Châu Âu đột nhiên đứng trước tình thế bị ông Trump gạt ra bên lề

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Cuộc điện đàm "dài và hiệu quả" giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã làm dấy lên lo ngại tại châu Âu về một "thỏa thuận ngầm" có thể được thiết lập nhằm kết thúc cuộc xung đột Ukraine theo hướng có lợi cho Moscow mà không có sự tham gia của Kyiv.

Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin ở Helsinki, Phần Lan năm 2018. Ảnh: Chris McGrath/Getty Images.

Cuộc gặp giữa ông Trump và ông Putin ở Helsinki, Phần Lan năm 2018. Ảnh: Chris McGrath/Getty Images.

Theo CNN, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 13/2 tuyên bố nước này sẽ không chấp nhận một thỏa thuận hòa bình chỉ do Mỹ và Nga xây dựng. Ông thừa nhận việc ông Trump điện đàm với ông Putin trước là "không mấy dễ chịu", đồng thời đặt dấu hỏi về chính sách đặt Ukraine lên ưu tiên hàng đầu mà phương Tây vẫn duy trì suốt gần 3 năm qua, từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt.

Cả ông Trump và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth sau đó đều khẳng định Ukraine sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán. Tuy nhiên, khi được hỏi liệu ông có coi Ukraine là một đối tác bình đẳng trong các cuộc đàm phán hòa bình hay không, ông Trump chỉ trả lời: "Đó là một câu hỏi thú vị".

Tuyên bố cứng rắn của châu Âu

Kaja Kallas, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại, cảnh báo về nguy cơ xuất hiện một "giải pháp nhanh chóng" và một "thỏa thuận ngầm" nhằm chấm dứt chiến tranh. Bà nhấn mạnh châu Âu và Ukraine phải được tham gia bàn đàm phán vì nếu không thì không có thỏa thuận hòa bình nào có thể thực sự được thực thi.

Với các nước thành viên châu Âu thuộc NATO, tương lai bỗng trở nên bất định hơn bao giờ hết. Từ khi liên minh này được thành lập, châu Âu đã dựa vào ô hạt nhân của Mỹ, sự hiện diện quân sự lớn của Washington và nguồn ngân sách quốc phòng khổng lồ từ Mỹ.

Tuy nhiên,cuộc điện đàm Trump - Putin, cùng với tuyên bố của ông Trump rằng các cuộc đàm phán nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình ở Ukraine sẽ bắt đầu ngay lập tức, đã khiến các lãnh đạo châu Âu bất ngờ. Họ lo ngại rằng châu Âu sẽ chỉ còn vai trò thứ yếu trong quá trình giám sát và tài trợ cho bất kỳ thỏa thuận nào được ký kết.

Nói cách khác: Washington sẽ thiết lập thỏa thuận – có thể nhận được thanh toán từ Ukraine bằng tài nguyên đất hiếm như ông Trump đã yêu cầu – trong khi châu Âu sẽ là bên gánh chịu phần lớn chi phí.

Ông Hegseth nói với các đồng minh NATO tại Brussels rằng quân đội châu Âu và các lực lượng ngoài châu Âu – nhưng không phải Mỹ – sẽ chịu trách nhiệm giám sát bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào giữa Ukraine và Nga. Ông cũng bác bỏ hoàn toàn khả năng Ukraine gia nhập NATO, nói rằng Washington "không tin việc cấp tư cách thành viên NATO cho Ukraine là điều thực tế”.

Bà Kallas khẳng định châu Âu và Ukraine cần phải được tham gia đàm phán về thỏa thuận hòa bình. Ảnh: AFP.

Bà Kallas khẳng định châu Âu và Ukraine cần phải được tham gia đàm phán về thỏa thuận hòa bình. Ảnh: AFP.

Một quan chức NATO sau đó nhấn mạnh rằng "tư cách thành viên NATO của Ukraine không nhất thiết phải là vấn đề trong đàm phán với Nga. Đây là quyết định của các đồng minh và quyết định đó sẽ dựa vào thời điểm thích hợp”. Quan chức này khẳng định "lập trường của liên minh không thay đổi và Ukraine vẫn đang trên lộ trình gia nhập NATO”.

Châu Âu có thể tự mình hỗ trợ Ukraine?

Các nước châu Âu, dù trong NATO hay EU, đang phải chật vật tìm cách để tiếng nói của họ được lắng nghe trong khi ông Trump tập trung vào việc tìm kiếm một thỏa thuận với Nga để chấm dứt “đổ máu vô nghĩa" ở Ukraine.

Bà Kaja Kallas tuyên bố: "Bất kỳ thỏa thuận nào được thực hiện sau lưng chúng tôi đều không thể thành công”. “Chính sách xoa dịu luôn luôn thất bại. Ukraine sẽ tiếp tục kháng cự và châu Âu sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine”.

Trước tình hình này, các nước đồng minh đã mở rộng khẩu hiệu "Không có thỏa thuận về Ukraine nếu không có Ukraine" thành "... nếu không có Ukraine và không có châu Âu”. 6 quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Anh và Đức đã ra tuyên bố chung: "Chúng tôi mong muốn thảo luận con đường phía trước cùng với các đồng minh Mỹ… Ukraine và châu Âu phải là một phần của bất kỳ cuộc đàm phán nào”.

Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Dovile Skalienė lưu ý rằng năm ngoái, châu Âu đã hỗ trợ Ukraine 125 tỷ USD (phần lớn là hỗ trợ tài chính), trong khi Mỹ cung cấp 88 tỷ USD. "Tôi nghĩ rằng chúng tôi xứng đáng có một vị trí tại bàn đàm phán," bà nói với CNN.

Một tòa nhà ở Kiev bị hư hại sau cuộc tập kích của Nga ngày 24/1/2025. Ảnh: AFP.

Một tòa nhà ở Kiev bị hư hại sau cuộc tập kích của Nga ngày 24/1/2025. Ảnh: AFP.

Có những đề xuất về việc châu Âu tự chủ hoàn toàn trong vấn đề hỗ trợ Ukraine và không chờ đợi tín hiệu từ Mỹ. Tuy nhiên, việc tăng cường sản xuất vũ khí, đầu tư vào công nghệ mới và tuyển quân không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Mặc dù đã có nhiều cuộc thảo luận về việc đẩy mạnh công nghiệp quốc phòng châu Âu, nhưng đây là một quá trình kéo dài nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ.

Eric Trappier, giám đốc tập đoàn quốc phòng Pháp Dassault, từng thừa nhận: "Châu Âu đột nhiên nhận ra rằng việc đầu tư vào quốc phòng là một điều tốt… Nhưng từ nhận thức đó đến thực tế xây dựng một ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu sẽ mất nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ”.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte cũng đưa ra nhận định tương tự hôm 13/2: "Chúng ta không sản xuất đủ, và đây là vấn đề chung của cả liên minh… Nga sản xuất lượng đạn dược trong ba tháng nhiều hơn toàn bộ NATO trong một năm”.

Châu Âu bị gạt ra bên lề?

Moscow dĩ nhiên rất hài lòng khi thấy châu Âu bị ông Trump gạt ra bên lề. Trả lời đài CNN, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, nói: "Nhiều người ở phương Tây, bao gồm các lãnh đạo EU, đã sốc khi thấy một cuộc trò chuyện bình thường và lịch sử giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ”, ông Lavrov nói.

Trong bối cảnh đó, không ít nhà lãnh đạo châu Âu đang nhìn lại những thời điểm được xem là mang tính sống còn. Một trong số đó là Hiệp ước Munich năm 1938, khi phương Tây nhượng bộ Đức.

Một sự kiện khác là cuộc tấn công Tiệp Khắc năm 1968 của Liên Xô khi Moscow dập tắt Mùa xuân Praha – phong trào cải cách đe dọa vị thế của Liên Xô ở Đông Âu – tương tự cách Ukraine ngả về phương Tây.

Nửa thế kỷ trước, Thượng nghị sĩ Mỹ Henry Jackson từng nói: "Có cảm giác châu Âu không quan tâm đến an ninh của chính họ bằng Mỹ”.

Giờ đây, chính quyền ông Trump đang yêu cầu các nước NATO châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP, cao hơn cả mức chi tiêu của Mỹ, và tự đảm bảo an ninh thay vì dựa vào Washington.

Kỷ nguyên thống trị và duy trì ảnh hưởng sâu rộng của Mỹ tại châu Âu dường như đang đi đến hồi kết, CNN nhận định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - CNN ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN