Châu Âu bắt đầu tính chuyện Nga sẽ thắng ở chiến trường Ukraine
Tình trạng bế tắc trong nguồn viện trợ từ Mỹ và châu Âu khiến các đồng minh của Ukraine tính đến điều mà họ lâu nay ít nghĩ đến: Tổng thống Nga có thể giành chiến thắng ở Ukraine.
Lính Ukraine bắn súng cối vào các vị trí của Nga bên kia sông Dnipro, vùng Kherson, ngày 11/12. (Ảnh: NYT)
Ngoài những hậu quả mà Ukraine có thể sắp đối mặt, các đồng minh châu Âu đã bắt đầu âm thầm tính đến tác động đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sau cuộc xung đột quân sự lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết.
Những người này nói rằng thất bại của Ukraine sẽ gây ra tác động khắp thế giới, khiến các đối tác và đồng minh của Mỹ hoài nghi về lời hứa sát cánh của Washington.
Theo những người này, tác động từ việc Mỹ bỏ rơi Ukraine sẽ sâu sắc hơn nhiều so với sự kiện Mỹ rút quân khỏi Afghanistan năm 2021. Điều đó chưa kể khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm tới, để thực hiện các cam kết công khai của ông về việc rút khỏi những liên minh lớn, bao gồm cả NATO, và đi đến thoả thuận với Nga về vấn đề Ukraine.
“Nếu Ukraine không nhận được hỗ trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, Nga sẽ thắng”, Thủ tướng Ireland Leo Varadkar phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tuần trước, nơi các lãnh đạo châu lục không vượt qua được sự phản đối đối với gói hỗ trợ 50 tỷ euro (55 tỷ USD) cho Ukraine trong năm tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Kiev ngày 19/12, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky phủ nhận ý kiến nói rằng Ukraine đang bắt đầu thua trên chiến trường. Ông vẫn nêu ra những tiến bộ mà quân đội Ukraine đạt được từ những ngày đầu cuộc xung đột và sự hỗ trợ mà ông nhận từ các đồng minh.
“Chúng tôi gặp những thách thức”, ông Zelensky nói, và nhắc đến sự chậm trễ của viện trợ nước ngoài và tình trạng thiếu đạn pháo.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết ủng hộ Ukraine “chừng nào chúng tôi còn có thể”. Lời nói này thể hiện sự thay đổi của nhà lãnh đạo Mỹ, vì trước đây ông thường dùng cụm từ “đến khi nào cần thiết”.
Các thành viên đảng Cộng hòa cứng rắn trong Quốc hội Mỹ từ chối phê duyệt khoản viện trợ 61 tỷ USD cho Ukraine trong năm tới, cho đến khi ông Biden nhượng bộ yêu cầu của họ về chính sách biên giới ở phía nam của Mỹ.
Đầu tuần này, Lầu Năm Góc cảnh báo tiền mua vũ khí mới cho Ukraine sẽ hết vào ngày 30/12 nếu các nghị sĩ không hành động.
Không thấy triển vọng đột phá
Ngoài sự hoài nghi ngày càng tăng của dư luận về chi phí hỗ trợ cho Ukraine, kết quả đáng thất vọng từ chiến dịch phản công của Kiev trong mùa hè năm nay đặt ra câu hỏi, rằng mục tiêu mà Ukraine tuyên bố là giành lại toàn bộ lãnh thổ mà Nga kiểm soát có thực tế không.
Theo các quan chức châu Âu, Nga có thể sẽ hành động mạnh hơn để giành thêm lãnh thổ và phá hủy thêm cơ sở hạ tầng quân sự nếu Ukraine thiếu vũ khí nghiêm trọng. Họ cho rằng nếu Ukraine không thể tự bảo vệ mình, Kiev sẽ buộc phải chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn theo điều kiện của Nga.
Những người ủng hộ Ukraine ở EU và Mỹ đều tin rằng viện trợ có thể sẽ được phê duyệt bằng một hình thức nào đó trong đầu năm tới. Tuy nhiên, các quan chức khác cho rằng điều đó khó có thể tạo nên bước đột phá lớn trên chiến trường, mà nguy cơ hiện hữu là cuộc xung đột có thể kéo dài nhiều năm nữa.
Tại các nước vùng Baltic, một số quan chức đã cảnh báo người dân hãy sẵn sàng cho cuộc xung đột tiếp theo vì Nga sẽ không suy sụp ở Ukraine.
“Nga không sợ NATO”, Tư lệnh quân đội Estonia Martin Herem nói trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình địa phương tuần trước. Ông ước tính rằng quân đội Nga có thể sẵn sàng tấn công NATO trong vòng 1 năm sau khi kết thúc xung đột ở Ukraine.
Một số quan chức phương Tây khác lại cho rằng Nga sẽ phải mất ít nhất vài năm mới bù đắp được những tổn thất to lớn ở chiến trường Ukraine.
Tuy nhiên, niềm tin phổ biến ở châu Âu trước đây rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga sẽ thất bại, giờ đã phai nhạt, thay vào đó là cảm giác ngày càng tăng rằng việc Tổng thống Putin đặt cược ông có thể tồn tại lâu hơn Mỹ và các đồng minh có thể được chứng minh là đúng.
Trong khi đó, một số nước châu Âu khác có thể sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với Nga và Trung Quốc để tránh phải dựa quá nhiều vào Mỹ, các quan chức châu Âu cho biết.
Nguồn: [Link nguồn]
Đa số người Ukraine tham gia cuộc thăm dò cho rằng, Tổng thống Ukraine Zelensky đang có mâu thuẫn với Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine – tướng Valeriy Zaluzhny.