạn Ukraine. Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine, đã có hơn 245.000 người Ukraine tới tị nạn ở Hungary, trong khi con số này ở Slovakia là hơn 195.000, theo số liệu của UNHCR tính tới 12/3.
Moldova và Romania cũng tiếp nhận tương ứng khoảng 278.000 người và 173.000 người trong hơn 2 tuần.
Xin tị nạn khắp châu Âu
Tại Đức, gần 123.000 người Ukraine đã tới xin tị nạn, tính đến ngày 14/3, theo Bộ Nội vụ Đức. Tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn thế do thiếu việc kiểm soát ở biên giới Đức và Ba Lan.
Một Bộ trưởng của Pháp tuần trước cho biết, người tị nạn Ukraine cũng đã tới Pháp. Hãng CNN dẫn lời Bộ Nội vụ Pháp cho biết, có gần 7.000 người tị nạn là công dân Ukraine đã tới Pháp kể từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra.
Trên khắp châu Âu, các quốc gia bao gồm Anh, Áo, Croatia, Estonia, Ireland, Ý, Hy Lạp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Thụy Điển... đều ghi nhận hàng nghìn người Ukraine đến lánh nạn.
Mỹ, Canada cam kết hỗ trợ
Mỹ và Canada đều đưa ra lời ủng hộ với Ukraine và cam kết giúp đỡ người tị nạn nước này. Canada cuối tuần trước thông báo sẽ xử lý nhanh các đơn đăng ký của người Ukraine về tình trạng thường trú tạm thời cũng như các đơn đoàn tụ gia đình.
"Canada sẵn sàng chào đón những người Ukraine tới tị nạn và không có giới hạn về số lượng đơn đăng ký", Sean Fraser, Bộ trưởng Nhập cư Canada tuyên bố.
Canada là quốc gia có cộng đồng người Ukraine lớn thứ 2 thế giới, sau Nga. Theo thống kê, có khoảng 1 triệu người Canada gốc Ukraine.
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris cam kết hỗ trợ giải quyết dòng người di cư ồ ạt đến từ Ukraine và cho biết Mỹ sẵn sàng tiếp nhận thêm nhiều người Ukraine hơn.
Nguồn: [Link nguồn]
Hai cường kích Su-25 thực hiện đòn tấn công bằng tên lửa nhằm vào mục tiêu quân sự ở Ukraine và quay trở về căn cứ một cách an toàn.