Châu Âu chỉ trích Mỹ chỉ tập trung kiếm lời từ xung đột Ukraine, gây tổn hại đồng minh
Các quan chức châu Âu cáo buộc Mỹ trục lợi trong cuộc xung đột ở Ukraine bằng cách bán vũ khí và khí đốt với giá “cắt cổ”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho đến nay luôn đổ lỗi cho Nga vì khiến giá năng lượng ở châu Âu tăng cao.
Nhiều quan chức cấp cao trong Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden gây tổn hại cho cho châu Âu bằng cách tăng giá các mặt hàng thiết yếu.
Một quan chức giấu tên nói Mỹ chỉ muốn thu lợi sau 9 tháng xung đột ở Ukraine, trong khi EU gánh chịu mọi hệ quả, theo Politico.
“Thực tế cho thấy, quốc gia hưởng lợi lớn nhất trong cuộc chiến này chính là Mỹ. Họ bán khí đốt nhiều hơn, với giá cao hơn. Họ cũng bán thêm rất nhiều vũ khí”, quan chức châu Âu nói.
Trong những tháng qua, châu Âu đã tiến tới ngừng nhập khẩu năng lượng Nga và thay bằng các nguồn khí đốt, dầu mỏ từ Mỹ.
Tuy vậy, các nước châu Âu đang phải mua khí đốt Mỹ đắt gấp 4 lần giá bán ở trong nước của Mỹ. Nhiều doanh nghiệp Mỹ nhìn thấy tiềm năng lợi nhuận, đổ tiền vào mở rộng khai thác, thậm chí chuyển trụ sở sang châu Âu để tiện giao dịch.
Điều này khiến một số lãnh đạo châu Âu bày tỏ sự không hài lòng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây nói rằng, đây không phải là cách phù hợp để đối xử với đồng minh.
Châu Âu không hài lòng khi Mỹ liên tục đưa ra các chính sách hỗ trợ trong nước, trong khi gây tổn hại đến các đồng minh.
Đạo luật giảm lạm phát mà Mỹ áp đặt đã làm thay đổi mọi thứ', một quan chức EU cho biết. “Washington có còn là đồng minh của chúng ta hay không?”
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào ngày 25/11, khi các bộ trưởng thương mại EU nhóm họp và gọi đạo luật mà Mỹ áp đặt là "phân biệt đối xử".
Đạo luật gồm gói trợ cấp trị giá 400 tỷ USD, khuyến khích người Mỹ mua các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự không hài lòng với Mỹ về chính sách năng lượng.
Các nước châu Âu không được hưởng lợi ích gì từ gói hỗ trợ này, thậm chí còn đối mặt nguy cơ thất thu do người Mỹ quay sang mua hàng hóa trong nước.
'Đạo luật giảm lạm phát đã khiến EU rơi vào tình trạng “khủng hoảng toàn diện”, đe dọa trực tiếp các doanh nghiệp châu Âu.
Kết thúc cuộc họp ngày 25/11, các lãnh đạo thương mại EU đã chỉ ra thách thức đến từ Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ, nhưng chưa thống nhất được cách đối phó. Các lãnh đạo EU hi vọng sẽ cuộc họp tiếp theo diễn ra vào đầu tháng 12 sẽ có kết quả khả quan hơn.
"Điều quan trọng là Mỹ cần nhận thức được mối quan tâm của EU và tìm ra giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai bên", Bộ trưởng Công thương CH Séc Jozef Sikela nói.
Mỹ dường như không nhận ra vấn đề mà các chính sách gây ra với đồng minh. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ tập trung đổ lỗi cho Nga và cuộc xung đột ở Ukraine.
“Giá khí đốt tăng ở châu Âu là do Nga phát động xung đột ở Ukraine”, một phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, nói.
Quan chức này khẳng định Mỹ luôn là nhà cung cấp năng lượng tin cậy và minh bạch cho châu Âu. Nhưng những tuyên bố này không nhận được sự hưởng ứng đến từ các lãnh đạo châu Âu, theo Daily Mail.
“Mỹ, người bạn của chúng ta, đang đưa ra nhưng quyết định gây tổn hại kinh tế đối với chúng ta”, quan chức cấp cao châu Âu Josep Borrell nói.
Trước mắt, châu Âu muốn đàm phán với Mỹ về việc giảm giá bán năng lượng để giảm bớt mâu thuẫn giữa hai bên, trước khi căng thẳng trở nên trầm trọng hơn, theo Daily Mail.
Nguồn: [Link nguồn]
Thủ tướng Đức Olaf Scholz chỉ ra rằng kinh tế châu Âu khó khăn không phải do đại dịch COVID-19 hay vì xung đột Nga-Ukraine, mà có liên quan yếu tố khác.